Nhớ về chuyến đi ra Trường Sa
![]() |
Đoàn của các bác sĩ chụp ảnh kỷ niệm |
Cảm xúc chỉ người đi mới biết
Bác sĩ Ngô Mạnh Quân - Viện Huyết học và Truyền máu trung ương tâm sự "khi con tàu 996 nhổ neo rời cảng Cam Ranh trong nắng chiều rực rỡ. Đoàn công tác số 4 với 187 thành viên đến từ nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau như câu lạc bộ giám đốc các bệnh viện phía Bắc, bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Cục Quân y, Tổng cục An ninh (Bộ Công an)… với nhiệm vụ thăm, khám sức khỏe cho quân và dân trên huyện đảo Trường Sa – Nhà dàn DK1. Mỗi người một trách nhiệm, công việc khác nhau… nhưng trên con tàu 996 này, chúng tôi là trở thành người một nhà".
Trong chuyến đi đó, đoàn công tác của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tham gia khảo sát thực trạng truyền máu, chia sẻ kinh nghiệm thực hành truyền máu và xây dựng lực lượng dự bị hiến máu khẩn cấp tại vùng biển đảo.
Cảm xúc thật khó tả với các bác sĩ khi họ đặt chân tới Trường Sa, nghe nói tới Trường Sa đã nhiều nhưng chỉ khi đặt chân đến đó mới thấy hết được xúc cảm khó tả thế nào. Có những bác sĩ đã nghẹn ngào mà không biết niềm hạnh phúc, nước mắt đến từ đâu.
Chuyến hành trình đã dừng chân tại nhà dàn DK 1/19 (Quế Đường) và 11 đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Mỗi điểm dừng chân đều để lại trong lòng mỗi người một tình cảm, cảm xúc và những dấu ấn riêng biệt.
Trên chuyến hành trình qua các hòn đảo, mỗi khi chiếc tàu 996 dừng chân tại một địa điểm, họ đều nhận được sự chào đón nồng ấm, chân tình và rất cởi mở của cán bộ chiến sĩ. Một phần nhờ sự chuẩn bị rất cẩn thận của Ban tổ chức và Bộ Tư lệnh Hải Quân, một phần lớn có lẽ là sự phấn khích, mong mỏi của cán bộ chiến sĩ mỗi khi có tàu từ đất liền đến thăm. Nhiều chiến sĩ đã nói với tôi rằng "mong tàu, mong người như mong được gặp người thân”.
Đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai với đội ngũ cán bộ y tế lên tới hơn 80 thành viên, trong đó, có nhiều chuyên gia nổi tiếng thuộc các chuyên khoa khác nhau đã nhanh chóng triển khai công tác khám và tư vấn sức khỏe cho các cán bộ, chiến sĩ.
PGS.TS Nguyễn Mai Hồng - Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai nhớ lại chuyến đí đó dù thời tiết nắng nóng, cơ sở vật chất cho công tác khám chữa bệnh còn khó khăn nhưng các y bác sĩ của chúng tôi luôn rất nhiệt tình, sẵn sàng triển khai các hoạt động khám, chữa bệnh. Cả đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và kế hoạch đã đề ra.
Bên cạnh hoạt động khám chữa bệnh, các thầy thuốc đến từ Bệnh viện Bạch Mai cũng dành thời gian trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm cho các y bác trẻ đang công tác trên đảo. Nhiều ca bệnh bất thường, những khó khăn trong chẩn đoán, xử trí tại bệnh viện cũng đã được thảo luận và nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia.
Trải nghiệm thêm tình yêu đất nước
Chia sẻ về chuyến đi Trường Sa của mình, TS Lê Tuấn Thành – Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai tâm sự anh may mắn được là một trong những thành viên của đoàn công tác số 4 đi thăm, tặng quà và khám chữa bệnh cho các chiến sĩ đang canh giữ ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Từ ngày còn trẻ, nghe đến Trường Sa, Hoàng Sa rất nhiều và anh luôn mong có một ngày được ra thăm các chiến sĩ nơi đảo xa, vừa để động viên, vừa để hiểu hơn về cuộc sống của các anh. Khi ấy, chàng bác sĩ trẻ mong ngóng được làm những việc tuy nhỏ nhưng thiết thực như quyên góp ủng hộ, cổ vũ tinh thần chiến sĩ, và được nói với các anh rằng, đất liền luôn hướng về biển đảo.
Khi được tham gia đoàn đi, tâm trạng hồi hộp, chờ từng ngày để được nhìn thấy từng hòn đảo, một phần máu thịt thiêng liêng của đất nước. Sau hơn 30 giờ lênh đênh trên biển, mảnh đất thiêng liêng đầu tiên đã hiện ra. Tôi chạy vội ra boong tàu, cảm xúc lúc ấy trào lên giống như một người mất phương hướng trên biển bỗng tìm thấy bóng dáng của đất liền. Mảnh đất của tổ quốc ta đây, đảo Đá Lớn hiện ra, nhỏ bé giữa biển cả mà kiên cường bất khuất, hiên ngang chấn giữ canh gác biển trời quê hương.
"Khi bắt đầu chuyến đi lịch sử này, tôi cứ nghĩ mình sẽ mang hơi ấm của đất liền đến với các anh, nhưng không, các anh đã truyền lửa Trường Sa cho chúng tôi. Trở về với công việc quen thuộc, tôi như vẫn còn nghe vang đâu đây câu hát: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà phải hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay”. Tôi biết câu hát này lâu rồi, đã nhiều lần hát lên thành lời, nhưng bây giờ tôi mới hiểu hết ý nghĩa của nó" - bác sĩ Thành tâm sự.