Ông Dương Trung Quốc: Phải coi chính nghĩa là cao nhất
Nhà sử học Dương Trung Quốc trao đổi với phóng viên chiều 20/5. (Ảnh Nguyễn Dũng) |
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã có hàng loạt những hành động vi phạm trên Biển Đông. Ông đánh giá thế nào về mức độ nghiêm trọng từ việc Trung Quốc đưa giàn khoan ra thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?
Biển Đông đang trở thành một vấn đề nóng của toàn xã hội và nhất là với Quốc hội vào thời điểm này. Sáng nay tất cả các bài phát biểu cũng như các báo cáo trong phiên khai mạc Quốc hội cho thấy sự việc này đã trở thành một vấn đề rất nóng của toàn xã hội.
Chúng ta cũng đã nói rất thẳng về việc ai đúng ai sai, và những đòi hỏi chính đáng của Việt Nam.
Thời gian qua Chính phủ Việt Nam và các tổ chức trong ngoài nước đã đưa ra nhiều ý kiến, quan điểm rõ ràng về việc này. Tuy nhiên đây Trung Quốc vẫn tỏ ra hung hăng. Vậy tới đây chúng ta sẽ phải có giải pháp như thế nào về vấn đề này?
Trong điều kiện trước mắt chúng ta phải lấy chính sách ngoại giao đặt lên hàng đầu. Ở ngay hiện trường chúng ta đã thể hiện thái độ đó của chúng ta.
Chưa nói đến tương quan lực lượng nhưng chúng ta vẫn giữ duy trì hòa bình, không tạo ra cớ cho phía Trung Quốc, vì kinh nghiệm cho thấy Trung Quốc luôn tìm ra những cái cớ. Nếu tránh được điều này chúng ta có thể tạo ra được điều kiện, đạt mục tiêu chính là làm cho thế giới nhận thức ra vấn đề. Nhất là trong bối cảnh thế giới đang có nhiều điểm nóng khác nhau.
Thứ hai, cũng cần phải nói đến những mối quan hệ lợi ích liên quan đến Trung Quốc. Cá nhân tôi cảm thấy ở góc độ lịch sử phải coi chính nghĩa của chúng ta là cái cao nhất.
Tôi nói điều này ngay cả trong cuộc chiến tranh trước đây khi chúng ta phải trải qua thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Do vậy đòi hỏi chúng ta phải có sự kiên trì.
Muốn có được điều này, quan trọng nhất hiện nay là sự nhất trí để chia sẻ. Nếu không tìm được sự đồng thuận, đôi khi chính chúng ta cũng phải đứng trước khó khăn.
Do đó điều quan trọng hiện nay là bên cạnh sự ứng phó với Trung Quốc chúng ta phải nhanh chóng tạo ra được sự đồng thuận.
Bài học trên Biển Đông vừa qua gợi lên điều gì trong lịch sử đã qua thưa ông?
Chúng ta lại phải trở lại một nguyên lý căn bản. Nguyên lý của chúng ta là luôn luôn hòa hiếu, muốn có hòa bình, và trong lịch sử các cuộc chiến tranh của chúng ta. Đúng như cách đặt vấn đề như của chủ tịch HCM khi phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: Chúng ta ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng ta càng nhân nhượng thì… Đó luôn là một bài học quý giá của chúng ta!