10 người trưởng thành có 3 người mang 'quả bom' đột quỵ
Thừa cholesterol là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý tim mạch, đột quỵ. Người bị thừa cholesterol thường không có dấu hiệu cảnh báo vì vậy nó được xem như 'quả bom nổ chậm'.
Báo động thừa cholesterol
Theo Bộ Y tế, thống kê tại Việt Nam cho thấy, cứ 10 người trưởng thành thì có 3 người bị thừa cholesterol. Theo đó, có khoảng 200.000 ca đột quỵ mới được ghi nhận mỗi năm. Tại các bệnh viện lớn, số ca đột quỵ tăng gấp 3-4 lần so với 5-10 năm trước đây.
Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây nên tử vong, bên cạnh đó đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây ra tàn phế. Cụ thể, 50% người bệnh đột quỵ phải lệ thuộc vào người khác, không thể tự sinh hoạt được.
Theo BS Nguyễn An Pháp -Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, việc thừa cholesterol sẽ gây ra hiện tượng tích tụ, tạo ra các mảng xơ vữa, khiến mạch máu hẹp lại và cuối cùng dẫn đến tắc nghẽn. Từ đó, gây ra tình trạng thiếu máu não, dẫn đến đột quỵ.
Các nghiên cứu thực tiễn đã chỉ ra rằng, 25% các ca đột quỵ liên quan trực tiếp đến tình trạng thừa cholesterol theo cơ chế này.
Bên cạnh đó, thừa cholesterol cũng gián tiếp liên quan tới 50% các ca đột quỵ đối với các trường hợp tăng huyết áp, thoái hoá những mạch máu nhỏ.
Theo BS Pháp, nguyên nhân gây ra tình trạng thừa cholesterol là do thói quen ăn uống, lối sống tĩnh tại. Những người ăn quá nhiều thực phẩm có nhiều cholesterol, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa có thể làm tăng nguy cơ phát triển cholesterol cao.
Các yếu tố lối sống khác cũng có thể góp phần tăng cholesterol bao gồm lối sống tĩnh tại, lười vận động và hút thuốc.
Ngoài ra, di truyền cũng có thể ảnh hưởng đến tăng cholesterol. Gen được truyền từ cha mẹ sang con cái. Một số gen quy định cơ thể về cách chuyển hóa cholesterol và chất béo. Nếu cha mẹ có cholesterol cao, thì người con cũng có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn.
Trong một số ít trường hợp, cholesterol cao là do tăng cholesterol máu gia đình. Rối loạn di truyền này ngăn cơ thể loại bỏ LDL.
Ảnh minh hoạ. |
Các tình trạng sức khỏe khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường và suy giáp, cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển cholesterol cao và các biến chứng liên quan.
Thừa cholesterol đáng quan ngại ở chỗ diễn ra khá âm thầm, gần như không có triệu chứng rõ ràng. Nhiều người chỉ phát hiện được mình bị thừa cholesterol khi thực hiện các xét nghiệm hoặc gặp các biến chứng nguy hiểm chẳng hạn như đột quỵ. Những trường hợp này bắt buộc phải điều trị mà chưa có cơ hội phòng.
Làm thế nào để giảm cholesterol
Theo BS Pháp với người bệnh đi xét nghiệm máu nếu có cholesterol cao, bác sĩ có thể khuyên bạn nên thay đổi lối sống. Ví dụ, có thể đề nghị thay đổi chế độ ăn uống, thói quen tập thể dục, bỏ thuốc lá.
Bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác để giúp giảm mức cholesterol.
Giảm cholesterol thông qua chế độ ăn uống như hạn chế ăn thực phẩm giàu cholesterol, chất béo bão hòa, chọn nguồn protein như thịt gà, cá và các loại đậu. Nên ăn nhiều loại thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt, lựa chọn thực phẩm nướng, hấp và rang thay vì thực phẩm chiên.
Người thừa cholesterol nên tránh thức ăn nhanh và đồ ăn vặt, thực phẩm giàu cholesterol, chất béo bão hòa. Các món ăn từ thịt đỏ, thịt nội tạng, lòng đỏ trứng và các sản phẩm sữa nhiều chất béo cũng nên hạn chế. Các thực phẩm chiên giòn, chẳng hạn như khoai tây chiên, gà rán, một số loại bánh quy và bánh nướng xốp.
Người bệnh nên ăn nhiều cá và các loại thực phẩm khác có chứa axit béo omega-3 cũng có thể giúp giảm nồng độ LDL. Ví dụ, cá hồi, cá thu và cá trích là nguồn omega-3 phong phú. Quả, hạnh nhân, hạt lanh xay và bơ cũng chứa omega-3.
Nếu tăng cholesterol do di truyền, BS Pháp cho biết yếu tố nguy cơ di truyền đối với cholesterol cao không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, các yếu tố lối sống có thể được quản lý. Người bệnh có thể duy trì một chế độ ăn uống bổ dưỡng ít cholesterol và chất béo động vật, và giàu chất xơ, tránh tiêu thụ rượu quá mức, duy trì cân nặng khỏe mạnh, tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc.
Ngoài ra, BS Pháp cũng khuyến cáo người tăng mỡ máu có thể sử dụng thêm các thảo dược hỗ trợ giảm mỡ máu như lá húng quế, cần tây, bồ công anh, đinh hương, quế, nhân sâm, gừng, linh chi, ngưu tất, thì là, trài xanh.
Các loại hoa quả giảm mỡ máu như nho, bưởi người bệnh có thể tham khảo sử dụng.
Khánh Chi