Nhiều khách hàng bị lừa khi mua dự án đất nền Đồng Nai
Đây là một trong những vấn đề được các nhà chuyên môn đưa ra phân tích tại buổi toạ đàm “Thị trường Bất động sản Đồng Nai: Nhận diện cơ hội và rủi ro” diễn ra tại TP.HCM sáng 14/9.
Nở rộ dự án đất nền
Đánh giá về định hướng phát triển hạ tầng giao thông của Đồng Nai, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Savills Việt Nam cho rằng, ngoài dựa trên khung phát triển giao thông vùng, Đồng Nai còn đi theo định hướng phát triển các trục hướng tâm và vành đai.
Định hướng này giúp Đồng Nai có được sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là khi quỹ đất tại TP.HCM ngày càng thu hẹp.
Theo TS Sử Ngọc Khương, nghiên cứu của Savills Việt Nam cho thấy, tính đến hết năm 2016, Đồng Nai có tổng cộng 55 dự án nhà ở, cung cấp gần 30.200 căn/nền trên thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp. Thị trường thứ cấp chiếm 27.600 căn/nền tổng nguồn cung, trong khi đó nguồn cung hiện hữu trên thị trường sơ cấp chỉ khoảng 2.600 căn/nền.
“Hạ tầng giao thông mang lại sinh lực cho bất động sản Đồng Nai. Thời gian qua, đất nền nơi đây được khách hàng đón nhận hơn so với các phân khúc khác và người mua hướng đến phương thức đầu tư dài hạn, từ 5 – 7 năm”, TS Sử Ngọc Khương cho hay.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết, ngoài hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng, Đồng Nai còn có lợi thế khác là Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang rục rịch xây dựng.
Theo ông Lâm, Đồng Nai đã quy hoạch 21.000ha quanh sân bay Long Thành để làm khu công nghiệp, khu đô thị, phụ trợ cho dân cư. Tuy nhiên, hiện nay tình hình thay đổi nên tỉnh đã dừng lại để điều chỉnh quy hoạch và xin ý kiến Chính phủ thuê tư vấn nước ngoài.
![]() |
Những cơ hội và rủi ro của thị trường BĐS Đồng Nai được các chuyên gia phân tích tại buổi toạ đàm. |
Đồng ý với quan điểm trên, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), Đồng Nai có lợi thế về vị trí địa lý khi nằm sát TP.HCM và đất nền là phân khúc nổi bật của tỉnh này thời gian qua.
Về quan điểm người mua đất nền đầu tư hay đầu cơ, ông Châu cho rằng ai cũng có thể là nhà đầu tư, tức mua đi bán lại nhưng đầu cơ là hành vi thu gom lượng lớn sản phẩm đủ để chi phối giá rồi làm giá theo ý mình và khống chế thị trường.
“Nếu hành vi đầu cơ đơn lẻ, chưa ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi người tiêu dùng thì còn chấp nhận được. Nhưng đầu cơ theo quy mô làm lũng đoạn thị trường thì vô cùng nguy hiểm”, Chủ tịch HoREA nói.
Cẩn trọng tính pháp lý của các dự án
Tại buổi toạ đàm, ông Lê Hoàng Châu cho biết mới đây HoREA nhận được đơn kêu cứu của 300 người dân tố hai công ty môi giới địa ốc. Bằng những thủ đoạn như đổi tên dự án, đổi tên chủ đầu tư để khách hàng không tìm được chủ đầu tư thật sự.
Thậm chí, công ty môi giới còn tự ý vẽ lại quy hoạch 1/500, thêm thắt nhiều tiện ích không có trong dự án hay nâng giá bán so với giá chủ đầu tư đưa ra từ 100 – 200 triệu đồng. Các dự án có những lùm xùm này nằm tại huyện Nhơn Trạch, Long Thành và Trảng Bom của tỉnh Đồng Nai.
Theo ông Châu, công ty môi giới trên còn dùng “chim mồi” để dẫn dắt khách hàng đi các dự án khác với dự án được giới thiệu ban đầu. Để minh bạch thị trường và tránh thiệt hại cho người mua, theo ông Châu, những hành vi này, cơ quan chức năng cần nhanh chóng xử lý.
Liên quan đến hai công ty môi giới nói trên, ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, theo thông tin ông nắm được thì hai công ty này đăng ký kinh doanh tại TP.HCM và vụ việc đang được Bộ Công an vào cuộc điều tra.
Để hạn chế những rủi ro trong quá trình giao dịch nhà đất, theo Luật sư Lâm Đăng Phúc, Phó giám đốc hãng luật Nguyên Giáp, mua bán nhà đất thông qua giấy viết tay khi chưa có Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) là sai luật. Người mua sẽ chịu thiệt khi phát sinh tranh chấp.
Nếu có sổ đỏ, thường những trường hợp này lại không đủ điều kiện để giao dịch, chẳng hạn phát sinh vấn đề thừa kế. Một trong những người thừa kế bán đi thì người mua dễ bị tranh chấp. Ngoài ra, trường hợp đồng sở hữu thì người mua cũng chịu thiệt.
Theo luật sư Phúc, giao dịch phổ biến nữa là mua bán đất nông nghiệp, mục đích mua bán chỉ hướng và phân lô bán nền. Thường chủ đầu tư không thông qua trình tự quy định, tự phân lô bán, khách mua sẽ gặp rủi ro khi làm thủ tục giấy tờ có thể không làm được nhưng chủ đầu tư cứ hứa.
Ngoài ra, có những trường hợp dự án đất nền tạm gọi là “chính thống”, đúng thủ tục pháp luật nhưng do đơn vị môi giới phân phối và họ sử dụng chiêu trò. Chẳng hạn, môi giới bằng nhiều thủ thuật và móc nối với các bên để tự nhận là chủ đầu tư dự án, viết các hợp đồng mua bán nhưng thực tế người mua sẽ không thể làm sổ đỏ.
Để hạn chế rủi ro về pháp lý sau này, luật sư Phúc khuyến cáo người mua nhà đất nên tìm hiểu thật kỹ lưỡng về dự án, chủ đầu tư cũng như sàn môi giới để gửi gắm niềm tin.