Nông dân Hải Dương có thể mất hàng trăm tỷ đồng vì nông sản ùn tắc
Nhiều ha nông sản tại Hải Dương đã đến mùa thu hoạch có nguy cơ thất thu do những vướng mắc trong việc vận chuyển.
Cánh đồng rau màu xã Đức Chính, Cẩm Giàng là vùng trồng rau màu vụ đông chủ lực của tỉnh Hải Dương. Năm nay mặc dù được mùa nhưng do dịch bệnh nên tình hình tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
Ông Vương Đức Dũng - Bí thư Đảng ủy xã Đức Chính, Cẩm Giàng, Hải Dương cho biết: "Đến thời điểm này chúng tôi mới thu hoạch được hơn 300 ha, còn hơn 800 ha nữa là chưa được thu hoạch dù là đã đến kỳ thu hoạch. Do dịch bệnh nên tình hình vận chuyển gặp nhiều khó khăn".
Người nông dân Hải Dương đang gặp vô vàn khó khăn.
Hiện toàn tỉnh Hải Dương có hơn 4.000 ha cây rau màu đang đến mùa thu hoạch. Trong đó cà rốt - mặt hàng chuyên phục vụ cho xuất khẩu vẫn còn khoảng 80.000 tấn vẫn chưa được thu hoạch. Nếu không được tiêu thụ kịp thời, thiệt hại có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng.
"Nút thắt là việc vận chuyển hàng nông sản đến nơi tiêu thụ. Với mặt hàng cà rốt việc kiểm soát về vấn đề phòng dịch và an toàn thực phẩm luôn đặt lên hàng đầu. Đây là mặt hàng xuất khẩu nên mong có sự hợp tác của các tỉnh bạn và chỉ đạo từ trên để khơi thông", ông Triệu Thế Hùng - Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương cho biết.
Hải Dương đang tìm các giải pháp tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Trước tình hình trên, Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các sở, ngành tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, đặc biệt là cà rốt còn tồn đọng sản lượng quá lớn.
Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương yêu cầu địa phương tổng hợp, gửi sách biển kiểm soát các xe ô tô và lái xe có nhu cầu đến thu mua, vận chuyển cà rốt gửi công an tỉnh.
Lực lượng công an tại các chốt sẽ căn cứ vào danh sách, có cách thức kiểm tra, kiểm soát để lưu thông hàng hóa. UBND huyện Cẩm Giàng cũng sẽ cấp thẻ cho nông dân ra đồng để kiểm soát dịch bệnh.
Theo ông Trần Văn Quyết, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng, việc cấp thẻ để giải quyết nhu cầu cấp bách khi Cẩm Giàng đang còn gieo cấy vụ đông xuân và nhiều nông dân làm việc tại vùng trồng rau củ quả. "Cấy có thể chậm vài hôm nhưng gieo vãi mầm thóc để chậm 3-4 hôm thì coi như vứt đi, phải ngâm ủ đợt mới thì muộn thời vụ", ông Quyết giải thích.
CDC Hải Dương đã phối hợp với lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm cho các lái xe. Gần 500 lái xe đã được lấy mẫu xét nghiệm để tạo thuận lợi cho việc trung chuyển hàng hóa ra ngoài tỉnh tiêu thụ.
Trao đổi với phóng viên VTV, một số lái xe cho biết mặc dù đã được lấy mẫu xét nghiệm và các trang bị bảo hộ. Tuy nhiên, thời gian lưu thông chỉ được khoảng 72 giờ, với thời gian này các lái xe chỉ chở hàng hóa ra ngoài Hải Dương và vùng lân cận mà không thể đi xa hơn.
Vì vậy để tăng tỉnh hiệu quả trong việc tiêu thụ nông sản đã có một số đề xuất là tỉnh Hải Dương cần sớm có một điểm tập kết hàng nông sản ngoài tỉnh và tiếp tục phân phối đi các tỉnh xa hơn.
Toàn huyện Cẩm Giàng bị phong tỏa từ 18h ngày 5/2 khi xuất hiện 10 ca dương tính nCoV. Toàn tỉnh Hải Dương ghi nhận 6 ổ dịch lớn là TP Chí Linh, Cẩm Giàng, Nam Sách, Kinh Môn, TP Hải Dương và ổ dịch mới Kim Thành.
TP Chí Linh, nơi bị phong tỏa, đang cấp thẻ cho người dân đi chợ theo ngày chẵn lẻ nhằm giãn cách xã hội.
Các siêu thị lớn vào cuộc giải cứu nông sản Hải Dương
Trước thông tin nông sản của tỉnh Hải Dương gặp khó khăn về đầu ra nên bị ùn ứ, một số siêu thị đã vào cuộc nhằm đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng nông sản, nhằm hỗ trợ nông dân Hải Dương.
Theo vtv.vn