Nhìn lại vụ giàn khoan Hải Dương 981: Đây là cạm bẫy lắt léo và thâm hiểm

Vậy là vừa tròn một năm Trung Quốc gây ra sự kiện đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Chúng ta cần nhìn lại như bài học bảo vệ chủ quyền biển đảo

Khi nhìn lại sự kiện này, trong cuộc chuyện trò với PV Infonet, TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới của Chính phủ, cho rằng đây là một trong nhiều mũi tiến công thích hợp với từng phạm vi, khu vực, thời điểm, bối cảnh, đối tượng…của Trung Quốc nhằm tiến tới khống chế và độc chiếm Biển Đông.

Nhìn lại vụ giàn khoan Hải Dương 981: Đây là cạm bẫy lắt léo và thâm hiểm - ảnh 1

Giàn khoan Hải Dương 981

Thưa TS Trần Công Trục, khoảng thời gian này năm trước, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Sau 1 năm nhìn lại, ông thấy cần phải rút ra những vấn đề gì?

Trước hết, có lẽ chúng ta nên cùng nhau đánh giá động thái này của Trung Quốc. Cho đến nay có ý kiến cho rằng việc TQ tiến hành hạ đặt giàn khoan trong vùng ĐQKT và TLĐ Việt Nam (Vùng Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa) cách đây 1 năm chỉ là động thái thăm dò, nhằm phục vụ cho chiến lược độc chiếm Biển Đông, không phải nhằm mục đích thăm dò khai thác dầu khí…

Theo tôi, căn cứ vào diễn biến trên thực tế, không thể cho rằng đây chỉ là động thái thăm dò mà đây là việc làm thật sự, theo một kịch bản được tính toán xếp đặt lớp lang của Trung Quốc nằm trong một kế hoạch đồng bộ nhằm phục vụ cho mục tiêu chiến lược là không chế toàn diện, tiến tới độc chiếm Biển Đông.

Có thể nói rằng việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 cách đây 1 năm cho thấy Trung Quốc đang quyết tâm triển khai chương trình khai thác dầu khí trong Biển Đông mà họ đã từng la lối rằng nguồn tài nguyên dầu khí của họ trong Biển Đông đang bị các quốc gia khác chiếm đoạt, vơ vét và họ cần phải giành lại. 

Nhìn nhận một cách tổng thể, trong bối cảnh hiện nay, muốn khống chế, kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc đã tính toán triển khai nhiều mũi tiến công thích hợp với từng phạm vi, khu vực, thời điểm, bối cảnh, đối tượng…

Việc hạ đặt giàn khoan năm ngoái là một trong những mũi tiến thật sự của một cuộc “xâm lược mềm” mà Trung Quốc đã tính toán thực hiện đồng thời với những mũi tiến khác trong các phạm vi mà họ muốn giành chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán.

Nhìn lại vụ giàn khoan Hải Dương 981: Đây là cạm bẫy lắt léo và thâm hiểm - ảnh 2

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng và đâm va tàu CSB 2016 ngày 1/6/2014, tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Viêt Nam

Vì vậy, xem xét một cách tổng thể, chúng ta thấy chiến dịch “xâm lược mềm” này có sự phối hợp giữa mũi tiến chính, mũi tiến phụ, dương Đông, kích Tây, công, thủ ứng biến linh hoạt. Việc biến các bãi cạn Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên … thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nổi rộng lớn, xây dựng đường băng sân bay, các công trình quân sự trên các thực thể địa lý này rõ ràng là một mũi tiến công chủ lực, rất nguy hiểm. 

Mũi tiến “giàn khoan” tuy không phải là chủ công nhưng đó vẫn là mũi tiến đích thực và khá lắt léo bởi có những cạm bẫy được bố trí rất thâm hiểm, nếu không tỉnh táo và cảnh giác thì sẽ gánh chịu những hậu quả nặng nề trước mắt và lâu dài trên nhiếu phương diện cả về mặt chính trị, pháp lý, kinh tế, lẫn về mặt chiến lược, an ninh, quốc phòng… 

Điều đó có nghĩa là khả năng Trung Quốc tiến hành hạ đặt giàn khoan khai thác dầu khí trong vùng Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước xung quanh Biển Đông là có thể xẩy ra bất kể lúc nào, không thể xem thường được…

Đâu là bài học cốt lõi trong sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, thưa ông?

Qua cuộc đấu tranh chống lại việc TQ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng ĐQKT và TLĐ của Việt Nam đã để lại cho chúng ta nhiều bài học giá trị:

Bài học 1: Huy động và phát huy được sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc, khu vực và quốc tế, bằng cách phải thể hiện lập trường rõ ràng, phải công khai minh bạch mọi thông tin có liên quan, đặc biệt là những diễn biến từ tình hình thực tế….

Bài học 2: Chủ động và kịp thời lên tiếng phản đối những hành vi vi phạm của TQ đúng với tính chất và mức độ vi phạm ngay từ đầu, không nên để xảy ra tình huống phải bị động đối phó…. Tăng cường công tác thông tin truyền thông kịp thời, chuẩn xác, có nội dung khoa học và khách quan, không gây mâu thuẫn, kích động cực tả hoặc cực hữu…

Bài học 3: Các phương án đấu tranh, ứng xử trên thực tế đúng thủ tục pháp lý, phải thật sự mềm mỏng, bình tĩnh, khôn khéo, không để mắc mưu khiêu khích của đối phương… Đặc biệt là tuân thủ sự chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo các cấp có thẩm quyền, không manh động, tự do vô tổ chức…

Có những vấn đề nào, theo ông cần phải nhận thức lại cho rõ ràng hơn?

Ngoài nội dung mà tôi đã đề cập trong câu trả lời số 1 nói trên, tôi thấy có một vấn đề còn cần phải thống nhất nhận thức; đó là việc cung cấp và xác định kịp thời, chính xác sự việc xảy ra ở vị trí nào, thuộc phạm vi, khu vực nào trong Biển Đông? Điều này rất quan trọng vì trong Biển Đông có nhiều khu vực khác nhau về các quyền và lợi quốc gia, quy chế pháp lý, thủ tục xử lý.

Chẳng hạn, vị trí giàn khoan Hải Dương TQ hạ đặt năm ngoái là hoàn toàn nằm sâu trong vùng ĐQKT và TLĐ của Việt Nam, không liên quan gì đến quần đảo và vùng biển quần đảo Hoàng Sa theo đúng các tiêu chuẩn để xác lập các vùng biển và TLĐ theo quy định của UNCLOS 1982. Cho đến nay, trên một số phương tiện thông tin, sách báo vẫn nói rằng giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt “trong khu vực quần đảo Hoàng Sa, trong vùng biển quần đảo Hoàng Sa”, “vi phạm lãnh hải”, “trong vùng tranh chấp”… Đó là những thông tin không chuẩn xác, dễ gây nên hiệu ứng bất lợi trên mặt trận đấu tranh ngoại giao, pháp lý và, đây cũng chính là cơ hội để những thế lực thù địch lợi dụng nhằm kích động bạo loạn, gây bất ổn về chính trị, xã hội, an ninh ,quốc phòng của đất nước…

Thưa ông, hiện nay, đang có thông tin Trung Quốc tiếp tục đưa giàn khoan nước sâu xuống Biển Đông, ông bình luận gì về thông tin này? 

Ngày 30/4 vừa qua, Trung Quốc công bố giàn khoan COSL Prospector đã rời thành phố Yên Đài để kéo xuông Biển Đông. Đó là thông tin đáng được quan tâm, theo dõi sát sao. Bài học từ sự kiện giàn khoan Hải Dương cách đây một năm vẫn còn nguyên giá trị để chúng ta biết phải làm gì để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của chúng ta trong Biển Đông.

Chúng ta nên có định hướng như thế nào trước những toan tính đã quá rõ của Trung Quốc, thưa ông?

Theo tôi cần có những định hướng rõ ràng sau đây:

Thứ nhất, triển khai đồng bộ quyết liệt các biện pháp đấu tranh chính trị ngoại giao, trên thực địa và dư luận đối với các hoạt động xâm phạm chủ quyền , quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong Biển Đông.

 Thứ hai, tiếp tục tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận thế giới , yêu cầu tôn trọng UNCLOS và thực hiện nghiêm túc , đầy đủ DOC, thúc đẩy COC; không có hành động làm phức tạp tình hình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Thứ ba, luôn luôn đề cao cảnh giác, tỉnh táo và khôn khéo để không bị mắc các loại cạm bẫy do TQ giăng ra trước, trong và sau khi họ tiến hành bất kỳ một hoạt động nào trong Biển Đông. Muốn làm được việc này trước hết cần đầu tư nhằm tăng cường năng lực của Cơ quan tham mưu và các Lực lượng tổ chức thực hiên cụ thể; tránh tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” …

 Thứ tư, đấu tranh pháp lý là biện pháp đấu tranh hòa bình được luật pháp quốc tế cho phép và ủng hộ, nên việc sử dụng biện phap đấu tranh pháp lý là điếu phải chuẩn bị kỹ càng chu đáo, thấu lý, đạt tình...

Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Hồng Chuyên (thực hiện)

Đồn Biên phòng phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền chống khai thác IUU

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân trong việc khai thác thủy sản đúng quy định của pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế, lực lượng Biên phòng đã tổ chức nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động tới ngư dân.

Nghệ An: Duy trì 4 tổ công tác liên ngành kiểm soát nghề cá

Bốn tổ công tác liên ngành được bố trí tại 4 cảng cá lớn ở Nghệ An, thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch thanh tra, kiểm soát nghề cá.

Hà Tĩnh: Kiên quyết xử lý các đối tượng khai thác hải sản trái phép

Mặc dù đã được tuyên truyền và ký cam kết nhưng một số người vẫn sử dụng kích điện để khai thác hải sản trên biển, vi phạm Luật Thuỷ sản 2017 và cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu.

Tuyên truyền chống khai thác IUU ở huyện ven biển duy nhất Ninh Bình

Huyện Kim Sơn là địa phương duy nhất của tỉnh Ninh Bình giáp biển nên việc tuyên truyền chống khai thác IUU luôn được chú trọng và ưu tiên hàng đầu.

Hà Tĩnh: Những thách thức và giải pháp trong chống khai thác IUU

Mặc dù còn nhiều thách thức và trở ngại trong quản lý, điều hành chống khai thác IUU, tuy nhiên với tinh thần quyết liệt và đồng bộ, Hà Tĩnh đang từng bước giải quyết một cách hiệu quả.

Lồng ghép tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân vùng biển

Chủ tàu cá, ngư dân xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) được tuyên truyền về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) thông qua các cuộc tuyên truyền phổ biến pháp luật.

Nghệ An: Nỗ lực tuyên truyền chống khai thác IUU, đảm bảo an toàn để ngư dân vươn khơi

Trong những năm qua, các ngành chức năng Nghệ An đã chú trọng tuyên truyền cho ngư dân chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác IUU, đồng thời phối hợp ngăn chặn tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài.

Nghệ An: 100% chủ tàu cá khai thác xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài

Tất cả chủ tàu, thuyền trưởng khai thác xa bờ ở Nghệ An đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, thực hiện cập nhật dữ liệu lên phần mềm VNFishbase nhằm đảm bảo hoạt động tàu cá không vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.

Nghệ An: Kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm quy định về khai thác thủy sản

Trong năm 2022, ngành chức năng ở Nghệ An đã kiên quyết xử phạt nhiều vụ vi phạm quy định về khai thác thủy sản, từ đó ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân từng bước được nâng cao.

Thanh Hóa: Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong chống khai thác IUU

Thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác thủy sản trái phép, kiểm soát việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá.

Đang cập nhật dữ liệu !