Nhân sự ngân hàng biến động ra sao trong năm qua?
Có 49 ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam, bao gồm các loại hình: ngân hàng 100% vốn nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng chính sách, ngân hàng liên doanh và ngân hàng hợp tác xã.
Theo thống kê của VietNamNet, 29 ngân hàng thương mại công bố công khai báo cáo tài chính hiện nay, bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) và 28 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) đang niêm yết cổ phiếu trên các sàn HOSE, HNX và UPCOM, đều báo cáo số lượng nhân sự đang làm việc tại ngân hàng mẹ trong năm gần nhất.
Đến cuối năm 2022, có 273.364 người đang làm việc tại 29 ngân hàng trên, tăng 7.958 người (3%) so với thời điểm cuối năm 2021.
Nhóm 29 ngân hàng cũng quy tụ những nhà băng lớn nhất hiện nay về quy mô mạng lưới, nên phần lớn nhân sự ngân hàng tại Việt Nam đều tập trung tại đây.
Agribank là ngân hàng có mạng lưới rộng khắp trên cả nước nên đương nhiên dẫn đầu về số lượng CBNV. Theo thống kê tại thời điểm 30/6/2022, có tới 39.326 nhân sự đang làm việc tại ngân hàng mẹ. Chỉ trong nửa đầu năm 2022, Agribank đã chi tới 8.822 tỷ đồng để trả lương và phụ cấp cho nhân viên. Ước tính tổng mức chi trả lương và phụ cấp cho nhân viên trong cả năm 2022 là trên 17.000 tỷ đồng.
BIDV, với số vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống (50.585 tỷ đồng), đứng thứ hai trong toàn hệ thống về số lượng CBNV. Tại thời điểm 31/12/2022, ngân hàng có 25.700 CBNV, tăng 1.012 người so với năm 2021 và trở thành một trong những ngân hàng tuyển dụng lớn nhất trong năm qua. Năm 2022, BIDV đã chi 9.616 tỷ đồng cho việc chi trả lương và phụ cấp cho CBNV.
Đứng thứ ba về số lượng nhân viên là Vietinbank với 22.879 người tại thời điểm 31/12/2022, giảm 221 người so với cùng kỳ. Tổng mức chi lương và phụ cấp của VietinBank trong năm qua là 7.690 tỷ đồng.
Vietcombank đứng kế tiếp với 21.884 nhân sự, tăng 900 người so với thời điểm cuối năm 2021. Trong năm 2022, ngân hàng đã chi 9.371 tỷ đồng để trả lương và phụ cấp cho nhân viên.
Thống kê số lượng nhân viên các ngân hàng tại ngày 31/12/2022 (Nguồn: BCTC các ngân hàng):
Ngoài 4 “ông lớn” gốc quốc doanh nói trên, một số ngân hàng TMCP quy mô lớn cũng đang tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động; trong đó phải kể đến Sacombank, VPBank, ACB, LienVietPostBank và Techcombank. Đây là những nhà băng quy tụ lượng nhân sự ở mức trên 10.000 người. Tính đến 31/12/2022, Sacombank có 17.378 CBNV, VPBank có 13.017 người, ACB 12.604 người, LienVietPostBank 12.203 người, Techcombank 11.545 người.
Tính trên toàn hệ thống, VPBank là nhà băng tăng mạnh chỉ tiêu tuyển dụng trong năm qua, tăng thêm gần 3.000 người so với năm trước đó. TPBank, LienVietPostBank, MSB và BIDV cũng có thêm trên 1.000 người trong năm 2022.
Điều ngạc nhiên khi TPBank là ngân hàng đã áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hệ thống ngân hàng tự động (LiveBank) để thay thế các giao dịch viên truyền thống, nhưng nhà băng này vẫn nằm trong số những ngân hàng tuyển dụng nhiều nhất.
Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng lại giảm quy mô nhân sự so với năm 2021, trong đó phải kể đến Agribank, Sacombank, Techcombank, OCB, VietBank. Đặc biệt, Việt Á Bank cắt giảm nhân sự lên đến hơn 4.300 người.
Với việc giảm mạnh nhân sự nói trên, Việt Á Bank cùng với Saigonbank và PGBank đang là ba ngân hàng có lượng nhân viên thấp nhất trong số 29 ngân hàng được liệt kê trong bài viết này, mỗi ngân hàng chỉ hơn 1.000 nhân sự.
Theo dự báo của Navigos Group, nhu cầu nhân lực ngành Tài chính Ngân hàng tiếp tục tăng cao trong những năm tới. Vì thế, bức tranh toàn cảnh ngành thu hút đông đảo sự quan tâm của lực lượng lao động trẻ.
Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu nhân lực cấp cao cho ngành Tài chính Ngân hàng giai đoạn 2020-2025 được dự báo tăng 20% mỗi năm. Riêng tại các thành phố lớn như TP.HCM, nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này chiếm tỷ trọng 5% (khoảng 15.000 lao động) trong tổng số việc làm cần tuyển hàng năm.
Tuân Nguyễn