Nhiều trẻ bị tai nạn thương tích
Nhiều trẻ bị tai nạn thương tích |
Theo thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng, chuyên khoa Chỉnh hình Nhi, thương tâm nhất là trường hợp của cháu Nguyễn Bảo L. (4 tuổi, Hà Nội).
Ngày 28/02, trong lúc hai chị em chơi với nhau tại nhà, bé L. chui vào máy tời vải (gia đình có xưởng trần ga gối) rồi thò tay vào mô tơ và bị máy cán nghiến bàn tay phải.
Tai nạn bất ngờ khiến phần mềm mặt trước và mặt sau bàn tay phải của bé bị dập nát, lộ rách bao gân các ngón 2-3-4-5, dập nát gân duỗi 2-3-4-5 và vỡ xương bàn tay. May mắn, cháu được gia đình nhanh chóng đưa đến bệnh viện 103 sơ cấp cứu và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Nhập viện cùng ngày với bé L. là cháu Hoàng Thanh B. (7 tuổi, Hà Nội). Tối ngày 28/02, khi chơi ở nhà bà ngoại, cháu đi xe đạp trong nhà húc vào khung kính và bị các mảnh kính vỡ đâm vào chân. Trẻ được đưa đến bệnh viện trong trạng thái tỉnh táo. Khi mở vết thương kiểm tra, các bác sĩ nhận thấy cháu bị đứt 3 gân duỗi, chụp X-quang thấy gãy 2 xương bàn chân số 3 và số 4.
Tại khoa Chỉnh hình Nhi, mỗi năm, các bác sĩ tiếp nhận rất nhiều trường hợp tai nạn ở trẻ nhỏ với các mức độ tổn thương khác nhau. Tai nạn do các vật dụng sắc nhọn cứa vào cơ thể như vùng cổ, cổ tay, cổ chân gây đứt động mạch là một trong những trường hợp nghiêm trọng và rất có thể gây ra tử vong ở trẻ nếu không được sơ cấp cứu đúng cách.
Trường hợp tai nạn của bé gái Hoàng Minh Th. (11 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội) là một ví dụ điển hình. 7 giờ tối ngày 1/03, trong quá trình vệ sinh cá nhân, cháu Th. có tì ngực vào bồn rửa mặt bằng sứ có chiều cao ngang ngực cháu (chiếc bồn này đã có dấu hiệu rạn nứt từ lâu nhưng gia đình chưa kịp thay) khiến 1/3 chiếc bồn rơi ra. Cạnh sứ sắc nhọn đâm vào cơ thể cháu bé gây ra tình trạng thương tích ở nhiều vị trí: cổ bên phải, cánh tay phải, khuỷu tay trái.
Cháu Th. được đưa đến bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng tỉnh táo nhưng đau đớn và mất nhiều máu, rách cơ cổ, nhiều vết thương đã bị lóc da diện rộng.
Theo tiến sĩ bác sĩ Hoàng Hải Đức-Trưởng khoa Chỉnh hình Nhi, tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ thường xảy đến bất ngờ, khó lường trước và gây ra những thương tổn thực thể trên cơ thể các em. Ở lứa tuổi này, các em thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng, tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích. Mặc dù nhiều biện pháp phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em đã và đang được thực hiện, nhưng tình hình trẻ nhập viện vì tai nạn vẫn chưa giảm.
Chiều ngày 1/03 cháu Nguyễn Bảo L. (8 tuổi, Hưng Yên) đi xe đạp trong khu dân cư và không may va chân vào miếng tôn được dựng ở ngoài đường. Hậu quả của sự va chạm là bé L. bị mảnh tôn sắc cứa vào cổ chân gây ra thương tích nghiêm trọng: đứng ngang mặt trước cổ chân, đứt toàn bộ gân duỗi, đứt động mạch chày trước, đứt một phần xương sên. Sau tai nạn, cháu được sơ cứu tại trung tâm y tế gần nhà và chuyển đến bệnh viện Nhi Trung ương.
Hiện tại, sau khi được phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu, tình trạng sức khỏe của các bệnh nhi đã dần hồi phục và có thể ra viện trong mấy ngày tới.
Còn rất nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ em nhưng cách phòng ngừa hiệu quả nhất là sự quan tâm chú ý của người lớn trong quá trình nuôi dạy chăm sóc trẻ.
Chỉ một phút thiếu tập trung có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, nhiệm vụ của người lớn là trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để tự bảo vệ mình từ khi trẻ bắt đầu hình thành những ý thức đầu tiên.
“Không phải cha mẹ mà chính bản thân các em mới là người có trách nhiệm tự bảo vệ mình trước mọi nguy hiểm rình rập trong suốt cuộc đời”– BSCKII Lê Tuấn Anh - Phó trưởng khoa Chỉnh hình Nhi chia sẻ