TQ: Nơi đầu tiên bỏ giới hạn cấp hộ khẩu để hút nhân tài và nhà đầu tư bất động sản
Trịnh Châu hiện là thành phố đầu tiên ở Trung Quốc bỏ các giới hạn liên quan tới sổ hộ khẩu đối với người dân từ các vùng khác đến nhằm thu hút thêm nhân tài và giới đầu tư bất động sản.
Theo chính quyền thành phố Trịnh Châu, nơi sinh sống của hơn 12 triệu người, việc xóa bỏ quy định đăng ký hộ khẩu (hukou) tồn tại suốt hàng chục năm qua là nhằm ổn định thị trường bất động sản, cũng như thu hút người tài từ khắp cả nước về làm việc và sinh sống ở địa phương.
Văn bản hướng dẫn cập nhật cấp hộ khẩu được Sở Công an thành phố Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam công bố hôm 6/9 cho hay, những người muốn tới thành phố sống đều có quyền nộp đơn đăng ký hộ khẩu bao gồm cả những khu vực trung tâm thành phố. Trước đây, khu vực trung tâm thành phố Trịnh Châu không nằm trong phạm vi thi hành quy định nới lỏng cấp hộ khẩu được chính quyền địa phương ban hành cách đây 2 năm.
Hệ thống cấp hộ khẩu được Trung Quốc thực thi từ những năm 1950 nhằm quản lý dân số và có liên quan trực tiếp tới các quyền hưởng phúc lợi xã hội như tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục và quyền mua bất động sản.
Gần đây, một tỉnh khác ở Trung Quốc và các thành phố có ít hơn 3 triệu dân đã cho xóa bỏ hoặc điều chỉnh các chính sách về hoạt động cấp hộ khẩu. Như thành phố Thượng Hải đề xuất cấp hộ khẩu cho những sinh viên đã tốt nghiệp các trường Đại học trong thành phố. Điều kiện để được nhập hộ khẩu là những sinh viên tốt nghiệp từ 50 trường đại học hàng đầu thế giới theo xếp hạng của Times Higher Education (Mỹ), làm việc ổn định tại Thượng Hải trong một năm; hoặc sinh viên ra trường từ 100 trường Đại học hàng đầu thế giới, làm việc 6 tháng tại Thượng Hải và đóng bảo hiểm xã hội.
Chính sách sửa đổi mới nhất của thành phố Trịnh Châu về chuyện cấp hộ khẩu được cho liên quan tới những nỗ lực gần đây của chính quyền địa phương nhằm giải phóng thị trường bất động sản.
Các chuyên gia nhận định việc thu hút khách hàng tiềm năng mua nhà là “mục tiêu rõ ràng của việc xóa bỏ chính sách đăng ký hộ khẩu”.
Theo Sixth Tone, sự phát triển quá nhanh của ngành bất động sản ở Trịnh Châu sau khi các dự án cải tạo khu vực thành thị quy mô lớn đồng loạt được triển khai kể từ năm 2015 dẫn tới nhà ở rơi vào cảnh cung vượt cầu.
Hồi đầu tháng Chín, chính quyền thành phố Trịnh Châu đã yêu cầu các công ty phát triển bất động sản nối lại hoạt động xây dựng tại những công trình chưa hoàn thành, sau khi người dân ở một vài thành phố từ chối trả tiền thế chấp do các công trình bị trì hoãn thời gian dài.
Ngoài ra, xóa bỏ các quy định cấp hộ khẩu còn là nỗ lực của chính quyền thành phố Trịnh Châu nhằm lôi kéo thêm nguồn nhân tài trên khắp cả nước về đây làm việc và sinh sống.
Bởi theo thống kê, tính tới tháng 11/2020, tỉnh Hà Nam đã mất hơn 1,6 triệu lao động sang làm việc tại các tỉnh thành khác có tốc độ phát triển kinh tế lớn hơn như đồng bằng Trường Giang và đồng bằng Châu Giang.
Trên thực tế, các quy định khắt khe liên quan tới cấp hộ khẩu còn dẫn tới tình trạng hàng chục triệu "trẻ em bị bỏ lại phía sau" ở Trung Quốc. Thuật ngữ “trẻ em bị bỏ lại phía sau” được dùng để chỉ những đứa trẻ sống trong các gia đình có bố/mẹ hoặc cả 2 người đều rời nhà để lên các thành phố lớn làm việc kiếm sống, trong khi con cái bị bỏ lại ở quê nhà để ông bà hoặc họ hàng chăm sóc hộ.
Lý do chính khiến các cặp vợ chồng buộc phải để con ở lại quê nhà trong nhiều năm là do sự ràng buộc của thủ tục đăng ký hộ khẩu vốn được dùng để quản lý dân số tại Trung Quốc. Theo đó, đối với những người không có hộ khẩu trên địa bàn cư trú, hoạt động tiếp cận các dịch vụ như trường học, nhà ở và y tế sẽ vô cùng khó khăn. Nói cách khác, với những lao động di cư ở Trung Quốc, họ không thể đăng ký hộ khẩu tại các thành phố, nơi họ tới làm việc. Điều này có nghĩa con cái của họ sẽ không thể tiếp cận các dịch vụ công, nếu như các em không ở lại chính nơi được sinh ra.
Theo số liệu thống kê chính thức của chính phủ Trung Quốc, nước này có khoảng 13 triệu “trẻ em bị bỏ lại phía sau” vào năm 2020. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu độc lập, Trung Quốc có khoảng 70 triệu hộ gia đình có 1 hoặc cả 2 vợ chồng đi làm ăn xa, và 31 triệu hộ là cả 2 vợ chồng đều rời quê lên thành phố làm lao động di cư. Đa số những đứa trẻ "bị bỏ lại phía sau" sinh sống ở các miền quê nghèo khó tại Trung Quốc.
Phụ nữ Trung Quốc ngày nay không dám sinh con vì lo già, mất dáng và mất cả sự nghiệp, dù chính phủ cho triển khai nhiều chính sách khuyến sinh.
Minh Thu (lược dịch)