Nuôi “thần dược” trên dây, nông dân thu hàng chục triệu đồng mỗi vụ
Nhờ thành công từ các mô hình nuôi hàu sữa Thái Bình Dương trên dây - loại hải sản được ví như “thần dược” mà người dân xã Kỳ Hà (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi vụ....
Nuôi hàu sữa Thái Bình Dương (hàu sữa) là một nghề mới, dễ nuôi, có chi phí thấp, lại cho thu nhập cao, vì vậy đây được xem là mô hình kinh tế hiệu quả đối với người dân vùng ven biển phía Nam Hà Tĩnh.
Khu vực được người dân nuôi hàu sữa Thái Bình Dương nhiều nhất là cửa sông Vịnh và sông Quyền (xã Kỳ Hà). Ở đây có tới gần 120 bè hàu lớn nhỏ của gần 60 hộ dân 2 thôn Nam Hà và Bắc Hà.
Ông Nguyễn Vọ - thôn Bắc Hà, là người tiên phong tham gia nuôi hàu sữa tại xã Kỳ Hà chia sẻ: "Sau 6 năm nuôi trồng hàu sữa, từ nguồn hỗ trợ ban đầu của thị xã, tôi đã mở rộng diện tích từ 1 bè lên 3 bè. Nuôi hàu sữa trên dây có nhiều ưu điểm, vừa tận dụng được thức ăn ngoài tự nhiên, rút ngắn thời gian nuôi hơn 1 tháng so với cách nuôi truyền thống, chỉ tốn chi phí tiền giống ban đầu, năng suất cao và cho thu nhập ổn định. Trước đây, tôi chỉ nuôi 1 bè, sau đó thấy hiệu quả cao nên đã nhân rộng lên 3 bè nuôi. Mỗi vụ thu hoạch, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi cũng thu lãi được hơn 50 triệu đồng".
Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa, 2 bè nuôi hàu sữa Thái Bình Dương của gia đình ông Lê Quang Nhuận - thôn Nam Hà, xã Kỳ Hà đến kỳ thu hoạch. "So với việc nuôi các loại hải sản khác như tôm, cá... thì nuôi hàu chi phí thấp, không mất tiền thức ăn, đầu ra ổn định, kỹ thuật nuôi treo dây cước cũng khá đơn giản nên hiệu quả kinh tế khá tốt. Hàu nuôi thương phẩm trong thời gian khoảng 5-6 tháng sẽ cho thu hoạch, sau khi thu hoạch lứa hàu này, gia đình tôi sẽ mở rộng thêm 1 bè nữa ở khu vực sông Vịnh" - ông Nhuận cho hay.
Hàu sữa Thái Bình Dương là đối tượng ăn lọc, thức ăn cho hàu chủ yếu từ nguồn nước tự nhiên. Vì vậy, mô hình nuôi hàu dây góp phần cải thiện môi trường nước tại khu vực nuôi, bảo vệ và cải thiện môi trường hệ sinh thái vùng cửa sông. Thịt hàu có giá trị dinh dưỡng cao, tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ tim mạch... nên được nhiều người ưa chuộng.
Mô hình nuôi hàu treo dây tại xã Kỳ Hà được thực hiện trên kĩ thuật đơn giản. Để giàn bè có thể chịu được khối lượng hàu phát triển, người nuôi hàu chia nhỏ nhiều dây nuôi. Cứ 5 giá thể cho hàu bám được bố trí trên một dây. Mỗi giá thể trên dây cách nhau 10 - 20cm, từ dây này với dây kia cách nhau 20 - 30cm, mỗi hàng dây cách nhau 30 - 40cm. Cứ một dây hàu sữa đại dương như thế có tới 30 - 40 con hàu, nặng 15 - 20kg. Mô hình nuôi hàu sữa trên dây tuy đã có từ năm 2016 nhưng phải tới thời gian gần đây mới thực sự phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trên thị trường, hàu sữa được phân thành nhiều loại, nhiều giá khác nhau. Mỗi bè hàu sữa có điện tích 100m2 sẽ cho thu 1,3-1,5 tấn hàu vỏ và khoảng 250 kg hàu ruột tách vỏ. Với giá thị trường hiện nay 1 kg hàu vỏ khoảng 25-30.000 đồng, hàu ruột tách vỏ 80-120.000 đồng, mỗi bè diện tích 100m2 cho thu nhập bình quân từ 20-25 triệu đồng.
Ngoài ra, sau khi cạy tách ruột, người nuôi còn có thể tận dụng vỏ hàu bán cho các cơ sở làm giá thể cấy hàu giống. Việc nuôi hàu bằng giá thể vỏ hàu an toàn, thân thiện với môi trường và không gây ô nhiễm.
Thông tin từ UBND xã Kỳ Hà, năm 2016, UBND thị xã Kỳ Anh có Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND ngày 20/1/2016 "Về việc ban hành một số quy định các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM trên địa bàn TX Kỳ Anh giai đoạn 2016-2018". Theo đó, thị xã đã hỗ trợ 7 hộ nuôi hàu ở xã Kỳ Hà 7 bè nuôi với nguồn hỗ trợ từ 15-25 triệu đồng/bè để triển khai thí điểm mô hình nuôi hàu sữa Thái Bình Dương. Đến nay, sau quá trình nuôi trồng, cho hiệu quả cao, toàn xã đã nhân rộng lên gần 120 bè hàu sữa của gần 60 hộ nuôi. Trong ảnh: Khu vực nuôi hàu sữa tại sông Vịnh, xã Kỳ Hà.
Vùng cửa sông xã Kỳ Hà có điều kiện phù hợp với việc nuôi hàu sữa Thái Bình Dương. Hứa hẹn trong những năm tới, nghề nuôi hàu sữa sẽ phát triển hơn nữa, trở thành mô hình kinh tế tốt, giúp người dân làm giàu. Trong ảnh: Khu vực nuôi hàu sữa tại sông Quyền, xã Kỳ Hà.
"Nghề nuôi hàu sữa Thái Bình Dương không chỉ mang lại những giá trị lớn về kinh tế, mà còn có lợi ích vô cùng lớn trong bảo vệ môi trường. Thời gian tới, thị xã sẽ xem xét nhân rộng mô hình nuôi hàu sữa Thái Bình Dương ra các khu vực cửa sông, cửa biển có điều kiện phù hợp như xã Kỳ Ninh, phường Kỳ Trinh để người dân tại các địa phương này có thêm việc làm, tăng thu nhập.
Bên cạnh đó, thị xã sẽ nghiên cứu thêm các chính sách hỗ trợ người dân tại các vùng nuôi, mạnh dạn thử nghiệm nuôi mới cũng như mở rộng diện tích phát triển nuôi trồng giống hàu sữa thương phẩm...", Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Nguyễn Văn Chung.
Chủ vườn vải thiều không hạt ở Bắc Giang tiết lộ giá bán cao gấp 3 lần vẫn cháy hàng, nhiều người đến mua không có bán
Sau khoảng 4 năm trồng thử nghiệm, năm nay Bắc Giang đã có một số cây vải thiều không hạt cho quả to, màu sắc đẹp, cùi dày và có vị ngọt, giòn đặc trưng. Tuy nhiên, vừa 'tung' ra thị trường, loại vải này đã 'cháy hàng'.
Theo HTO