Ninh Bình: Tích hợp giáo dục bộ quy tắc ứng xử học đường vào chương trình chính khóa
Văn hóa học đường được biểu hiện ở các khía cạnh như giao tiếp, ứng xử văn hóa thông qua công tác giảng dạy, học tập, hoạt động tập thể, vui chơi...
Thời gian qua, Sở GD&ĐT Ninh Bình rất quan tâm tới việc chỉ đạo triển khai xây dựng văn hóa học đường, văn hóa ứng xử, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục thẩm mỹ cho nhà giáo, người học nhằm xây dựng môi trường sư phạm, môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh trong các cơ sở giáo dục.
Ảnh minh họa |
Theo Sở GD&ĐT Ninh Bình, để triển khai có hiệu quả bộ quy tắc ứng xử học đường bản thân người thầy phải mô phạm, đức độ, mẫu mực trong hành vi, đối với đồng nghiệp phải khiêm tốn, đoàn kết, nhân ái, đối với học trò phải hết lòng thương yêu, chỉ bảo, đối với người khác phải giản dị, mẫu mực, đối với công việc phải tận tụy, có kỷ luật, sáng tạo, phải giữ gìn sự trong sạch của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.
Học sinh phải trung thực, cầu tiến, giản dị, khiêm tốn, đối với thầy cô giáo phải kính trọng, biết ơn, đối với bạn bè phải đoàn kết, thân ái, phải biết kính trên, nhường dưới. Môi trường giáo dục là nơi đào tạo những lớp người có tri thức để phục vụ xã hội.
Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Ninh Bình thì môi trường giáo dục lành mạnh, ứng xử với nhau có văn hóa là điều kiện tiên quyết để đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân tốt có tài đức vẹn toàn.
Nhận định việc xây dựng văn hóa ứng xử trong các trường học là một hoạt động giáo dục hệ giá trị, các chuẩn mực văn hoá giúp cho các thành viên trong nhà trường có nhận thức đúng, suy nghĩ, tình cảm, hành vi tốt đẹp, thực hiện văn hóa ứng xử lành mạnh, xây dựng cơ sở để đảm bảo chất lượng giáo dục của nhà trường nên thời gian qua các cơ sở giáo dục trên địa bàn cũng đã chú trọng tuyên truyền hành động đẹp, tích hợp nội dung bộ quy tắc ứng xử vào chương trình giảng dạy chính khóa.
Hoàng Thanh