Nơi những con sóng vỗ bờ (P3): Khánh Hòa
Thế giới mà chúng ta đang sống có 5 châu lục chia thành 204 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn ¾ trong số đó tiếp giáp với biển và đại dương. Chinh phục biển cả bao la là khát vọng của con người và chiến lược của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở mỗi quốc gia, tùy theo điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế và chính trị mà họ đã có những định hướng khác nhau để chinh phục khát vọng này. Trong mỗi quốc gia, mỗi vùng miền lại có những việc làm, những hướng đi cụ thể để chinh phục biển cả, biến nó thành nguồn lực kinh tế, thành nền móng vững chắc để bảo vệ chủ quyền. Khánh Hòa – vùng biển đảo nằm ở khu vực Nam Trung bộ Việt Nam cũng đang nỗ lực như vậy.
Tỉnh Khánh Hòa có diện tích tự nhiên là 5.217,6 km², chiều dài đường mép nước tiếp giáp biển hơn 385km, diện tích vùng biển rộng lớn gấp nhiều lần phần đất liền.
Về địa lý hành chính, tỉnh Khánh Hòa có 5/9 huyện, thị xã, thành phố tiếp giáp biển là Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Cam Lâm và một huyện đảo là Trường Sa. Tỉnh còn có hơn 200 đảo lớn nhỏ, gần bờ và xa bờ, trong đó quần đảo Trường Sa có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội cũng như quốc phòng, an ninh không chỉ với Khánh Hòa mà với cả đất nước.
TP Nha Trang, Khánh Hòa. (Ảnh: Internet) |
Nhắc đến Khánh Hòa, người ta sẽ nghĩ ngay đến du lịch biển với những bãi tắm dài và đẹp, khí hậu ôn hòa, thiên nhiên tươi đẹp và hệ sinh thái đa dạng như san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn. Khánh Hòa có vịnh Nha Trang được công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới và được đánh giá có giá trị đa dạng sinh học cao, vào loại nhất ở Việt Nam.
Khánh Hòa đã vươn lên, trở thành một trung tâm du lịch lớn của cả nước. Kinh tế từ du lịch đóng góp vào GDP hàng năm của tỉnh chiếm tỉ trọng từ 12% trở lên. Giờ đây, trên bản đồ du lịch, Nha Trang (Khánh Hòa) là một trong các trung tâm có nhiều cơ sở lưu trú ven biển chất lượng cao. Hiện toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 600 cơ sở lưu trú với hơn 2000 phòng nghỉ, trong đó có hơn 70 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3-5 sao.
Bên cạnh phát triển du lịch, 3 vịnh Vân Phong, Nha Trang và Cam Ranh đều là những vịnh nước sâu, kín gió, kín sóng, lại được núi cao che chắn nên rất thuận lợi cho việc xây dựng cảng biển và khu neo đậu cho tàu thuyền tránh trú bão. Các khu vực này còn có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc nuôi trồng các loại sản vật vùng biển đảo. Nghề nuôi biển ở Khánh Hòa rất phát triển, tập trung ở các vịnh có chất lượng nước tốt và có lợi thế trong truyền thống nuôi trồng thủy hải sản của bà con. Khánh Hòa cũng là một trong những cái nôi của nghiên cứu, sản xuất giống, cung ứng giống cho miền Trung.
Lồng bè nuôi tôm hùm trên vịnh Vân Phong. (Ảnh: Internet) |
Ngoài sản vật dưới biển, Khánh Hòa còn có một đặc sản trên mặt nước không thể không nhắc đến, đó là yến sào. Chất lượng yến sào Việt Nam được công nhận là tốt nhất và được ưa chuộng nhất trên thế giới, và đặc biệt, ở Việt Nam, Khánh Hòa chính là nơi chim yến làm tổ nhiều nhất. Có thể nói, đây là món quà thiên nhiên quý giá nhất từ biển mà người dân Khánh Hòa có được.
Khánh Hòa còn là vùng nuôi cấy ngọc trai có tiếng trong cả nước. Trên thế giới, hầu hết môi trường biển ở mỗi quốc gia hay vùng lãnh thổ chỉ phù hợp cho một loại trai sinh trưởng, tuy nhiên, các nhà khoa học lại phát hiện ở Việt Nam có đủ các giống loài trai trên thế giới sinh sống.
Sau nhiều lần khảo sát và nuôi thử nghiệm, nhận thấy vùng biển Khánh Hòa có những khu vực đáp ứng các tiêu chí về biển sạch, lặng gió, độ mặn thích hợp, ít ô nhiễm... các đơn vị đã đầu tư xây dựng nhiều mô hình nuôi cấy ngọc trai trên diện tích lớn. Đây được xem mô hình thành công trong việc kết hợp nuôi trồng thủy sản, đồng thời, đây cũng là một điểm dành cho khách du lịch tham quan thú vị tại Nha Trang, đặt kỳ vọng sẽ tạo ra một điểm nhấn mới lạ cho hoạt động du lịch khám phá biển đảo tại thành phố này.
Cùng với phát triển du lịch, toàn tỉnh đã và đang hình thành các khu công nghiệp, nhà máy công nghiệp nặng gắn liền với thế mạnh về biển, thu hút đông đảo các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đáng chú ý nhất là Khu kinh tế Vân Phong mang tầm vóc lớn nhất cả nước với diện tích lên đến 150.000ha đã được Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng và phát triển trở thành khu kinh tế tổng hợp, trong đó cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo.
Khu kinh tếVân Phong. (Ảnh: Internet) |
Biển mãi mãi quan trọng đối với dân tộc Việt Nam. Biển là một yếu tố của lãnh thổ, tạo cho đất nước ta một thế mạnh. Biển có vị trí địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa, là không gian sinh tồn và cũng là phên dậu bảo vệ Tổ quốc.