Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng quản lý vệ sinh và chất lượng thủy sản
Theo đó, phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ nguồn vốn đầu tư 15.170.000 yên Nhật trong thời gian 02 năm (2014-2015). Đây là kết quả của chuyến khảo sát mới đây của phái đoàn TP Kushiro (Nhật Bản) và đại diện JICA tại cảng cá - âu thuyền Thọ Quang và một số chợ buôn bán thuỷ sản trên địa bàn Đà Nẵng nhằm tìm hiểu tình hình quản lý vệ sinh, chất lượng thuỷ sản và trao đổi để phối hợp tổ chức tại TP này cuộc hội thảo về phát triển nguồn nhân lực trong quản lý chất lượng thuỷ sản.
Phái đoàn của TP Kushiro (Nhật Bản) và đại diện JICA khảo sát thực tế tại cảng cá - âu thuyền Thọ Quang (Ảnh do Trung tâm Khuyến Ngư nông lâm Đà Nẵng cung cấp) |
Cùng ngày, Trung tâm Khuyến Ngư Nông Lâm Đà Nẵng cho hay, cùng với thực hiện chính sách của TP hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu khai thác xa bờ (riêng trong 9 tháng đầu năm 2013 đã hỗ trợ đóng mới 6 tàu công suất từ 400 – 600CV), Trung tâm cũng đã triển khai nhiều khóa đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, hỗ trợ máy thông tin liên lạc, thực hiện nhiều mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác thủy sản giúp ngư dân nâng cao kiến thức, đủ năng lực đưa tàu vươn khơi khai thác ngày càng hiệu quả.
Nhiều mô hình khuyến ngư như “Trang bị máy dò cá trên tàu công suất trên 90CV”, “Hỗ trợ hầm bảo quản sản phẩm cho tàu khai thác xa bờ”... do Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng thực hiện đã thể hiện được tính hiệu quả cao. Đơn cử như so với hầm bảo quản truyền thống, hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu PU đáp ứng các yêu cầu về độ lạnh được trải đều, chất lượng cá bảo quản được đảm bảo lâu dài.
Nhờ sản phẩm được bảo quản tốt nên chuyến đi biển có thể kéo dài hơn và giúp tăng sản lượng đánh bắt; và đặc biệt giá của sản phẩm tăng lên từ 1.000-2.000 đồng/kg nên đã tăng thu nhập đáng kể cho ngư dân. Vì vậy các mô hình nêu trên được các chủ tàu tham gia nhiệt tình đồng lòng rất cao và có kế hoạch đăng ký cho năm tới.