Những người biến cát thành vườn rau xanh trên đảo Bạch Long Vĩ

Lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) được coi là những cư dân đầu tiên trên đảo Bạch Long Vĩ, khi mà 62 chàng trai, cô gái vừa qua tuổi 18 đã vượt sóng gió ra xây dựng đảo từ năm 1993.

“Chúng tôi sẽ ở lại đảo”

Trên chuyến tàu từ bến Bính (Hải Phòng) ra huyện đảo Bạch Long Vĩ vào cuối tháng 10/2014, có 2 bà mẹ còn rất trẻ, chỉ chừng ngoài 20 tuổi, mỗi bà mẹ bế theo 1 con nhỏ, một bé mới 2,5 tháng tuổi, còn bé kia được 3,5 tháng tuổi. Hai bà mẹ trẻ này là hai nữ thanh niên xung phong (TNXP0 đang làm nghĩa vụ trên đảo Bạch Long Vĩ. Sắp đến kỳ khai hoa nở nhụy, các cô phải vào đất liền sinh con và đây là lần đầu tiên hai công dân bé lên đường ra đảo. Bạch Long Vĩ tuy không phải là nơi chôn rau cắt rốn hai bé nhưng sẽ là địa danh ghi trong giấy khai sinh và hộ khẩu của hai bé. Điều đặc biệt hơn, cả hai bé đều là con của cặp vợ chồng cùng là TNXP trên đảo Bạch Long Vĩ.

Khoảng thời gian ngắn ngủi ở trên đảo, phóng viên Infonet đã gặp được 3 cặp vợ chồng cùng là TNXP, đó là cặp đôi: Khánh – Sâm, Phòng – Linh, Toàn – Thúy. Họ ra đảo khi mới bước qua tuổi 18, TNXP đã cho họ cơ hội để cống hiến cho đất nước, cũng là nơi mà họ mang tới cho họ mái ấm gia đình. Dù cuộc sống còn nhiều vất vả, nhưng họ đều có một điểm chung là đầy nhiệt huyết và một lòng quyết tâm gắn bó xây dựng cuộc sống lâu dài trên đảo.

Chị Vũ Thị Sâm (hiện đang là Bí thư chi đoàn của Tổng đội TNXP) cho biết, ra đảo từ 2005, rồi gặp chồng chị bây giờ cùng là TNXP, cuối năm 2006 hạnh phúc đơm trái ngọt khi chị sinh con trai đầu lòng. Cháu được cha mẹ đặt tên Nguyễn Hòang Vĩ bởi cháu được sinh ra đúng vào ngày 15/7 – ngày thành lập Tổng đội TNXP Hải Phòng.

Dù giao thông đi lại giữa đảo và đất liền vô cùng khó khăn, mỗi tháng chỉ có 3 chuyến tàu chở người dân ra đảo nhưng vừa làm việc ở Tổng đội TNXP, chị Sâm còn vừa tham gia khóa học đại học tại chức ở TP.Hải Phòng. Cứ đến kỳ học là chị lại vượt sóng, vượt gió gần 200km trên biển để vào thành phố học tập. Chị Sâm cho biết, vợ chồng chị đã xác định, ngoài 30 tuổi (khi hết tuổi làm việc ở TNXP), hai vợ chồng sẽ ở lại lập nghiệp lâu dài trên đảo. Nên vợ chồng chị động viên nhau cố gắng để vừa học, vừa làm để sau này có cơ hội được làm việc ở các cơ quan trên đảo.

Anh Vũ Văn Phòng còn kể, nhà anh đã có tới 2 thế hệ TNXP trên đảo. Chú thím ruột của anh là TNXP ra đảo từ những năm đầu tiên, hiện tại chú thím anh vẫn sinh sống trên đảo. Nối gót gia đình, anh Phòng ra nhập TNXP và ra đảo từ 1998, 5 năm sau anh lấy vợ cũng là TNXP trên đảo. Hiện vợ chồng anh chị đã có 2 con, anh chị cũng chưa tính chuyện về đất liền mà lên kế hoạch sau khi hết tuổi TNXP mà sẽ ở lại lập nghiệp lâu dài trên đảo.

Cô gái trẻ Phạm Thị Trang, sinh năm 1989 nhưng cô đã 7 năm gắn bó với TNXP trên đảo Bạch Long Vĩ. Cũng như chị Sâm, cô vừa làm vừa theo học đại học tại chức ở TP.Hải Phòng. “Em xác định, học xong sẽ quay về đảo làm việc”, Trang nói.

Hiện tại Liên đội TNXP đảo Bạch Long Vĩ có 60 đội viên được coi là lực lượng nòng cốt trong các họat động văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn. Lực lượng TNXP còn thành lập được 2 trung đội dân quân tự vệ, 1 trung đội cơ động trực chiến, 1 trung đội súng máy thường xuyên được tập luyện phối hợp chặt chẽ với lực lượng vụ trang để thực hiện bảo vệ an ninh, quốc phòng.

Những người biến cát thành vườn rau xanh trên đảo Bạch Long Vĩ - ảnh 1

Bí thư đoàn TNXP Vũ Thị Sâm muốn được ở lại đảo làm việc lâu dài khi hết thời hạn ở thanh niên xung phong

Sức trẻ biến cát, đá khô cằn thành vườn rau giữa biển

Ở đảo Bạch Long Vĩ, TNXP được coi là những cư dân đầu tiên ra xây dựng đảo từ 22 năm trước. Vào ngày 26/3/1993, 62 chàng trai cô gái TNXP đầu tiên vượt sóng, vượt gió đến với đảo Bạch Long Vĩ, hòn đảo thuộc chủ quyền Việt Nam nằm xa nhất trên Vịnh Bắc Bộ, cách TP.Hải Phòng 130 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) có 15 hải lý.  

Đảo Bạch Long Vĩ khi đó còn có tên gọi là đảo Vô Thủy (bởi không có nguồn nước ngọt trên đảo), hạ tầng trên đảo rất đơn sơ, không có dân cư sinh sống. Hòn đảo có diện tích nhỏ chỉ 2,5km2 nhưng lại có điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, chỉ có đá, cát và xương rồng, đất canh tác ít, nguồn nước sinh họat phụ thuộc hòan tòan vào nước mưa.

Khó khăn là thế, nhưng những chàng trai cô gái tuổi chỉ mười tám, đôi mươi đã tình nguyện ra đảo, họ đã cùng với các chiến sĩ bộ đội trên đảo biến sỏi đá khô cằn thành những dãy nhà ở, khu chăn nuôi, vườn rau xanh để ổn định cuộc sống.

Thời hạn của TNXP khi tình nguyện ra đảo tối thiểu là 3 năm, nhưng 62 TNXP thời đó đã ở lại đảo, lập gia đình, sinh con. Họ là những người dân đầu tiên đặt chân lên đảo, con cái họ sinh ra trở thành công dân đầu tiên được khai sinh và nhập hộ khẩu ở đảo Bạch Long Vĩ.

Theo ông Đào Minh Đông, Phó Chủ tịch huyện đảo Bạch Long Vĩ, huyện đảo Bạch Long Vĩ có 467 nhân khẩu đăng ký hộ khẩu thường trú, với 154 hộ gia đình và có 135 cháu nhỏ đã được sinh ra và đăng ký hộ khẩu trên đảo. Các cháu được coi là những công dân chủ chốt của đảo. Có cháu bé đầu tiên sinh ra trên đảo đã tốt nghiệp đại học và quay trở về đảo để làm việc.

Trong số 154 hộ gia đình trên đảo thì có tới 70% là hộ gia đình TNXP, trong đó có nhiều cặp vợ chồng cùng là TNXP. Tổng đội TNXP Hải Phòng đã xây dựng được 41 căn hộ để cấp cho các đôi lứa TNXP, có 61 cháu bé đã được sinh ra từ các gia đình của nhiều thế hệ TNXP đang sống ở trên đảo. Số lượng nhà ở cho gia đình TNXP vẫn còn thiếu và sẽ tiếp tục được nhà nước cấp kinh phí xây dựng bổ sung trong thời gian tới.

Các đội viên TNXP là nguồn cán bộ trẻ cho huyện đảo Bạch Long Vĩ. Trong 22 năm qua, đã có 219 TNXP tình nguyện ra đảo, trong số đó có 55 người đã được rèn luyện, trưởng thành và được tuyển dụng sang các cơ quan của huyện. Trong đó có, 2 đồng chí là Phó Chủ tịch UBND huyện, 7 đồng chí là trưởng phó các phòng ban thuộc huyện ủy, HĐND và UBND huyện, 47 đồng chí là cán bộ làm việc trong các cơ quan của huyện.

Những người biến cát thành vườn rau xanh trên đảo Bạch Long Vĩ - ảnh 2

Nụ cười của những TNXP trẻ trên đảo Bạch Long Vĩ

Những người biến cát thành vườn rau xanh trên đảo Bạch Long Vĩ - ảnh 3

TNXP đang là lực lượng nòng cốt trên hòn đảo tiền tiêu trên Vịnh Bắc Bộ

Những người biến cát thành vườn rau xanh trên đảo Bạch Long Vĩ - ảnh 4

Ngoài 30 tuổi, hết thời hạn ở TNXP họ đã ở lại và trở thành cư dân trên đảo

Những người biến cát thành vườn rau xanh trên đảo Bạch Long Vĩ - ảnh 5

Những em bé được sinh ra, được khai sinh và nhập hộ khẩu trên huyện đảo Bạch Long Vĩ

Bài: Minh Quyên; Ảnh: Vũ Huyến

Đồn Biên phòng phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền chống khai thác IUU

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân trong việc khai thác thủy sản đúng quy định của pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế, lực lượng Biên phòng đã tổ chức nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động tới ngư dân.

Nghệ An: Duy trì 4 tổ công tác liên ngành kiểm soát nghề cá

Bốn tổ công tác liên ngành được bố trí tại 4 cảng cá lớn ở Nghệ An, thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch thanh tra, kiểm soát nghề cá.

Hà Tĩnh: Kiên quyết xử lý các đối tượng khai thác hải sản trái phép

Mặc dù đã được tuyên truyền và ký cam kết nhưng một số người vẫn sử dụng kích điện để khai thác hải sản trên biển, vi phạm Luật Thuỷ sản 2017 và cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu.

Tuyên truyền chống khai thác IUU ở huyện ven biển duy nhất Ninh Bình

Huyện Kim Sơn là địa phương duy nhất của tỉnh Ninh Bình giáp biển nên việc tuyên truyền chống khai thác IUU luôn được chú trọng và ưu tiên hàng đầu.

Hà Tĩnh: Những thách thức và giải pháp trong chống khai thác IUU

Mặc dù còn nhiều thách thức và trở ngại trong quản lý, điều hành chống khai thác IUU, tuy nhiên với tinh thần quyết liệt và đồng bộ, Hà Tĩnh đang từng bước giải quyết một cách hiệu quả.

Lồng ghép tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân vùng biển

Chủ tàu cá, ngư dân xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) được tuyên truyền về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) thông qua các cuộc tuyên truyền phổ biến pháp luật.

Nghệ An: Nỗ lực tuyên truyền chống khai thác IUU, đảm bảo an toàn để ngư dân vươn khơi

Trong những năm qua, các ngành chức năng Nghệ An đã chú trọng tuyên truyền cho ngư dân chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác IUU, đồng thời phối hợp ngăn chặn tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài.

Nghệ An: 100% chủ tàu cá khai thác xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài

Tất cả chủ tàu, thuyền trưởng khai thác xa bờ ở Nghệ An đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, thực hiện cập nhật dữ liệu lên phần mềm VNFishbase nhằm đảm bảo hoạt động tàu cá không vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.

Nghệ An: Kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm quy định về khai thác thủy sản

Trong năm 2022, ngành chức năng ở Nghệ An đã kiên quyết xử phạt nhiều vụ vi phạm quy định về khai thác thủy sản, từ đó ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân từng bước được nâng cao.

Thanh Hóa: Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong chống khai thác IUU

Thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác thủy sản trái phép, kiểm soát việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá.

Đang cập nhật dữ liệu !