Những thành quả và thách thức trên chặng đường phát triển của ASEAN
Trong suốt 53 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã gặt hái được không ít thành quả song cũng đối mặt với nhiều thách thức từ bên trong lẫn bên ngoài.
Hôm 8/8, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã kỷ niệm 53 năm ngày thành lập. Được thành lập vào ngày 8/8/1967 với 5 nước thành viên ban đầu bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Tới năm 1984, ASEAN kết nạp thêm Brunei và Việt Nam gia nhập vào năm 1995, Lào cùng Myanmar gia nhập năm 1997 và cuối cùng là Campuchia vào năm 1999.
Mục đích thành lập của ASEAN là đẩy mạnh phát triển kinh tế, hòa bình và ổn định khu vực, tích cực hợp tác và tương trợ lẫn nhau trong những vấn đề chung của các quốc gia thành viên. Ngoài ra, ASEAN còn tìm kiếm và thiết lập mối quan hệ hợp tác cùng có lợi với những thể chế khu vực và quốc tế có chung mục tiêu.
ASEAN gặp hái nhiều thành công nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức trên chặng đường phát triển. (Ảnh minh họa) |
ASEAN hoạt động theo 6 nguyên tắc nền tảng. Trong đó, 2 nền tảng liên quan tới việc tôn trọng lẫn nhau về nền độc lập, chủ quyền, hợp nhất lãnh thổ và không can thiệp vào chuyện nội bộ của các quốc gia thành viên.
Trong bài viết đăng trên tạp chi The Diplomat, ông Kimkong Heng tại Đại học Queensland nhận định sau hơn nửa thế kỷ, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể bất chấp không ít khó khăn thách thức. ASEAN còn được hoan nghênh với vai trò đặc biệt trong thúc đẩy và củng cố nền hòa bình khu vực và thế giới. Song ASEAN cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn để có thể duy trì vai trò quan trọng tại khu vực và quốc tế.
Nói về tác động bên ngoài, ASEAN đang phải đối phó với những thách thức từ cuộc cạnh tranh chiến lược về tầm ảnh hưởng của Mỹ - Trung. ASEAN phải cân bằng quan hệ, không quá nghiêng về bên nào trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa 2 cường quốc trên thế giới.
Thách thức tiếp theo là sự khác biệt về lợi ích và ưu tiên. Mỗi quốc gia đều đối mặt với những khó khăn về kinh tế, chính trị, xã hội riêng. Do đó, mỗi thành viên vẫn dành sự tập trung để giải quyết những vấn đề trong nước hơn là vấn đề chung của khối. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của ASEAN.
Nội khối ASEAN cũng tồn tại những thách thức về sự thay đổi dân số, chênh lệch phát triển về kinh tế, xã hội, vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề sông Mekong; các mối đe dọa an ninh truyền thống như tranh chấp biên giới, xung đột sắc tộc và an ninh phi truyền thống. Hiện tại, đại dịch Covid-19 cũng khiến cho công việc của ASEAN trở nên khó khăn hơn. Đại dịch gây tổn thất nặng nề đến kinh tế khối và làm gián đoạn lâu dài các hoạt động cũng như mục tiêu tương lai của ASEAN như xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2025.
Do đó, theo ông Heng, ASEAN phải nỗ lực hơn nữa để có thể duy trì và thúc đẩy những kết quả đã đạt được trong suốt những năm qua. Đồng thời, ASEAN cần tăng cường hợp tác và liên kết hơn nữa trong giải quyết các vấn đề chung của khu vực.
Ngoài ra, ASEAN cần tăng cường hợp tác và đối thoại cũng như tích cực thúc đẩy sự tham gia của các nước lớn trong khu vực và trên thế giới đặc biệt với Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, Australia để giúp khối thực hiện được những mục tiêu, tầm nhìn cũng như giải quyết các vấn đề tồn đọng.
Đặc biệt, ASEAN cần tăng cường quản trị, phát triển nội khối bền vững. ASEAN nói chung và các nước lớn trong khối nói riêng cần chung tay để hỗ trợ các nước kém phát triển hơn bắt kịp trình độ phát triển, nhất là trong các lĩnh vực tri thức và kinh tế số.
Minh Thu (lược dịch)