Nước biển đang ô nhiễm nặng
Đô thị ven bờ biển gây nên tình trạng ô nhiễm, suy thoái chất lượng nước biển.
Vùng bờ và biển Việt Nam là nơi tập trung gần nửa số tỉnh, thành trong cả nước (28/63 tỉnh) với mật độ dân số cao và đô thị hóa nhanh đang kéo theo tình trạng suy thoái tài nguyên biển và đa dạng sinh học. Đặc biệt, nguồn thải từ lục địa đang đe dọa gây ô nhiễm môi trường biển, mặt nước biển nếu chúng ta không nhanh chóng có những biện pháp hữu hiệu.
Ô nhiễm chất “kịch độc”
Hoạt động quan trắc và phân tích môi trường biển ven bờ Việt Nam do 3 Trạm quan trắc phân tích môi trường biển miền Bắc, Trung, Nam cho thấy, nước biển phần gần lục địa trên đà suy thoái nghiêm trọng bởi hàm chứa nhiều chất “kịch độc”, nhiều loại đã vượt ngưỡng cho phép.
Tại tất cả các điểm đo, quanh năm đều quan trắc được hàm lượng dầu vượt Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) đối với nước biển ven bờ cho vùng nuôi trồng thuỷ sản, bảo vệ thuỷ sinh (QCVN 10: 2008/BTNMT). Hầu hết các giá trị quan trắc cho thấy ô nhiễm dầu đã vượt quy chuẩn cho mọi mục đích sử dụng tới 0,2 mg/l. Tại khu vực miền Bắc, hàm lượng dầu trong nước biển thể hiện rõ ảnh hưởng của hoạt động giao thông thuỷ đối với chất lượng nước. Điểm đo Cửa Lục bố trí gần luồng Cửa Lục, sát phà Bãi Cháy có hàm lượng dầu trong nước cao hơn hẳn các điểm đo khác, biến đổi từ 0,85÷1,92 mg/l.
Hàm lượng Amôni cũng đã được xác định là có trong nước biển ven bờ, biến đổi trong khoảng KPH-0,19 mg/l. Nhìn chung hàm lượng ô nhiễm Amôni cao nhất là ở khu vực miền Bắc (0,03÷0,19 mg/l), sau đó đến miền Trung (0,02÷0,09 mg/l) và miền Nam (KP 5 -0,13 mg/l). Tại nhiều vùng cửa sông thuộc miền Bắc như Cửa Lục, Đồ Sơn, Ba Lạt và miền Nam như Rạch Giá hàm lượng Amôni đă vượt quá QCVN đối với nước biển ven bờ cho nuôi trồng thuỷ sản, bảo vệ thuỷ sinh.
Nghiêm trọng hơn, tại khu vực miền Trung đă quan trắc được hàm lượng Xianua cao hơn quy chuẩn cho phép đối với nước biển ven bờ cho vùng nuôi trồng thuỷ sản, bảo vệ thuỷ sinh, bãi tắm và khu vui chơi (0,005 mg/l), đặc biệt tại khu vực Sa Huỳnh đã vượt quá quy chuẩn cho mọi mục đích sử dụng (0,01 mg/l) tại thời điểm đo. Tại miền Bắc cũng đã tìm thấy hàm lượng Xianua đáng kể trong nước biển ven bờ cho dù nồng độ thấp hơn khu vực miền Trung.
Ngoài ra, dấu hiệu ô nhiễm coliform trong nước biển ven bờ thể hiện rõ ở miền Nam, tại tất cả các điểm đo trừ điểm đo xa bờ Phú Quốc đă quan trắc được số lượng tổng coliform vượt quá quy chuẩn cho phép đối với nước biển ven bờ cho mọi mục đích sử dụng (QCVN 10:2008/BTNMT–1000MPN/100ml) trong nhiều năm qua.