Nhìn cổ phiếu liên tục giảm sàn, ông Bùi Thành Nhơn mừng hay lo?
Giải trình cho việc cổ phiếu giảm sàn liên tiếp, Novaland cho rằng giá cổ phiếu NVL giảm trong thời gian gần đây là “do yếu tố tâm lý trên thị trường chứng khoán và bị tác động bởi nhiều điều kiện kinh tế vĩ mô”.
Chuỗi những phiên giảm giá liên tiếp gần đây đã lấy đi của NVL tới 44% thị giá, kể từ ngày 25/10. Giá cổ phiếu NVL giảm mạnh trong khoảng 2 tháng gần đây với mức giảm 50%. Trong khi tính từ thời điểm đầu năm 2022, cổ phiếu này đã giảm tới 54%.
Diễn biến bất lợi của giá cổ phiếu khiến Novaland phải thông báo huỷ ngày đăng ký cuối cùng 14/11 để thực hiện quyền phát hành 482 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần do phương án phát hành không còn phù hợp với tình hình hiện tại của công ty.
Trong bối cảnh cổ phiếu liên tiếp giảm giá, ông Bùi Cao Nhật Quân (con trai của ông Bùi Thành Nhơn) đã mua thành công 2 triệu cổ phiếu NVL từ ngày 14/10 đến 3/11 để nâng lượng cổ phiếu nắm giữ lên hơn 83 triệu đơn vị, tương đương 4,269% vốn. Ước tính thiếu gia nhà họ Bùi đã chi ra khoảng 150 tỷ đồng để mua vào lượng cổ phiếu nói trên.
Đáng chú ý, ông Bùi Thành Nhơn và vợ (bà Cao Thị Ngọc Sương) đã không còn là cổ đông lớn tại Novaland sau khi bán ra tổng cộng trên 86,65 triệu cổ phiếu NVL vào ngày 3/10.
Giá đóng cửa của NVL trong phiên giao dịch ngày 3/10 là 82.000 đồng/cp, ước tính vợ chồng ông chủ Novaland thu về khoảng 7 nghìn tỷ đồng từ thương vụ này. Trong khi đó, nếu số cổ phiếu đó được bán ở thời điểm hiện tại, số tiền thu về chỉ là 3.400 tỷ đồng.
Quý 3/2022, Novaland ghi nhận doanh thu thuần 3.279 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế giảm 18% còn 737 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 236 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của Novaland giảm là do chi phí tài chính tăng mạnh thêm 615 tỷ đồng chủ yếu vì chi phí lãi từ hợp đồng hợp tác đầu tư cũng như lỗ tỷ giá tăng so với cùng kỳ.
Tính đến 30/9/2022, nợ vay các tổ chức tín dụng tại Novaland tăng 19% so với đầu năm lên mức 72 nghìn tỷ đồng, tương đương 27,7% tổng tài sản.
Cũng giống như NVL, cổ phiếu PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt là tâm điểm trong những phiên giao dịch vừa qua khi liên tục giảm sàn.
Đóng cửa tuần qua, PDR chỉ còn 26.200 đồng/cp và giảm sàn phiên thứ 6 liên tiếp trong chuỗi 18 phiên đỏ sàn liên tiếp gần đây. Qua đó, chuỗi phiên giảm giá kinh hoàng này đã lấy đi 47% giá trị của PDR, góp phần đáng kể trong việc giảm mất 63% thị giá kể từ đầu năm 2022.
Sau khi cổ phiếu liên tục giảm sàn, Tổng Giám đốc PDR Bùi Quang Anh Vũ khẳng định “giá cổ phiếu giảm là do cung cầu của thị trường và thị hiếu của nhà đầu tư, nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty”.
Đồng thời khẳng định công ty vẫn hoạt động bình thường, hiệu quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 vẫn đang tăng trưởng tốt, hoàn toàn không có biến động gì xấu làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
“Cổ phiếu PDR được niêm yết và giao dịch minh bạch trên sàn HOSE, giá mua bán cổ phiếu chịu ảnh hưởng bởi tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường, cũng như tác động của chính sách điều hành vĩ mô liên quan đến ngành hàng doanh nghiệp chúng tôi đang kinh doanh”, ông Bùi Quang Anh Vũ khẳng định.
Trước làn sóng “call margin” đối với loạt cổ phiếu bất động sản, PDR cũng nằm trong số đó.
Chứng khoán Tân Việt (TVSI) mới đây công bố bán giải chấp chứng khoán đối với ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR). Khối lượng bán giải chấp là 750.000 cổ phiếu.
TVSI cũng thông báo bán bắt buộc 720.000 cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của Công ty TNHH Phát Đạt Holdings. Đây là cổ đông tổ chức nắm giữ 10,96% vốn điều lệ của PDR.
Hiện, ông Đạt đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ đến 332,15 triệu cổ phiếu PDR, tương đương với gần 49,5% vốn Công ty.
Hiền Anh