Nhật – Trung tránh chiến tranh bằng cách nào?
Trung Quốc và Nhật Bản, 2 quốc gia mạnh nhất châu Á, đang ngày càng lấn sâu vào căng thẳng ở vùng trời và vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Mặc dù hai nước này vẫn phụ thuộc chặt chẽ về kinh tế nhưng mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước dường như đang mắc kẹt vào vòng xoáy nguy hiểm nhưng dường như không thể đảo ngược.
Tàu hải giám Trung Quốc và tàu của Lực lượng canh gác bờ biển Nhật Bản thường xuyên đối đầu nhau quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa có hành động làm khoét sâu thêm căng thẳng giữa nước này với các nước láng giềng bằng chuyến thăm tới đền thờ chiến tranh Yasukuni, ngôi đền tưởng niệm những người Nhật Bản thiệt mạng trong chiến tranh, bao gồm cả các tướng quân đội Nhật Bản bị gán mác tội phạm chiến tranh cấp độ A.
Rõ ràng không bên nào có dấu hiệu sẽ nhượng bộ. Đây là kết quả đáng xấu hổ bởi lẽ tình hình căng thẳng bắt đầu chưa lâu, chỉ từ một biến cố đơn lẻ liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cho Nhật Bản quản lý. Thực chất chỉ cần một hành động đơn giản mang tính biểu tượng nhưng hào hiệp cũng có thể giúp dừng cuộc khủng hoảng hiện nay giữa hai nước.
Thủ tướng Abe, mặc dù rõ ràng có tư tưởng “diều hâu” về vấn đề Trung Quốc, nhưng không phải là người khơi mào ra tình trạng hiện nay. Vào tháng 9/2012, Thủ tướng Nhật Bản khi đó Yoshihiko Noda đã chỉ thị cho chính phủ ông mua lại 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo này từ người chủ tư nhân. Hành động này của chính phủ Nhật Bản bị Trung Quốc coi là một hành động quốc hữu hóa quần đảo này.
Ông Noda không chủ ý khiêu khích Trung Quốc. Ngược lại, ông có ý định ngăn chặn một chính trị gia có tư tưởng dân tộc cực đoan của Nhật Bản – Thị trưởng Tokyo khi đó, Shintaro Ishihara – người muốn chính quyền Tokyo mua lại quần đảo này và xây dựng cơ sở hạ tầng để khẳng định chủ quyền của Nhật Bản.
Tuy nhiên, chưa đầy 2 ngày trước khi ông Noda quyết định, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào khi đó đã cảnh báo ông không nên tiến hành thỏa thuận mua lại quần đảo này. Những lo ngại của ông Hồ Cẩm Đào không phải là không có cơ sở. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã âm thầm chấp nhận thực tế rằng Nhật Bản là quốc gia kiểm soát quần đảo này dù hai nước có tranh chấp. Với hành động mua lại, Nhật Bản tỏ ra tiến tới “hợp pháp hóa” quyền sở hữu quần đảo này. Với tinh thần dân tộc rất cao ở Trung Quốc, Bắc Kinh không thể tỏ ra yếu thế trong cách thức đáp trả.
Nếu ông Abe thực sự muốn phá vỡ vòng xoáy leo thang căng thẳng nguy hiểm với Trung Quốc, ông có thể đơn phương đưa tình hình quay trở lại giống như trước tháng 9/2012. Ông sẽ chỉ cần “bán lại” các hòn đảo cho một quỹ tư nhân hoặc một nhóm bảo vệ môi trường Nhật Bản nào đó, yêu cầu họ bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên của các hòn đảo này.
Những nhân vật có tư tưởng cực đoan ở Nhật Bản có thể coi đây là hành động đầu hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế không hẳn vậy. Ngay cả khi bán các hòn đảo, Nhật Bản sẽ tiếp tục quyền sở hữu thực tế đối với quần đảo này như nước này đã có trong nhiều thập kỷ qua. Do quyết định mua lại quần đảo thuộc về chính phủ trước, chính quyền của ông Abe không cần thiết phải cảm thấy “day dứt” vì quyết định này. Trên thực tế sau khi làm hài lòng những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Nhật Bản bằng chuyến thăm đền thờ chiến tranh Yasukuni, ông Abe hoàn toàn ở vào thế thuận lợi để nhượng bộ về quần đảo này.
Khi trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, ông Abe kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiến hành một cuộc họp thượng đỉnh. Ông Abe nói: “Giờ là lúc quay trở lại điểm xuất phát”, ám chỉ tới thỏa thuận song phương ông đạt được với ông Hồ Cẩm Đào hồi năm 2006. Bán lại các hòn đảo có thể là một bước đi quan trọng để quay trở lại thời kỳ hai nước chưa căng thẳng như hiện nay.
Sau chuyến thăm đền thờ chiến tranh Yasukuni, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ có cơ sở để nhượng bộ Trung Quốc.
Nếu ông Abe muốn tỏ ra cứng rắn hơn, ông có thể đưa ra các đề xuất với Trung Quốc giống như Nhật Bản đã từng đề xuất với Hàn Quốc về các quần đảo khác: đưa tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ra tòa án Công lý quốc tế. Khả năng Trung Quốc chấp nhận đề xuất này là rất thấp. Nhưng với hành động này, Nhật Bản đã thỏa mãn điều kiện mà Trung Quốc đặt ra để tiến hành cuộc họp thượng đỉnh Tập Cận Bình – Shinzo Abe: Tokyo phải công nhận có tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Tất nhiên, ngay lúc này thật khó hình dung chính quyền Abe chủ động tiếp cận Bắc Kinh và cũng rất khó có khả năng các nhà lãnh đạo Trung Quốc phản ứng một cách xây dựng.
Tuy nhiên, nếu phân tích lợi ích – chi phí, ông Tập nên giảm các cuộc tuần tra không quân và hải quân quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hiện ông Tập Cận Bình đang đối mặt với vô số khó khăn bắt nguồn từ các cải cách kinh tế đầy tham vọng. Mặc dù ông không thể tỏ ra yếu thế về vấn đề Senkaku/Điếu Ngư, ông cũng không thể giải quyết nổi một cuộc khủng hoảng địa chính trị có thể ảnh hưởng tới kinh tế Trung Quốc và có thể cả giao thương toàn cầu.
Một quá trình thay đổi cán cân quyền lực đang dần diễn ra ở châu Á do nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn kinh tế Nhật Bản. Nhưng Trung Quốc sẽ không có lợi nếu thúc đẩy quá trình này theo một cách quá hung hăng. Nếu bị chính quyền Trung Quốc “ép” càng nhiều, Nhật Bản sẽ càng nhanh chóng nâng cấp năng lực quân sự của nước này và củng cố mối quan hệ đồng minh với Mỹ cũng như các quốc gia láng giềng của Trung Quốc.
Cả hai bên cần tìm ra cách để “hạ nhiệt” cả về lời nói và hành động. Trước tiên, Nhật Bản có thể “lùi lại” một chút bằng cách bán lại các hòn đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư. Bất kỳ nhà lãnh đạo Nhật Bản nào nghi ngờ giải pháp này nên tự hỏi: Liệu tình hình hiện nay có tốt hơn cách đây 2 năm không?