Những nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh ở Biển Đông
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nằm ở trung tâm biển Đông, ở hai phía của tuyến hàng hải quốc tế Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương. Vì thế, ai chiếm giữ và làm chủ được hai quần đảo này sẽ khống chế và kiểm soát được toàn bộ khu vực biển Đông.
Biển Đông được coi là 1 trong 5 bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Trong biển Đông tồn tại một “tam giác san hô” ôm trọn quần đảo Trường Sa với tổng số loài là 517, ngang bằng tổng số loài của tam giác san hô lớn nhất thế giới ở vùng biển Indonexia và Philipin.
Tài nguyên ở biển Đông vô cùng phong phú (ảnh minh họa) |
Biển Đông còn là 1 trong 4 khu vực biển Đông Á có tiềm năng băng cháy (hydate mathane, gas hydrat) và các khoáng sản khác. Phần biển nông và ven bờ của các quốc gia trong khu vực còn chứa đựng tiềm năng to lớn về quặng xa khoáng chôn vùi của thiếc, vàng, sắt, mangan, đất hiếm và các loại vật liệu xây dựng.
Biển Đông cũng là khu vực có thiên tai xảy ra hàng năm với tần suất ngày càng nhiều, mức độ công phá ngày càng khốc liệt và cũng luôn xảy ra sự cố tràn dầu và dầu tràn (chủ yếu là loại dầu vón) không rõ nguồn gốc. Trong số 10 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực biển Đông thì có 9 quốc gia có yêu sách về chủ quyền biển, đảo đã tạo nên các tranh cấp đa phương và song phương chứa đựng các mâu thuẫn cả về đối ngoại cả về kinh tế và quốc phòng an ninh.
Gần đây, môi trường biển Đông bị hủy hoại vĩnh viễn do Trung Quốc tôn tạo, mở rộng các bãi cạn san hô ở vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam để xây đảo nhân tạo. cùng với việc xây dựng các cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự trên 7 đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và đặt căn cứ tên lửa chiến lược trên quần đảo Hoàng Sa thì đã vô hình đẩy cục diện khu vực biển này vào thế “quân sự hóa’ và “quốc tế hóa”.
Trong khi đó, phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện Phi – Trung ở biển Đông đã bị Bắc Kinh kiên quyết bác bỏ bất chấp dư luận và công lý thế giới. Điều này đã làm gia tăng các bất ổn về chính trị, bất an trong sản xuất trên biển khiến biển Đông trở thành điểm nóng toàn cầu tác động rất lớn đến phát triển kinh tế, an ninh, trật tự và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển của Việt Nam.
Có thể thấy, khu vực biển Đông luôn là địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng truyền thống của các nước lớn trong lịch sử. Đồng thời, đây cũng là nơi tích tụ, tập trung các mô hình chính trị, kinh tế, xã hội nơi giao thoa văn hóa và hội tụ của các nền văn minh đa dạng của khu vực và trên thế giới.
Có thể kể đến như: Văn minh Trung Hoa, văn minh Đông Nam Á hải đảo. Các dạng tranh chấp khác nhau như tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán, tranh chấp về tài nguyên biển, tranh chấp đảo, bãi cạn và tranh chấp các vùng trời trên biển. Những tranh chấp như vậy ở biển Đông kéo dài và càng trở nên phức tạp.
Có thể thấy hình thức và quy mô triển khai các hành động nhất quán của Trung Quốc trên biển Đông là độc quyền khai thác tài nguyên và độc chiếm biển Đông. Các nhà quan sát phương Tây cho rằng việc thực hiện hóa việc độc quyền và chiếm đoạt đó là cơn ác mộng cho các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong một thế giới chuyển đổi và toàn cầu hóa bối cảnh phức tạp của biển Đông đòi hỏi Việt Nam phải ưu tiên phát triển và đổi mới công nghệ để giải quyết những thách thức mang tầm thời đại hướng đến một nền kinh tế biển xanh góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững biển và đại dương đến năm 2030. Liên kết quốc tế, liên kết vùng và phối hợp liên ngành phải là cách tiếp cận cơ bản và dài hạn để giải quyết các thách thức, rào cản và để tăng cường hợp tác quốc tế trên biển. Điều đó góp phần giải bài toán phát triển một nền “công nghiệp biển và bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia”.