Nuôi vịt biển, mô hình chăn nuôi hiệu quả tại vùng ven biển Hà Tĩnh
Trước xu thế biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ngày càng cao, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã xây dựng và triển khai mô hình chăn nuôi thâm canh giống vịt biển 15 - Đại Xuyên trên vùng nước mặn lợ cho các huyện ven biển.
Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh tiếp tục triển khai mô hình nhằm hướng tới nhân rộng tại các địa phương vùng ven biển trong toàn tỉnh |
Hà Tĩnh có 137 km bờ biển, trải dài trên các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh. Đây là những địa phương có nguy cơ bị xâm nhập mặn ngày càng cao, diện tích canh tác bỏ hoang ngày càng nhiều, năng suất cây trồng, vật nuôi ngày càng giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.
Trước tình hình đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã xây dựng và triển khai mô hình chăn nuôi thâm canh giống vịt biển 15 - Đại Xuyên trên vùng nước mặn lợ cho các huyện ven biển nhằm giúp người dân tận dụng được vùng nước mặn, lợ để tạo thêm sinh kế mới, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình, cải thiện và nâng cao đời sống.
Vịt Biển 15 - Đại Xuyên, do Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (thuộc Viện Chăn nuôi Quốc gia) chọn tạo ra, được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống vật nuôi mới tại Thông tư số 25/2015/TT-BNNPTNT ngày 01/7/2015.
Vịt biển sau khi nhận về đến 2 tuần tuổi phải được quây úm để kiểm soát tốt nhất nhiệt độ, lượng ăn, dịch bệnh |
Vịt biển Đại Xuyên thuộc loại dễ nuôi, sức sống dồi dào, có khả năng thích nghi rộng, chống chịu bệnh tốt, sống được cả ở vùng nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Đến nay, giống này đã được nuôi thành công tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Trà Vinh.
Mô hình được triển khai trong vòng 3 năm (từ 2020 - 2022) với quy mô 4.500 con chia làm 3 đợt, mỗi đợt 1.500 con với 3 hộ dân tham gia. Năm 2020 chương trình này được triển khai đợt 1 tại 3 hộ dân thuộc 2 thôn Phú Hòa và Mỹ Hòa (xã Yên Hoà, huyên Cẩm Xuyên) là những địa phương tiếp giáp bờ biển.
Các hộ tham gia mô hình được dự án hỗ trợ giống, thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y, cụ thể là 70% con giống; 50% thức ăn hỗn hợp cho vịt giai đoạn 0-3 tuần tuổi, 36% thức ăn hỗn hợp cho vịt từ 4 tuần tuổi trở đi; 50% thuốc phòng thú y, hóa chất sát trùng, được cấp phát cho từng hộ dân theo lịch phòng bệnh, độ tuổi và chủng loại, số lượng dự toán.
Ngoài việc được tiếp thu kỹ thuật chăn nuôi qua các lớp tập huấn, các hộ tham gia mô hình còn được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh và cán bộ địa phương trực tiếp hướng dẫn cách chăm sóc nuôi dưỡng, theo dõi, bám sát mô hình và nắm bắt tình hình phát triển của đàn vịt trong suốt quá trình nuôi.
Từ 4 ngày tuổi, phải tập cho vịt tắm trong bể hoặc ao nhỏ, ngày đầu 5-10 phút sau đó tăng dần, đến ngày thứ 10 thì thả tắm tự do |
Kết quả sau 10 tuần tuổi cho thấy, tổng số đàn vịt còn sống là 1.478/1.500 con, đạt tỷ lệ 98,6% (trong khi đó các giống vịt cỏ, vịt cánh trắng chỉ đạt 92-95%); trọng lượng bình quân khi vịt 10 tuần tuổi đạt 2,8kg - 3,3kg (vịt cỏ chỉ đạt 1,2kg - 1,5kg/con, vịt bầu cánh trắng đạt 2,5 kg/con); hệ số thức ăn trên 1kg tăng trọng của vịt biển là 2,88kg, còn vịt nuôi tại địa phương là 3kg.
Đặc biệt, trong thời gian triển khai mô hình, do thời tiết nắng nóng kéo dài, hồ nuôi của hộ dân Võ Văn Lộc (thôn Mỹ Hoà) bị cạn, không cấp được nước vào ao, nên đàn vịt từ 1 tháng tuổi chuyển sang nuôi thả thả vườn trên vùng đất cát. Tuy nhiên, đàn vịt vẫn khỏe mạnh, phát triển tốt, không có dấu hiệu bị bệnh phổ biến về tiêu hóa, bệnh cắn mổ nhau…
Từ những kết quả đã đạt được, tháng 5/2021, Trung tân Khuyến nông Hà Tĩnh tiếp tục triển khai đợt 2 với quy mô 1.500 con cho 3 hộ dân tại xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà. Kinh phí thực hiện mô hình là 197.412.000 đồng, trong đó, nhà nước hỗ trợ 97.779.000 đồng, người dân đối ứng 99.633.000 đồng.
Cán bộ Trung tâm Khuyến Nông Hà tĩnh cùng huyện, xã kiểm tra đàn vịt tại các hộ dân |
Hộ chăn nuôi được hỗ trợ 100% chi phí tập huấn, hướng dẫn kĩ thuật triển khai mô hình; 70% con giống, 36% vật tư thức ăn và 50% thuốc thú y, hóa chất sát trùng. Kết quả cho thấy, tỷ lệ sống bình quân đạt 98,6% (vượt chỉ tiêu đề ra là 92%), trọng lượng bình quân đạt 2,85kg/con (vượt chỉ tiêu đề ra là 2,5kg/con), chỉ số tiêu tốn thức ăn trên 1 kg tăng trọng là 2,95 kg so với đề ra là 3kg/1 kg tăng trọng.
Sau hai năm thực hiện mô hình “chăn nuôi thâm canh giống vịt biển 15 - Đại Xuyên” tại xã Yên Hòa (huyện Cẩm Xuyên) và xã Thạch Lạc (huyện Thạch Hà), ngày 25/5/2022, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh tiếp tục triển khai mô hình này cho 3 hộ dân tại xã Cẩm Hà (huyện Cẩm xuyên) nhằm hướng tới nhân rộng tại các địa phương vùng ven biển trong toàn tỉnh.
Tham gia mô hình này, các hộ dân được hỗ trợ 50% con giống, 50% thuốc thú y, vắc xin, hóa chất sát trùng và 40% thức ăn công nghiệp. Hiện tại, đàn vịt mới được hơn 1 tuần tuổi, nhanh nhẹn, khoẻ mạnh, phát triển tốt.
Sau 10 tuần tuổi, tỷ lệ sống của đàn vịt biển đạt 98,6%, trọng lượng bình quân đạt 2,8kg - 3,3kg |
Việc đưa giống vịt biển vào trong cơ cấu giống vật nuôi mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh là một điều hết sức cần thiết, nhằm tận dụng tối đa vùng nước lợ, giúp người dân phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập; góp phần đa dạng hóa giống vật nuôi trên địa bàn và tăng cơ hội lựa chọn cho người chăn nuôi.
Mô hình thành công và được nhân rộng sẽ tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi, thúc đẩy các ngành nghề, dịch vụ phát triển như Cung cấp thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, buôn bán gia cầm, chế biến thực phẩm và các dịch vụ ăn uống tại địa phương; từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa và tạo thương hiệu cho sản phẩm.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi giúp dân thoát nghèo
Những năm gần đây, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi được nhiều địa phương chú trọng. Đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trần Hoàn