Nỗi ân hận muộn màng của những người nghiện thuốc lá
Nhiều nghiên cứu cho thấy, nguy cơ bị ung thư phổi của những người hút thuốc cao gấp 10 lần so với những người không hút.
Bệnh nhân đang điều trị bệnh phổi tại BV K do nghiện thuốc lá (Ảnh BVCC) |
Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu người mắc mới và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi.
Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao thứ hai trong các bệnh nhân ung thư ở nam giới. Năm 2020, Việt Nam có thêm 26.262 người mắc ung thư phổi và có hơn 23.000 trường hợp tử vong vì bệnh ung thư phổi, đây thực sự là con số đáng báo động.
Bác sĩ Nguyễn Phương Anh, Bệnh viện Phổi trung ương chia sẻ, nhiều nghiên cứu cho thấy, nguy cơ bị ung thư phổi của những người hút thuốc cao gấp 10 lần so với những người không hút. Khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc chứa chất độc cao gấp 21 lần so với khói từ người hút thở ra...
Theo WHO, không có mức an toàn nào của phơi nhiễm khói thuốc thụ động và khói thuốc được coi là chất độc hại nhất trong môi trường cư trú. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, trong khói thuốc, có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 70 chất được xếp vào loại gây ung thư. Khói thuốc lá vẫn có thể tồn tại trong không khí ngay cả khi không còn nhìn thấy hoặc ngửi thấy. Đáng chú ý, khói thuốc sẽ gây ảnh hưởng trong phạm vi 7-10m. Do đó, ngay cả khi ở rất xa thì người hút thụ động vẫn gặp những nguy cơ về sức khỏe không kém những người đang hút thuốc.
Đặc biệt, hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. 90% bệnh nhân mắc ung thư phổi đều hút thuốc lá. Trong khói thuốc lá có khoảng 4000 hoạt chất gây độc hại cho cơ thể, đặc biệt chất 3-4 benzopyzen là chất gây ung thư rất rõ trong thực nghiệm. Vì vậy có những bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư phổi nhưng họ không hút thuốc, mà có thể họ đã tiếp xúc với một số lượng đáng kể khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động, hít phải khói thuốc lá trong thời gian dài).
Như trường hợp bệnh nhân Bùi Văn Hùng, 33 tuổi quê tại Ninh Bình, anh chỉ đến khám tại Bệnh viện K khi thấy triệu chứng tức ngực, khó thở, người mệt mỏi và được các bác sỹ cho biết có u ác ở phổi.
Khai thác nhanh bệnh sử, anh cho biết “Tôi hút thuốc lá từ năm 18 tuổi, hiện giờ là được 15 năm, ngày hút nhiều nhất là 1,5 đến 2 bao thuốc. Biết thuốc lá có hại, tôi cũng không hút nữa mà chuyển sang hút thuốc lá điện tử thì 6 tháng sau phát hiện ung thư phổi.
Đến khi bị bệnh thì tôi mới bỏ hẳn thuốc lá, giờ rất ân hận vì nếu biết như thế này tôi sẽ quyết tâm từ bỏ thuốc sớm hơn không để lại hậu quả như bây giờ, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân, khiến gia đình thêm lo lắng và gánh nặng này sẽ kéo dài”.
Cùng phòng bệnh với anh Hùng, bác Long Xuân Hiền 60 tuổi quê tại Lạng Sơn phát hiện bệnh 2 khối u ở phổi từ năm 2000, hiện bệnh di căn xương.
Người đàn ông đối diện với cửa tử này kể lại, với công việc trước đây thường xuyên làm đêm, tôi hút từ năm 18 tuổi, cứ từ 7h tối đến 5h sáng hôm sau mà tôi hút ít nhất là 2 bao 1 đêm.
“Khi các con lớn dần, có cháu nhỏ, khuyên mãi nên tôi cũng bỏ được thói quen hút thuốc. Thời gian đầu bỏ thuốc, tôi cũng có lúc nản lòng vì đó là thói quen lâu năm rồi. Đến năm 2000, thấy làm việc nặng là khó thở, tức ngực khi vận động, đi khám thì phát hiện ung thư phổi và đến bây giờ khối u di căn, cuộc chiến của tôi có lẽ còn dài. Giờ ân hận lắm, tôi thấy có lỗi với con cháu và gia đình mình. Giá như tôi không hút thuốc lá thì có lẽ sẽ không để lại hậu quả như thế này”, ông Hiền buồn bã nói.
Sự ân hận, tiếc nuối cho sức khỏe và thời gian của mình cũng như là người thân trong gia đình luôn hiện hữu trên gương mặt đượm buồn của rất nhiều bệnh nhân ung thư phổi đang điều trị tại Bệnh viện K. Bởi việc tránh xa thuốc lá hay từ bỏ thói quen này là vấn đề mỗi người hoàn toàn có thể chủ động làm được. Nhưng đa phần người bệnh điều trị ung thư phổi tại bệnh viện K lại chỉ từ bỏ thói quen này khi đã có dấu hiệu mắc bệnh. Để bây giờ, trong câu chuyện hàng ngày các bệnh nhân chỉ thường nhắc đến “Giá như ngày xưa bỏ thuốc sớm hơn ....”
N. Huyền