Nữ doanh nhân 9X dân tộc Thổ biến "đất cằn nở hoa"
Cô gái dân tộc Thổ Nguyễn Lê Ngọc Linh là một gương sáng về khởi nghiệp ở Thanh Hóa, bỏ công việc ở TP lớn trở về quê xây dựng HTX Vườn rừng bản Thổ với một khát vọng đưa nông sản vươn tầm quốc tế.
Trăn trở với nông sản quê hương
Nguyễn Lê Ngọc Linh (32 tuổi) là giám đốc HTX “Vườn rừng bản Thổ”. Ai tiếp xúc với cô đều thấy rằng, Linh là cô gái rất khiêm nhường và giản dị, cô không ngại cuốc đất, chăm sóc rừng cây giữa trời nắng, không ngại khó, ngại khổ.
Linh nhớ lại, sau khi tốt nghiệp đại học, cô làm công việc văn phòng tại Hà Nội, nhưng trong lòng vẫn luôn ấp ủ ý định trở về quê hương lập nghiệp. Linh luôn dành vài tiếng mỗi ngày để tìm hiểu trên mạng internet, báo đài về sản xuất nông nghiệp, về tiềm năng, lợi thế của địa phương để trang bị kiến thức cho mình.
Năm 2018, cô quyết định "bỏ phố về quê" trước sự ngỡ ngàng của bạn bè và gia đình. Với 3 ha đất đồi mượn của bố mẹ, Linh bắt tay xây dựng mô hình "Vườn rừng bản Thổ". Cô lý giải đây là mô hình trồng trọt và chăn nuôi trên đất đồi tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thức vật, hóa chất.
Nguyễn Lê Ngọc Linh không ngại khó, ngại khổ luôn nhiệt tình hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệp về cách làm nông nghiệp, chăm sóc vườn rừng
Điểm đặc biệt ở mô hình vườn rừng này là chỉ trồng dặm cây chứ không phá, Linh cho biết: "Như Xuân là vùng đất khô hạn, ít mưa, đất đai nếu không được che phủ tốt sẽ dễ bị thoát hơi nước dẫn đến bạc màu, không thể trồng được cây. Bởi vậy, mình không sử dụng thuốc diệt cỏ, không nhổ cỏ, xáo cỏ để tạo độ che phủ tốt cho đất".
Khi mới khởi nghiệp, mặc dù gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn ít, kiến thức về trồng rừng không có nhiều nhưng Linh vẫn kiên trì thực hiện. Ngay sau khi xoay sở đủ nguồn vốn, Linh đã bắt đầu tìm những giống cây bản địa về trồng như keo, lát.
Đến tháng 1/2019, khi vườn rừng đã phát triển, Linh lại bắt đầu đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao vào trồng tại vườn rừng và kết hợp trồng các loài cây rừng quý như lim, trám, mắc khén, dổi… Đây là những cây có tác dụng khôi phục lại các mạch nước ngầm dưới lòng đất. Đồng thời trồng thêm các loài cây như dổi rừng lấy hạt, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi, cam, ổi, mít. Ngoài ra, Linh còn trồng dưới tán rừng các loài cây hoa màu, cây bobo, cây ngô để lấy nguồn nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi tại chỗ và trồng các cây dược liệu như: Cây thiên môn đông, gừng, nghệ, tỏi…
Tới nay, "Vườn rừng bản Thổ" đã có hơn 50 loài cây rừng bản địa như lim, lát, dẻ, trám, mắc khén, dổi… cùng các loài cây hái quả gồm cam, quýt, bưởi và các loài dược liệu, cây nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, kết hợp chăn nuôi ong, gà trong rừng.
Những cánh đồi trọc được sự giúp đỡ hướng dẫn của HTX Vườn rừng bản Thổ đang dần được hồi sinh, giúp người dân sinh kế tốt trên những mảnh đất kém hiệu quả.
Mục tiêu của Hợp tác xã “Vườn rừng bản Thổ” là hồi sinh những cánh rừng; xây dựng, phát triển hệ sinh thái thực phẩm với chuỗi giá trị nông sản và dược liệu theo hướng nông nghiệp sinh thái; tạo sinh kế bền vững, cải thiện thu nhập, sức khoẻ cho người dân địa phương. Cùng với đó là phục dựng, duy trì và phát huy các giá trị bản địa, thúc đẩy phụ nữ vươn lên khẳng định vị thế của người phụ nữ dân tộc thiểu số ngay trên chính mảnh đất quê mình.
Ngọc Linh chia sẻ mật ong nuôi giữa rừng đúng quy trình là sản phẩm chủ lực của Hợp tác xã “Vườn rừng bản Thổ”. Từ khi xác định được mục tiêu phát triển này, Linh đã liên kết với nhiều hộ nuôi ong đảm bảo tiêu chí ở trong và ngoài huyện. Tiếp đó, cô đã tự tìm tòi làm ra sản phẩm mật ong lên men, rồi kết hợp với các loại dược liệu bản địa như gừng, tỏi tía, nghệ, chùm ngây, lá bạc hà sấy lạnh … vừa là kháng sinh tự nhiên, vừa chứa nhiều Enzyme, các lợi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch của con người, vừa đảm bảo dinh dưỡng, lại mang về nguồn thu đủ để vận hành hệ thống.
Khát vọng vươn xa
Là người cầu toàn, Ngọc Linh khát khao, mong muốn lan toả những thực phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng từ nguồn nguyên liệu sạch từ rừng.
Năm 2021, mật ong lên men đã trở thành sản phẩm chủ lực của HTX Vườn rừng bản Thổ khi thời điểm COVID-19 nhiều F0 đã sử dụng để hỗ trợ phục hồi sức khoẻ. Mật ong lên men cũng là sản phẩm đạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp Đoàn thanh niên tỉnh Thanh Hóa 2021. Sản phẩm cũng được chọn top 20 của bảng doanh nghiệp của làng đổi mới, tham gia Techfest lọt vào top 10.
Sản phẩm mật ong lên men hiện tại chính là tâm huyết trả qua 2 năm nghiên cứu của doanh nhân 9x Ngọc Linh
Từ kinh doanh các sản phẩm mật ong lên men đã đem về thu nhập cho gia đình Ngọc Linh khoảng 500 triệu đồng/năm. Cao điểm, có tháng doanh thu của “Vườn rừng bản Thổ” đạt tới 300 triệu đồng. 4 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ của HTX Vườn rừng bản Thổ đều là những phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt tại địa phương với mức lương khoảng từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
“Từ một đồi rừng lau lách, không điện, không đường, 1 khung nhà sàn dựng lên - trơ trọi, mọi thứ đều tự thân vận động, mọi thứ đều gom góp từng ngày từng ngày một để được như bây giờ”, Linh chia sẻ.
Nói về động lực để cô xây dựng Vườn rừng bản Thổ, Linh nói, mỗi lần về quê, cô nhận thấy quê hương đất đai rộng lớn nhưng khai thác theo phương pháp tận diệt, không bảo tồn sự đa dạng sinh học. Trong khi đó, người trẻ vẫn phải đi tha phương, Không gian ảm đạm như vậy tác động sâu sắc đến tôi, cô luôn muốn tìm kiếm giải pháp làm thế nào để đến đời con cháu mình vẫn có những mảnh rừng xanh những cây lim, cây dẻ, mắc khẻn…
Anh Lê Văn Hiếu, Bí thư huyện Đoàn Như Xuân cho biết: Nguyễn Lê Ngọc Linh là một gương thanh niên khởi nghiệp xuất sắc tại địa phương. Mô hình Vườn rừng bản Thổ của Linh được Huyện đoàn Như Xuân rất quan tâm, thường xuyên tổ chức đưa các đoàn viên thanh niên đến tham quan và học tập.
Những chàng trai, cô gái trẻ 'đổi đời' nhờ... hoa
Mê mẩn loài hoa cẩm cù, anh công an viên ở Bình Phước tạo dựng vườn hoa với hơn 300 loại, mỗi năm thu nhập hơn trăm triệu đồng; bỏ nghề hướng dẫn viên du lịch, cô gái 9x về khởi nghiệp mở cửa hàng hoa khô....
Theo DDDN