Nuôi hải sản trên biển đang là lợi thế
Ảnh minh họa |
Theo baotintuc.vn, Kiên Giang có 6.000 ha rừng ngập mặn ven biển, trải dài trên 200 km bờ biển từ Hà Tiên đến giáp bán đảo Cà Mau. Tỉnh Kiên Giang đã chủ trương giao rừng ngập mặn cho người dân quản lý, bảo vệ và phát triển, theo đó, các hộ nhận khoán rừng được quyền sử dụng 30% diện tích mặt nước trong rừng kết hợp nuôi các loại thủy hải sản, phát triển kinh tế gia đình.
Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Kiên Giang đã triển khai chương trình hỗ trợ 40% vốn và chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho các hộ nhận khoán đất rừng phòng hộ trong tỉnh. Chương trình đã giúp nhiều hộ nhận rừng thoát nghèo với mô hình nuôi sò huyết kết hợp nuôi tôm và cua dưới tán rừng. Mô hình này cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm/ha nuôi cua, ghẹ, sò huyết... Tỉnh đang hướng tới đầu tư khoa học kỹ thuật, con giống, vốn để hỗ trợ người dân duy trì các mô hình và đối tượng nuôi nhằm tăng năng suất.
Gia đình ông Nguyễn Hoàng Lương, ấp Xẻo Lá 2, xã Tân Thạnh, huyện An Minh, Kiên Giang nhận giao khoán hơn 6 ha rừng từ năm 2012, trong đó gần 2 ha dưới tán rừng ông thả nuôi sò huyết. Được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng và hướng dẫn kỹ thuật, sò huyết phát triển tốt. Sau vụ thu hoạch đạt năng suất bình quân 4 tấn/ha, mang lại thu nhập cho gia đình ông trên 400 triệu đồng/năm. Cái nghèo, cái khó đã không còn đeo đẳng gia đình ông nữa.
Ông Võ Hoàng Việt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang cho rằng, nuôi thủy sản dưới tán rừng là mô hình nuôi tự nhiên, không sử dụng thức ăn nên chi phí thấp. Các hộ dân nhận khoán đất chỉ cần tận dụng diện tích mặt nước dưới tán rừng để nuôi các loài thủy sản. Hiện tại, mô hình nuôi sò huyết đang phát triển rất thuận lợi nhưng phần lớn tiêu thụ qua thương lái. Ngành nông nghiệp huyện đang hướng đến nhân rộng mô hình này sang nhiều xã khác và kiến nghị xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sò An Minh để sản phẩm có đầu ra bền vững, tăng thu nhập cho các hộ nuôi.
Với ba mặt giáp biển, có đường bờ biển dài hơn 250 km, Cà Mau cũng rất thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản. Đó là chưa kể hàng chục ngàn ha đất nhiễm phèn ven biển, chỉ có thể cải tạo nuôi trồng thủy sản. Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh có trên 296.000 ha nuôi trồng thủy sản đã đưa Cà Mau trở thành tỉnh có diện tích nuôi trồng lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Gần 90% diện tích trên hiện nay người dân đang phát triển nuôi tôm công nghiệp, quảng canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2013, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 286.000 tấn, riêng tôm đạt hơn 132.000 tấn.
Với lợi thế này Cà Mau được xem là vựa tôm của cả nước, sản phẩm tôm của Cà Mau được xuất khẩu sang 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Toàn tỉnh có 35 doanh nghiệp với 37 nhà máy chế biến thủy hải sản xuất khẩu. Năm 2013, xuất khẩu thủy sản Cà Mau đạt 1 tỷ USD là nỗ lực lớn của người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương, khẳng định thủy sản là thế mạnh của Cà Mau. Riêng 3 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu tôm đạt trên 798 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2013.
Hiện tại, Cà Mau có tổng diện tích rừng phòng hộ ven biển 25.000 ha. Những năm qua, do nguồn lợi thủy sản tự nhiên cạn kiệt, đời sống người dân sống gần khu vực rừng phòng hộ bấp bênh, rừng cũng bị tàn phá. Tỉnh cũng đang có nhiều chương trình khoán rừng cho người dân trồng mới thêm rừng và kết hợp nuôi hải sản. Vừa qua, 780 hộ dân trong số gần 2.000 hộ gia đình đang sinh sống trong rừng ngập mặn Nhưng Miên, huyện Ngọc Hiển được hỗ trợ vốn, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm sú kết hợp bảo vệ và trồng mới cây rừng. Đây là dự án “Đồng quản lý” do cơ quan phát triển Hà Lan và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế hỗ trợ, nhằm ngăn chặn và giảm nạn phá rừng.