Nhiều công ty Mỹ gây tranh cãi khi thu phí đào tạo nhân viên
Mới đây, khi thẩm mỹ viện Oh Sweet ở Washington tính phí đào tạo 1.900 USD của Simran Bal sau khi cô bỏ việc, cô đã bị sốc. Karina Villalta, người điều hành Oh Sweet LLC, đã đệ đơn kiện lên tòa án yêu cầu Bal đóng tiền đào tạo. Thẩm phán của vụ kiện đã phán quyết rằng Bal không hoàn thành khóa đào tạo và không nợ nần gì nên không cần hoàn trả chi phí đào tạo.
Vụ kiện của Bal phản ánh câu chuyện của hàng chục người trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, vận tải đường bộ, bán lẻ và các ngành công nghiệp khác, những người gần đây đã phàn nàn với các cơ quan quản lý Mỹ rằng một số công ty tính phí những nhân viên bỏ số tiền lớn để đào tạo.
National Nurses United cho biết, họ đã thực hiện một cuộc khảo sát cho thấy rằng các thỏa thuận này ngày càng phổ biến trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, với các y tá mới thường bị ảnh hưởng.
Cuộc khảo sát cho thấy 589 trong số 1.698 y tá được hỏi phải tham gia các chương trình đào tạo và 326 người trong số đó phải trả tiền cho người sử dụng lao động nếu họ rời đi trước một thời gian nhất định.
Nhiều y tá cho biết, họ không được thông báo về yêu cầu hoàn trả tiền đào tạo trước khi bắt đầu làm việc và hướng dẫn trên lớp thường lặp lại những gì đã học ở trường.
Tổ chức Anh em Quốc tế của Teamsters cho hay, vấn đề hoàn trả phí đào tạo là "đặc biệt nghiêm trọng" trong vận tải đường bộ thương mại. Tổ chức cho biết, các công ty như CRST và CR England đào tạo người để lấy bằng lái xe thương mại nhưng tính phí hơn 6.000 USD nếu rời công ty trước một thời gian nhất định. Đồng thời, không công ty nào trả lời yêu cầu của nhân viên.
Hiệp hội Vận tải đường bộ Mỹ lập luận rằng, giấy phép có thể chuyển từ người sử dụng lao động này sang người sử dụng lao động khác và do chính phủ yêu cầu. Hiệp hội kêu gọi Cơ quan Bảo vệ tài chính cho người tiêu dùng của Mỹ (CFPB) không mô tả giấy phép này là nợ do người sử dụng lao động tạo ra.
Steve Viscelli, một nhà xã hội học tại Đại học Pennsylvania, người đã dành 6 tháng để đào tạo và sau đó lái xe tải, cho biết vấn đề này đáng được xem xét kỹ lưỡng.
“Bất cứ khi nào chúng tôi có hợp đồng đào tạo cho lao động tay nghề thấp, chúng tôi nên hỏi tại sao. Nếu bạn có một công việc tốt, bạn không cần hợp đồng đào tạo. Mọi người sẽ muốn ở lại”, Viscelli nói.
Theo Viện Nghiên cứu Khảo sát Cornell, gần 10% công nhân Mỹ được khảo sát vào năm 2020 được bao trả bởi một thỏa thuận hoàn trả đào tạo. Thực tiễn, điều khoản thỏa thuận hoàn trả đào tạo đang thu hút sự giám sát của các nhà quản lý và nhà lập pháp Mỹ.
Ở cấp tiểu bang, Tổng chưởng lý như Keith Ellison của Minnesota đang đánh giá mức độ phổ biến của hoạt động này và sau đó sẽ đưa ra hướng dẫn cụ thể về vấn đề. Ellison nói với Reuters rằng, ông không hoàn toàn ủng hộ yêu cầu bồi hoàn này, ông chỉ ủng hộ nếu việc đào tạo đó đạt kết quả được pháp lý công nhận.
Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng đã bắt đầu xem xét vấn đề, trong khi Bộ Tư pháp và Ủy ban Thương mại Liên bang đã nhận được khiếu nại về việc này.
Jonathan Harris, giáo viên tại Trường Luật Loyola, Los Angeles, cho biết việc sử dụng các thỏa thuận đào tạo đang gia tăng mặc dù tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Ông Harris cho biết: “Các nhà tuyển dụng đang tìm cách để giữ công nhân mà không tăng lương hoặc cải thiện điều kiện làm việc".
Trong khi đó, CFPB công bố vào tháng 6, họ đang xem xét vấn đề này. Nhiều ý kiến lại cho rằng, vấn đề không liên quan đến CFPB vì nó không liên quan đến các sản phẩm và dịch vụ tài chính tiêu dùng.
Hạ Thảo (lược dịch)