Những thông tin đáng chú ý về triển vọng của thị trường xuất khẩu vũ khí Nga
Các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng Nga cung cấp xe tăng, xe bọc thép, máy bay, trực thăng và các hệ thống phòng không cho khách hàng nước ngoài. Đến tháng 8/2022, công ty xuất khẩu vũ khí quốc doanh của Nga Rosoboronexport đã giao số vũ khí trị giá 5,4 tỉ USD cho các khách hàng nước ngoài.
Thị phần của Nga trên thị trường vũ khí
Vào tháng 3/2021, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) đã công bố một báo cáo về xuất khẩu vũ khí. Theo SIPRI, từ năm 2015-2020, Mỹ vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất, trong khi Nga ở vị trí thứ hai với thị phần trên thị trường toàn cầu là 20%.
Một báo cáo được công bố vào năm 2022 lưu ý rằng thị phần của Nga là 19% và giá trị xuất khẩu vũ khí của nước này trong giai đoạn 2017-2021 đã giảm 26%.
Vào tháng 8/2022, Alexander Mikheev, Giám đốc điều hành của Rosoboronexport, cho biết vào năm 2022, công ty đã cung cấp vũ khí trị giá 5,4 tỉ USD cho khách hàng nước ngoài, điều này cho thấy nhu cầu về thiết bị quân sự của Nga trên thị trường quốc tế tiếp tục ổn định.
Đối tượng khách hàng mua vũ khí của Nga
Cựu Phó Thủ tướng Nga Yuri Boriso vào tháng 5/2022 cho biết, 74% sản phẩm của tổ hợp công nghiệp - quân sự Nga dành cho thị trường nội địa và 26% dành cho thị trường nước ngoài. Theo ông, những khách hàng mua vũ khí chính của Nga là Ấn Độ, Trung Quốc, Ai Cập và Algeria.
Sau dầu khí và lương thực, thực phẩm, vũ khí là loại hàng hóa xuất khẩu quan trọng thứ ba mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho Nga. Theo thống kê của SIPRI, từ năm 2017-2021, Nga đã cung cấp vũ khí cho 45 quốc gia.
73% số vũ khí được giao có điểm đến là Ấn Độ, Trung Quốc, Ai Cập và Algeria. Từ năm 2016-2020, 23% vũ khí xuất khẩu của Nga là sang Ấn Độ, 18% tới Trung Quốc và 15% tới Algeria.
Các loại thiết bị quân sự Không quân
Tỷ lệ thiết bị hàng không trong tổng giá trị xuất khẩu vũ khí của Nga vượt quá 50%. Ở một số quốc gia, một trong những máy bay chiến đấu chính là máy bay chiến đấu Su-30, vốn là phiên bản phát triển trên cơ sở loại máy bay huấn luyện chiến đấu Su-27UB. Nga đã cung cấp máy bay Su-30 cho Ấn Độ, Trung Quốc, Algeria, Việt Nam và các nước khác.
Nga cũng cung cấp máy bay chiến đấu Su-27 và Su-35 cho Trung Quốc. Ngoài máy bay, Trung Quốc đã được nhập khẩu từ Nga động cơ máy bay, bao gồm động cơ máy bay RD-93 cho máy bay chiến đấu FC-1/JF-17 Thunder của liên doanh Trung Quốc-Pakistan, động cơ máy bay D-30KP-2 cho Il-76, máy bay ném bom và máy bay vận tải của Trung Quốc, cũng như động cơ máy bay AL-31F và AL-31FN cho máy bay Su-27 và các loại máy bay chiến đấu khác của Trung Quốc.
Ngoài máy bay dòng Su, Nga còn xuất khẩu máy bay chiến đấu MiG-29, bao gồm các phiên bản MiG-29K và MiG-29KUB hoạt động trên tàu sân bay mà Ấn Độ sử dụng trên các tàu sân bay của mình. Máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130 của Nga cũng xuất khẩu sang Algeria, Bangladesh, Belarus, Myanmar và các quốc gia khác.
Ngoài ra, Nga còn cung cấp cho các khách hàng nước ngoài máy bay vận tải quân sự Il-76 với nhiều cải tiến, máy bay tiếp dầu Il-78 và máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không A-50EI.
Trong giai đoạn từ năm 2000-2020, Rosoboronexport đã bàn giao hơn 1.100 máy bay trực thăng quân sự và dân sự cho 46 quốc gia. Trực thăng Mi-171Sh, phiên bản xuất khẩu của trực thăng vận tải quân sự Mi-8AMTSh, đã được cung cấp cho hàng chục quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Peru và Algeria.
Trực thăng tấn công Mi-35, phiên bản xuất khẩu của Mi-24, cũng đã được các khách hàng nước ngoài ưa chuộng. Đặc biệt, phiên bản nâng cấp Mi-35M đang được biên chế trong quân đội Azerbaijan, Iraq, Brazil, Venezuela và Kazakhstan. Một số máy bay trực thăng Mi-28NE đã được bàn giao cho Iraq và Algeria. Tháng 7/2022, một số nguồn tin cho biết Nga đã chuyển giao lô Mi-28NE đầu tiên cho Uganda.
Ngoài ra, Nga đang tích cực xuất khẩu máy bay trực thăng Ka-32, vốn là phiên bản cải tiến của trực thăng hàng hải Ka-27PS. Những máy bay này đang phục vụ trong lực lượng không quân của Hàn Quốc, cũng như các dịch vụ dân sự của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Azerbaijan và các quốc gia khác.
Máy bay trực thăng trên tàu Ka-27 và Ka-28 đã được chuyển giao cho Trung Quốc, Việt Nam, Algeria, Syria và Ấn Độ. Ấn Độ và Trung Quốc cũng vận hành các máy bay trực thăng tuần tra Ka-31 của Nga. Ngoài ra, trực thăng tấn công Ka-52 đã được Nga xuất khẩu sang Ai Cập.
Các hệ thống phòng không
Vào năm 2019, tỷ lệ thiết bị phòng không trong xuất khẩu vũ khí của Nga đã tăng lên 20%. Các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga đã được chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc. Ngoài ra, các chuyên gia Nga đã tham gia phát triển hệ thống KM-SAM cho Hàn Quốc.
Nga đã xuất khẩu các phiên bản nâng cấp của hệ thống phòng không S-300 sang Trung Quốc, Azerbaijan, Algeria, Việt Nam và các nước khác. Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Buk-M2 đã được chuyển giao cho một số quốc gia, bao gồm cả Syria và Algeria.
Một trong những hệ thống phòng không phổ biến nhất do Nga sản xuất là hệ thống pháo và tên lửa phòng không Pantsir-S1. Vào năm 2015, đơn đặt hàng cho hệ thống pháo và tên lửa phòng không Pantsir-S1 đã xếp hàng cho đến năm 2019.
Hiện nay, các hệ thống phòng không Pantsir của Nga đang phục vụ tại hơn mười quốc gia, bao gồm Algeria, Serbia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Syria.
Các loại thiết bị quân sự Hải quân
Cho đến năm 2020, Rosoboronexport đã bàn giao khoảng 70 tàu ngầm và tàu nổi cho các khách hàng nước ngoài. Tàu chiến thuộc dự án 636 trở thành một trong những loại tàu ngầm được săn lùng nhiều nhất ở thị trường nước ngoài, được cung cấp cho Trung Quốc, Algeria và Việt Nam.
Nga cũng bảo dưỡng các tàu ngầm do Liên Xô chuyển giao cho Ấn Độ, cho New Delhi thuê tàu ngầm hạt nhân thuộc dự án 971U Shchuka-B và tàu tuần dương chở máy bay của Liên Xô “Đô đốc Gorshkov”, hiện mang tên Vikramaditya, đã được các chuyên gia Nga hiện đại hóa để phục vụ mục đích quân sự.
Hiện nay, Nga đang chế tạo cho Hải quân Ấn Độ các khinh hạm Project 11356. Các tàu tên lửa Molniya đã được Nga xuất khẩu sang Turkmenistan, Ai Cập và Việt Nam. Ngoài tàu tên lửa, Việt Nam còn nhận tàu tuần tra Đề án 11661E.
Bên cạnh đó, Nga đã xuất khẩu thủy phi cơ đổ bộ cỡ nhỏ Đề án 12322 Zubr cho Hy Lạp. Hải quân Hàn Quốc đã nhận được ba tàu đổ bộ đệm khí Đề án 12061 Murena của Nga.
Các loại thiết bị quân sự Lục quân
Súng trường tấn công Kalashnikov của Liên Xô, được sử dụng tại hơn một trăm quốc gia, là loại vũ khí cá nhân phổ biến nhất trên thế giới. Do đó, các khách hang nước ngoài luôn rất quan tâm đến các mẫu AK mới.
Kể từ năm 2000, Nga đã xuất khẩu hơn một triệu khẩu súng trường tấn công Kalashnikov với nhiều phiên bản khác nhau tới 30 quốc gia. Tại thành phố Korva/Ấn Độ, nhà máy liên doanh Nga-Ấn Độ để sản xuất súng trường tấn công Kalashnikov AK-203 cỡ 7,62 x 39 mm đã được xây dựng, sẽ bắt đầu sản xuất vũ khí vào cuối năm 2022.
Các hệ thống tên lửa chống tăng của Nga cũng đang được các lực lượng vũ trang nước ngoài nghiên cứu khả năng mua sắm. Lực lượng vũ trang của hơn mười quốc gia trên thế giới, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia và Algeria, được trang bị hệ thống chống tăng Kornet-E.
Một biểu tượng khác về xuất khẩu vũ khí của Nga là T-90, được coi là loại xe tăng thành công nhất về mặt thương mại của ngành công nghiệp quốc phòng Nga thế kỷ 21. Ấn Độ trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên mua phiên bản xuất khẩu của T-90.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng tiến hành lắp ráp T-90S theo giấy phép của Nga. Xe tăng T-90 của Nga cũng được Azerbaijan, Algeria, Việt Nam, Iraq và Uganda lựa chọn để trang bị lực lượng tăng-thiết giáp của mình.
Ngoài xe tăng, Nga còn cung cấp xe bọc thép Tigr, xe bọc thép chở quân BTR-82 cho nước ngoài và hiện đại hóa các loại xe bọc thép. Năm 2005, các chuyên gia Nga đã cải tiến loại xe bọc thép BMP-2 cho Algeria, sau đó BMP-2M bắt đầu được sản xuất phụ vụ nhu cầu của quân đội Nga.
Ngoài ra, Rosoboronexport đã bàn giao cho khách hàng nước ngoài khoảng 20.000 xe tải GAZ, KamAZ, Ural và xe địa hình UAZ. Các phiên bản xuất khẩu của hệ thống tên lửa tác chiến-chiến thuật Iskander-E đang phục vụ cho Algeria và Armenia.
Bất chấp làn sóng kêu gọi “tẩy chay” vũ khí Nga trên thị trường quốc tế, việc xuất khẩu vũ khí của Nga vẫn tiếp tục tăng trưởng. Vào tháng 8/2022, Nga tuyên bố đã ký kết các hợp đồng xuất khẩu vũ khí trị giá 16 tỉ USD vào năm 2022, qua đó danh mục các đơn đặt hàng vũ khí xuất khẩu của Nga đã đạt 57 tỉ USD.
Hạ Thảo (lược dịch)