Ông bố 9X giơ bảng xin việc giữa đường: Bỏ sĩ diện hão sẽ bước đi thành công
Bảng xin việc của ông bố trẻ 9X P.H.N |
“Nói nhục nhã là quá đáng”
Trong mấy ngày qua sự việc ông bố trẻ 9X đứng cầm bảng xin việc ở giữa đường vẫn thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. BS. Võ Xuân Sơn (Tp.HCM) đã dành cho ông bố trẻ 9X những lời động viên và chia sẻ. Bác sĩ cho rằng, nếu coi hành động của ông bố trẻ là nhục nhã thì điều này là hơi “sốc”.
Ý kiến của BS. Sơn đã nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ và chia sẻ. Theo BS. Võ Xuân Sơn: “Rất nhiều ý kiến chê bạn này. Một bác sĩ phân tích, rằng cậu ấy là đàn ông mà không có một kế hoạch cho cuộc sống, cho cuộc đời mình, ngay cả việc tìm hiểu và sử dụng các biện pháp tránh thai cũng không biết...”
“Trong thực tế làm việc, chúng tôi gặp khó khăn rất nhiều với những người như thế này. Không có kế hoạch, không biết sắp xếp cuộc đời mình, coi công việc và công ty như trò chơi, vui thì làm, không vui thì nghỉ. Thậm chí chỉ vì một chuyến du lịch, hay một câu nói của một nhân viên nào đó là sẵn sàng sổ toẹt vào việc công ty đã bỏ ra bao nhiêu tiền của, công sức huấn luyện mình, sổ toẹt vào mọi cam kết, gây khó khăn và xáo trộn cho công ty.
Thế nhưng, khi đọc được một bài báo, cho rằng việc cầm tấm bảng xin việc ấy là nhục nhã đối với một cử nhân, thì tôi hơi bị sốc. Coi việc cầm tấm bảng xin việc như vậy đối với một cử nhân là “nhục nhã” thì hơi quá đáng.”- Bs. Võ Xuân Sơn cho biết.
Nhiều người cho rằng, việc ném đá ông bố 9X là tàn nhẫn, đừng vì bất cứ lí do gì mà vùi dập ông bố ấy. BS. Võ Xuân Sơn nhắn nhủ: “Tôi muốn nói với các bạn trẻ khác, rằng các bạn không có gì phải cảm thấy nhục nhã khi các bạn không phạm pháp, không trộm cắp, không làm gì ảnh hưởng đến người khác. Các bạn có thể làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm, điều gì không gây thiệt hại cho quyền lợi, danh dự của người khác để xin việc làm, để kiếm sống. Khi các bạn có khả năng bỏ qua cái sĩ diện hão, các bạn đã bắt đầu bước những bước đi thành công.”
Khi tình phụ tử là động lực
Ngoài những ý kiến cho rằng hành động của ông bố trẻ 9X giơ bảng giữa đường xin việc mua sữa cho con là nhục nhã, kém bản lĩnh… thì cũng có rất nhiều những ý kiến động viên và thông cảm với trường hợp của N. Họ cho rằng, việc làm của N. không ảnh hưởng đến ai, không phạm pháp, là cách lựa chọn và cần được tôn trọng. Và phần lớn các ý kiến này cũng nhận được nhiều sự đồng tình.
Một bạn đọc viết” “Đã là cuộc đời có kẻ giỏi người dở, kẻ ăn không hết, người lần không ra. Phán xét một con người khi chưa hiểu rõ về họ là điều rất không nên. Các con tôi cả 2 đứa đều ra trường và đã có việc làm ngay sau đó. Tôi nói với các cháu rằng bên cạnh khả năng thực sự để thuyết phục nhà tuyển dụng vẫn còn có một chút may mắn của số phận. Động lực lớn nhất của chàng thanh niên 26 tuổi đứng giữa đường xin việc chính là tình phụ tử. Gian khó cuộc đời ai gánh nặng bằng cha? Những ai đã được sự ưu đãi của số phận hoặc cho là mình tài giỏi hãy đồng cảm với người cha trẻ này thay cho lời chì chiết dè bỉu.”
Bạn Trần Thanh Bình cho rằng: “Tôi thấy chuyện này hết sức bình thường, khi N. đã tốt nghiệp trường đại học là đã qua một quá trình dài học tập và lao động, đi thực tập. Có lẽ bạn ấy đã nộp đơn nhiều nơi nhưng không được để ý vì giờ xin việc làm đâu có dễ. N. chọn cách này coi như là cách cuối cùng để kiếm được sự chú ý của một nhà tuyển dụng nào đó. Động cơ của bạn trẻ này không xấu, chỉ muốn kiếm việc nuôi gia đình. Sao mọi người cứ phải khắt khe thế?”
Nhu cầu có việc làm là nhu cầu cơ bản của người trưởng thành |
Trong cuộc sống, không phải tất cả hành động của cá nhân đều phải thực hiện theo thói quen và quan niệm tốt xấu. Mà mỗi cá nhân tự chịu trách nhiệm cũng như có quyền thể hiện theo cách riêng của mình. Qua hành động xin việc “lạ đời” của ông bố trẻ, một ý kiến đồng tình: “Nhớ hồi xưa đi xin sách truyện ủng hộ, mình cũng đeo cái thùng đứng giữa sân trường, kết quả là ng ủng hộ thì ít mà người tò mò thì nhiều. Tuổi trẻ có khác, việc gì cũng dám làm. Ai cũng có cách riêng của mình, chỉ cần họ đạt được mục đích tốt đẹp thì ko ai có quyền phán xét.”
“Mấy năm trước khi kinh tế suy thoái, các trường ĐH ở Mỹ cũng có màn giơ bảng xin việc trong ngày lễ tốt nghiệp như thế này. Sau đó, không tăm hơi gì nữa. Không biết có phải tại bộ Lao động Mỹ tạo công ăn việc làm nhiều thêm hữu hiệu cho họ? Nhưng nói chung, người Mỹ có thói quen, suy nghĩ, thái độ tìm việc làm "tích cực" hơn.”- Một ý kiến khác chia sẻ.