Nhiều người Việt mới ngoài 20 tuổi đã mắc căn bệnh 'thần chết ập đến bất ngờ'
Khi huyết áp tăng cao thành mạch phải 'căng phồng' để vận chuyển máu, tim phải hoạt động nhiều nên theo thời gian dẫn tới suy tim, đột quỵ.
Nguyễn Thiều Như V. (24 tuổi, ngụ tại Phú Nhuận, TP.HCM ) thường xuyên thấy mệt mỏi, hồi hộp, đánh trống ngực. Ban đầu, V. còn tưởng đó là triệu chứng của hậu Covid-19, cô nghĩ rằng dần dần sẽ hết. Nhưng tình trạng không giảm, thi thoảng cô còn bị hoa mắt, chóng mặt nên đến Khoa tim mạch Bệnh viện Đại học y dược để khám.
Bác sĩ cho V. làm xét nghiệm tổng quát (siêu âm tim, bụng, thận, thử máu, nước tiểu, chụp X-quang) phát hiện men gan cao, gan nhiễm mỡ, rối loạn lipid máu và tăng huyết áp. Đặc biệt, tăng huyết áp của V. là tình trạng tăng huyết áp vô căn.
V. cho biết cha mẹ của cô cũng bị tăng huyết áp nên lo lắng không biết bệnh có phải do di truyền hay không. Dù bác sĩ cho uống thuốc nhưng đôi khi V vẫn có cảm giác huyết áp tăng, hồi hộp. V. lo lắng hơn khi nghĩ tới nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim do huyết áp mang lại. Đặc biệt, cô chưa lập gia đình, sinh con.
Trường hợp của Đỗ Q. B. (22 tuổi, trú tại Hà Nội) vào viện khám vì người hay mệt, chóng mặt. Bác sĩ giật mình khi huyết áp của B. lên tới 180 mmhg, đây là chỉ số huyết áp quá cao. B cho biết gia đình hiện tại cũng không ai bị tăng huyết áp.
Tuy nhiên, B. có thói quen uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá. Hầu như ngày nào cậu cũng có tiệc nhậu trong suốt 4 - 5 năm qua. B. nghĩ rằng bệnh tăng huyết áp chỉ ở người già nhưng cậu khá lo lắng khi nghe bác sĩ giải thích về tình trạng tăng huyết áp của mình.
TS Thắng xem phim chụp mạch của bệnh nhân đột quỵ. |
Sau hai tháng thay đổi lối sống và uống thuốc, B. thấy huyết áp của mình đã ổn định hơn. Cậu thường xuyên tập thể dục, đi bộ quanh nhà và ăn theo chế độ dành riêng cho bệnh nhân tăng huyết áp.
Hiện tại, chỉ số huyết áp của B về mức 120 mmhg nhưng cậu vẫn phải duy trì thuốc tới suốt đời vì đây là bệnh mãn tính, dù huyết áp ổn định vẫn phải uống thuốc.
TS BS. Nguyễn Bá Thắng – Trưởng Trung tâm khoa học Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ, BV Đại học Y Dược TP.HCM, cảnh báo, tăng huyết áp ở người trẻ làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, rối loạn chức năng tình dục, bệnh lý thận, đái tháo đường,…
Điều nguy hiểm hơn là bệnh không gây nhiều triệu chứng nên thường không được phát hiện và điều trị sớm. Người trẻ bị tình trạng này thường có tâm lý chủ quan, nghĩ rằng sức khỏe bản thân tốt, cơ thể vẫn khỏe mạnh bình thường nên thường che giấu bệnh, không điều trị hoặc không điều trị tích cực. Đặc biệt, tăng huyết áp là nguy cơ cao nhất của đột quỵ.
Theo TS Thắng, tăng huyết áp lại là bệnh phổ biến, đang là gánh nặng của toàn cầu, đặc biệt là các nước đang phát triển như VIệt Nam. Người ta thống kê tỷ lệ tăng huyết áp tăng 60% trong vòng 25 năm qua. Các nước phát triển thì tăng huyết áp mức độ ít hơn, người dân họ kiểm soát tốt hơn.
Tại Việt Nam xu hướng tăng huyết áp ở người trẻ phát hiện ngày càng tăng lên.
Huyết áp có thể ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trong đó 3 cơ quan quan trọng nhất cơ thể là não, tim, thận. Não 77 % bệnh nhân đột quỵ lần đầu tiên có tăng huyết áp.
Đột quỵ được xem là "thần chết ập đến bất ngờ" vì khả năng tử vong cao, di chứng nhiều.
Nguy cơ đột quỵ gia tăng theo mức độ tăng huyết áp. Mức tăng huyết áp càng cao thì nguy cơ đột quỵ càng lớn. Khi chúng ta điều chỉnh, kiểm soát huyết áp tốt sẽ giảm nguy cơ đột quỵ rất nhiều. Các nghiên cứu chỉ ra rằng quản lý được huyết áp của mình sẽ giảm được 35% nguy cơ đột quỵ.
Tăng huyết áp gây đột quỵ vì áp lực máu trong mạch máu cao và tim phải hoạt động nhiều để bơm máu đi. Mạch máu cũng phải căng ra để bơm máu đi dẫn đến thúc đẩy quá trình suy tim, xơ vữa mạch máu, dày lòng mạch lên.... đây là nguyên nhân gây đột quỵ.
Ngoài ra, tăng huyết áp còn nguy hiểm nữa đó là trực tiếp gây đột quỵ. TS Thắng cho biết có bệnh nhân đột quỵ chụp MRI trực tiếp mạch máu não thấy các mạch máu nhỏ ở trên não, thành mạch mỏng manh. Nhưng huyết áp tác động trực tiếp lên thành mạch này và có thể làm tắc nghẽn mạch máu hoặc vỡ ra. Cả hai dạng này đều là đột quỵ có khả năng gây tàn phế và tử vong cao cho người bệnh.
Người trẻ tuổi đúng là có thế mạnh về sức khỏe và khả năng phục hồi tổn thương tốt hơn người già, nhưng cao huyết áp lại âm thầm và gây biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, TS Thắng khuyến cáo các bạn trẻ nên kiểm tra sức khỏe để biết chỉ số huyết áp của mình.
Có lối sống khoa học, hạn chế đồ uống có cồn, ăn mặn và hút thuốc lá. Đặc biệt, người dân nên duy trì luyện tập để phòng tăng huyết áp.
Khánh Chi