Nhờ 'bí kíp' này, nhiều chủ vườn cam, bưởi ở Bắc Giang vừa hút khách lại bán đắt hàng
Những ngày này, Lục Ngạn - "vựa" cam bưởi lớn nhất ở Bắc Giang luôn tấp nập khách và thương nhân đến thu mua cam, bưởi. Nhờ biết kết hợp yếu tố này nên nhiều nhà vườnvừa thu hút đông khách mua, cam bưởi lại đắt hàng dễ bán.
Nhiều nhà vườn ở Lục Ngạn (Bắc Giang) đầu tư xây dựng những vườn cam đẹp, sản phẩm có chất lượng cao... |
Những ngày này, dọc các tuyến đường ở xã Tân Mộc, xe tải từ các tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh… tấp nập đến chở cam, bưởi.
Nhiều chủ vườn cam cho biết, năm nay, nhiều khách quen liên hệ "chốt" hợp đồng sớm. Đối với cam ngọt, thương nhân đã đặt cả vườn với giá 50.000 đồng/kg, cao hơn chính vụ năm trước gần 10.000 đồng/kg.
Được biết năm nay, lượng lớn cam, bưởi được thương nhân thu mua rồi vận chuyển vào các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị... để tiêu thụ.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, giá bán cam bưởi tăng nên hầu hết nhà vườn ở Lục Ngạn đều khẩn trương thu hoạch.
Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lục Ngạn, hiện mỗi ngày toàn huyện tiêu thụ gần 1 nghìn tấn cam, bưởi. Giá cam lòng vàng, cam ngọt, bưởi da xanh đều tăng từ 5-10.000 đồng/kg so với nửa tháng trước.
Theo đó, các nhà vườn sản xuất cam, bưởi theo quy trình VietGAP, hữu cơ được khách hàng đặt mua trước. Các siêu thị chủ yếu mua sản phẩm VietGAP, hữu cơ. Giá bán các sản phẩm trồng theo hướng VietGAP hay hữu cơ cao hơn sản phẩm thông thường khoảng 10%.
Một trong những "bí kíp" khiến thị trường cam, bưởi ở Bắc Giang vừa đắt khách vừa hút hàng đó là các nhà vườn đã biết kết hợp phát triển du lịch trải nghiệm vùng cây ăn quả với mục tiêu vừa hút du khách, vừa quảng bá và bán nông sản.
Đây là lý do vì sao giữa thời điểm dịch bệnh, nông sản của nhiều địa phương thường trong tình trạng "tắc đầu ra" thì Bắc Giang lại là địa phương luôn "đi đầu" trong việc giải quyết đầu ra hiệu quả cho các sản phẩm của địa phương.
Vào những ngày cuối tuần, "vựa" cam bưởi Lục Ngạn lại đón hàng chục đoàn khách tới tham quan. Nhiều nhà vườn đều thu dọn vườn bãi, điểm nghỉ chân sẵn sàng phục vụ khách.
... luôn thu hút khách đến vui chơi, du lịch trải nghiệm. |
Nhiều nhà vườn đã biết đầu tư xây dựng vườn quả đẹp, sản phẩm chất lượng cao, trở thành nơi tham quan, du lịch trải nghiệm cho các du khách.
Gia đình ông Trần Đình Én, thôn Tân Trường (xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn) là một trong những hộ nổi tiếng có vườn bưởi hữu cơ rộng gần 2ha cho quả đẹp, sản phẩm chất lượng cao.
Từ năm 2018 đến nay, Công ty TNHH Giáo dục trải nghiệm Green Dream Bắc Giang (Công ty Green Dream) đã liên kết với ông đưa khách về tham quan mỗi mùa bưởi chín. Ngoài hợp đồng với Công ty Green Dream, ông Én cùng một số nhà vườn khác cũng tự xây dựng tour riêng, phục vụ khách từ tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống.
Được biết, mỗi năm gia đình ông Én thu bình quân hơn 1,2 tỷ đồng từ vườn bưởi này.
Ở Lục Ngạn, không chỉ có gia đình ông Én, hiện một số doanh nghiệp lữ hành đã thường xuyên đưa khách về Lục Ngạn. Nhiều HTX trong huyện cũng tự xây dựng các tour, tuyến đón khách. Cùng với trải nghiệm tại nhà vườn, du khách có thể chọn đặt tour, tuyến với các điểm đến như: Chùa Am Vãi - làng nghề mỳ Chũ - điểm du lịch Làng văn hoá Đông Bắc, vườn quả tiêu biểu tại các xã: Thanh Hải, Quý Sơn, Tân Quang, Tân Mộc, Hồng Giang cùng các thắng tích: Bản Bắc Hoa (xã Tân Sơn), hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần. Khách có thể chọn du ngoạn trên thuyền và ăn cơm trên đảo, nhà nổi và thăm làng chài hồ Cấm Sơn…
Chính vì thế, vụ cam, bưởi năm nay, ngoài hợp đồng tiêu thụ, các hợp tác xã (HTX) cùng nhiều nhà vườn ở huyện Lục Ngạn còn tổ chức đưa đón khách du lịch. Do đó, việc tiêu thụ cam, bưởi thuận lợi, giá bán tăng.
Tỉnh Bắc Giang có hơn 10,75 nghìn ha cây có múi, tổng sản lượng đạt gần 85 nghìn tấn/năm, tập trung ở các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Tân Yên. Trong đó, diện tích cam đạt gần 5,2 nghìn ha, cây bưởi hơn 5,56 nghìn ha. Đến thời điểm này, các địa phương thu hoạch được khoảng 6,5 nghìn tấn.
Nông dân Bắc Giang trồng được giống na lạ bán giá cao
Cùng với những trái na truyền thống, tại đây đã xuất hiện thêm 2 giống na “lạ” hút khách với chất lượng, giá bán cao.
PV (tổng hợp từ báo Gắc Giang)