Những tâm huyết từ lễ khởi công xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa
Ông Võ Công Chánh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa cho hay, Nhà trưng bày Hoàng Sa được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt dự án tại Quyết định 2907/QĐ-UBND (20/5/2015) với vốn đầu tư 40 tỉ đồng, thuộc công trình nhóm B, cấp II; xây dựng trên khu đất A2-1 ở ngã ba Hoàng Sa – Phan Bá Phiến (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) có tổng diện tích 1.296m2, trong đó diện tích xây dựng là 412m2, diện tích sàn 1.824m2, gồm 1 tầng trệt, 3 tầng nổi, chiều cao xây dựng 18m, bể cảnh ngoài là 172m2.
Bấm nút khởi công xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa (Ảnh: HC) |
Công ty kiến trúc WRIGHT (Nhật Bản) là đơn vị được chọn làm đơn vị tư vấn thiết kế sau khi đạt giải tại cuộc thi phương án kiến trúc Nhà trưng bày Hoàng Sa vào năm 2014. Công ty TNHH Hy Mã là nhà thầu thi công. Trung tâm Tư vấn Kỹ thuật xây dựng TP Đà Nẵng làm đơn vị tư vấn giám sát. Thời gian thực hiện công trình là năm 2015 – 2016.
Nhà trưng bày Hoàng Sa sẽ trưng bày hệ thống các tư liệu bằng hình ảnh động và tỉnh hỗ trợ bởi kỹ thuật, mỹ thuật đa phương tiện như video, kết hợp với hệ thống bản đồ, sa bàn tổng quan về vị trí địa lý tự nhiên, hành chính Hoàng Sa, tập trung vào giới thiệu các tài liệu về Hoàng Sa thuộc các chủ đề:
Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên; Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam trước thời Nguyễn; Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam thời nhà Nguyễn; Những tư liệu của Trung Quốc và Phương Tây minh chứng chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa; Chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa (1858 - 1954); Chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa (1954 – 1974); Các văn bản quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa từ năm 1975 đến nay; Hoàng Sa với thế giới - Thế giới với Hoàng Sa; Hoàng Sa & những nhân chứng lịch sử.
Hai nhân chứng sống Lê Đình Rê (trái) và Trần Hòa tham dự lễ khởi công Nhà trưng bày Hoàng Sa (Ảnh: HC) |
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng nhấn mạnh: “Đây là thiết chế văn hóa, lịch sử có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với nhân dân TP Đà Nẵng và nhân dân cả nước. Không chỉ là nhà trưng bày, triển lãm bình thường mà đây là nơi trưng bày, tuyên truyền cho đông đảo nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế các bằng chứng pháp lý, lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Đây cũng là nơi để các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, tìm về truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam mà lớp lớp cha anh đã dày công vun đắp!”.
Trên tinh thần đó, ông Đặng Việt Dũng yêu cầu UBND huyện Hoàng Sa và các cơ quan liên quan, đặc biệt là các đơn vị tư vấn, quản lý dự án, nhà thầu và giám sát thi công bằng nỗ lực và quyết tâm cao nhất, bằng con tim, khối óc và sự quyết liệt, tập trung máy móc, nhân lực để hoàn thành công trình với yêu cầu cao nhất cả về chất lượng, kiến trúc, mỹ thuật và nghệ thuật trưng bày trong thời gian nhanh nhất, đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân TP Đà Nẵng và cả nước.
Từng được Bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Nam điều động ra chăm sóc sức khỏe, khám và điều trị bệnh cho sĩ quan, binh lính thuộc trung đội Hoàng Sa và các nhân viên khí tượng trên đảo hồi tháng 10/1973, nhân chứng Trần Hòa từ thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam) đội mưa ra Đà Nẵng dự lễ khởi công xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ông Hòa bày tỏ với PV Infonet sự phấn khởi trước sự kiện mà ông cho biết đã cùng các nhân chứng Hoàng Sa mong đợi từ lâu. “Từ sự kiện này, tôi muốn nhắn gửi với con cháu phải luôn khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam, bằng mọi giá phải đòi lại núm ruột thiêng liêng này về cho Tổ quốc Việt Nam!”.
Tàu quân vận QV9708 do ông Lê Đình Rê chỉ huy từng được điều động ra Hoàng Sa khi Trung Quốc dùng vũ lực gây ra trận hải chiến ngày 19/1/1974 cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (Ảnh: HC) |
Nhân chứng Lê Đình Rê (hiện ở tại phường Hòa Cường Bắc, Đà Nẵng), từng là trung úy chỉ huy tàu quân vận QV9708 ra Hoàng Sa khi Trung Quốc dùng vũ lực gây ra trận hải chiến ngày 19/1/1974 cưỡng chiếm quần đảo của Việt Nam cho hay, ngày 19/1/2014, ông từng được Bộ TT-TT mời tham dự triển lãm và hội thảo về Hoàng Sa với tư cách là nhân chứng sống có liên đới tham gia trận hải chiến này. Nay dự lễ khởi công Nhà trưng bày Hoàng Sa, ông ao ước sẽ có ngày trở lại Hoàng Sa. Ông nói: “Dù đã già, tôi cũng xin là một thủy thủ, một thuyền trưởng ra với Hoàng Sa thân yêu. Mong các bạn trẻ hãy tiếp nối ý chí, tâm nguyện của chúng tôi!”.
Trao đổi với PV Infonet, ông Đặng Công Ngữ, vị Chủ tịch đầu tiên của UBND huyện Hoàng Sa nhấn mạnh, Nhà trưng bày Hoàng Sa còn là nơi tố cáo những luận điệu, hành động sai trái của Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo ruột thịt của Việt Nam. Công trình này là sự tập hợp ý tưởng, tâm huyết của chính quyền, nhân dân Đà Nẵng, cả nước và bạn bè quốc tế dành cho Hoàng Sa. Là người từng theo suốt quá trình hình thành nên ý tưởng về Nhà trưng bày Hoàng Sa, ông bày tỏ: “Tôi rất xúc động khi ý tưởng này được trở thành hiện thực. Đây là việc làm này vô cũng có ý nghĩa, vô cùng có trách nhiệm đối với hôm nay và các thế hệ mai sau”!.
Theo ông, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo là công việc thường xuyên, lâu dài. Ai là người Việt Nam thì đều phải có trách nhiệm trong cuộc đấu tranh này, nhất là khi Hoàng Sa vẫn đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Nhà trưng bày Hoàng Sa là một trong những bước đi cụ thể và từ đây, nhà nước ta cũng như UBND huyện Hoàng Sa cần tiếp tục đưa các tư liệu, bằng chứng lịch sử trưng bày tại đây ra với quốc tế, nhằm phục vụ cho công cuộc đấu tranh đòi lại Hoàng Sa về cho Việt Nam.
Ông Đặng Công Ngữ trả lời phỏng vấn báo chí tại lễ khởi công Nhà trưng bày Hoàng Sa (Ảnh: HC) |
Cũng theo ông Đặng Công Ngữ, thời gian qua đã có nhiều người nêu ý tưởng “kéo Hoàng Sa vào với đất liền”, tức là có một vùng lãnh thổ cụ thể trên đất liền cùng với quần đảo Hoàng Sa tạo thành một đơn vị hành chính. Ông cho đây là đề xuất rất tốt và việc sắp tới Đà Nẵng sẽ tái lập HĐND quận, huyện, phường là cơ hội tốt để Hoàng Sa thực sự có một vùng lãnh thổ, vùng trời, vùng biển có dân cư, có chính quyền thực hiện việc quản lý một cách toàn diện. Có như vậy mới bảo đảm mọi điều kiện pháp lý để đẩy mạnh cuộc đấu tranh đòi lại Hoàng Sa.
“Các thủ tục hành chính về vấn đề này thì UBND huyện Hoàng Sa và chính quyền TP Đà Nẵng phải là người đề xuất. Cần khẩn trương chọn lựa điều kiện địa lý, địa hình và các điều kiện liên quan khác để có phương án, đề án báo cáo Chính phủ và Quốc hội cho phép tách một phường cụ thể, phù hợp và có cơ sở khoa học để hợp cùng Hoàng Sa thành một đơn vị hành chính. Tôi nghĩ việc này sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ!” – ông Đặng Công Ngữ nói.