Những bước tiến trong quy hoạch quản lý chất thải rắn nông thôn mới
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, công tác thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã có sự thay đổi vượt bậc, từ phương thức quản lý, quy trình vận hành đến tỷ lệ thu gom và biện pháp xử lý.
Tính đến tháng 12/2018, cả nước đã có 59/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn (CTR) trên địa bàn theo quy định, còn lại 4 tỉnh, thành phố đang tổ chức lập, phê duyệt là TP Hồ Chí Minh, Yên Bái, Bắc Ninh, Gia Lai.
Quy hoạch xử lý CTR (trong đó có hợp phần CTR nông thôn) cũng là một nội dung trong quy hoạch nông thôn mới. Đã có gần 100% xã hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch nông thôn mới, trong đó đều đã xác định vị trí điểm trung chuyển, điểm tập kết rác hoặc bãi chôn lấp quy mô nhỏ.
![]() |
Thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhiều tuyến đường nông thôn luôn sạch đẹp... |
Đến nay, đã có 42/63 tỉnh, thành phố có kế hoạch xử lý rác thải tập trung ở nông thôn, trong đó có một số địa phương triển khai trên phạm vi toàn tỉnh như Nam Định, Đồng Nai, Hà Tĩnh...; có 16/63 địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư các nhà máy xử lý CTR nông thôn quy mô liên huyện và cấp tỉnh. Đó là: Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Trà Vinh, Bạc Liêu.
CTR sinh hoạt phát sinh ở khu vực nông thôn trong cả nước ước khoảng 31.000 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom trung bình chỉ đạt 40 - 55%. Tại các thị trấn, thị tứ, và vùng ven đô tỷ lệ thu gom vận chuyển đạt khá cao (đạt khoảng 60 - 80%). Công tác thu gom, vận chuyển CTR khu vực nông thôn hiện nay được thực hiện theo 3 hình thức, thu gom tập trung theo cấp huyện; thu gom tập trung theo cấp thôn, xã; người dân tự thu gom, xử lý hoặc mang ra khu vực nhất định để thải bỏ.
Một số địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng đã tổ chức và thực hiện tốt công tác thu gom, vận chuyển CTR, nâng tỷ lệ chất thải được thu gom lên hơn 90% trên tổng lượng chất thải phát sinh. Hầu hết các xã, thôn đã được công nhận nông thôn mới đều đạt tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt rất cao (trên 80% ở cả xã và thôn).
Từ giai đoạn 2011-2015, nhiều địa phương vùng ĐBSH đã tiên phong trong công tác quy hoạch, đầu tư và vận hành hệ thống thu gom và xử lý chất thải. Điển hình tốt về công tác quy hoạch và định hướng xử lý chất thải tập trung là Quảng Ninh và Hà Nam. Là khu vực đi đầu về tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt nông thôn như Nam Định với tỷ lệ thu gom bình quân trên địa bàn các xã, huyện đạt 80-90%, có nhiều mô hình thu phí vệ sinh môi trường bù đắp chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý CTR, không cần hỗ trợ của ngân sách nhà nước; mô hình xây dựng hệ thống xử lý chất thải sản xuất và sinh hoạt nông thôn. Đã có nhiều mô hình tốt về xử lý chất thải quy mô cấp huyện, liên huyện như: thành phố Hưng Yên, Uông Bí (Quảng Ninh), Tam Điệp (Ninh Bình), Thanh Liêm (Hà Nam)...
Đối với khu vực Đông Nam Bộ, tại Đồng Nai, lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom, xử lý khoảng 1.838 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 98,1% (cao nhất trên cả nước); tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt chỉ còn 43% (thấp nhất trong cả nước). Chất thải được chuyển về xử lý tại khu xử lý tập trung trên địa bàn xã Quang Trung, huyện Thống Nhất (gần 800 tấn/ngày để phân loại, tái chế thành phân compost với tỷ lệ chôn lấp chỉ còn khoảng 10-12%).
Khu xử lý tập trung tại xã Túc Trưng, huyện Định Quán (công suất đạt 89 tấn/ngày) và khu xử lý tập trung tại xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc (khoảng 73 tấn/ngày, trong đó xử lý bằng phương pháp đốt khoảng 30 tấn/ngày, còn lại là chôn lấp)....
Tại Bình Dương, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng 1.600 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom hiện nay đạt gần 96%, được thu gom và vận chuyển đến khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương để xử lý.
Bên cạnh đó, hoạt động phân loại rác tại nguồn được nhiều địa phương hưởng ứng và tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện, điển hình như các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang, Long An...
Tại tỉnh Hà Tĩnh, nhiều huyện như Nghi Xuân, Can Lộc, Cẩm Xuyên... với dân số sống tại nông thôn hơn 1 triệu người, chiếm trên 72%, thì ước tính mỗi ngày lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên địa bàn nông thôn khoảng 700 tấn/ngày.
Việc phân loại xử lý rác thải nông thôn tại nguồn của Hà Tĩnh được thực hiện tại hộ gia đình hoặc tập trung ở các khu sản xuất nông nghiệp. Hiện có hơn 71.000 hộ dân thực hiện phân loại rác tại hộ và hơn 30.000 hộ đã được tập huấn sử dụng chế phẩm sinh học ủ phân hữu cơ tại nhà. Đặc biệt, toàn tỉnh đã xây dựng được gần 300 mô hình ủ phân vi sinh tập trung. Hầu hết các hộ dân thực hiện theo hỗ trợ hướng dẫn từ Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ cơ sở .
Huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cũng là một trong những địa phương phân loại rác hữu cơ và vô cơ tương đối thành công, đạt khoảng 30 - 40% lượng rác thải phát sinh, giảm đáng kể lượng rác phải xử lý và nâng cao rõ rệt ý thức của người dân trong thu gom, xử lý chất thải .