Nhân dân nhật báo: Đừng mong ràng buộc Trung Quốc bằng các quy tắc
Tiêu đề của bài báo trên tờ Nhân dân Nhật báo có viết: “Trung Quốc không bao giờ bị trói buộc vào ‘nguyên tắc’”, nói về ý nghĩa của Hội nghị Quan chức cấp cao thường niên Trung Quốc – ASEAN lần thứ 6 được tổ chức tại Tô Châu, Giang Tô. Cuộc họp chủ yếu bàn về việc thúc đẩy quá trình xây dựng Bộ quy tắc ứng xử dành cho các bên trên Biển Đông (COC) trong khuôn khổ thực hiện triệt để Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Sự khác biệt giữa cuộc họp này với các cuộc thảo luận trước đây là đây là lần đầu tiên mà tất cả các bên đồng ý tổ chức tham vấn về COC trong bối cảnh thực hiện đầy đủ “tuyên bố”, cũng như trao đổi quan điểm về việc thực hiện tổng thể hiệu quả của việc kê khai và các vấn đề trọng điểm như hợp tác hàng hải. Ý nghĩa tích cực của việc xây dựng COC là Trung Quốc và các nước ASEAN có thể nhân cơ hội này để tiếp xúc với nhau nhiều hơn và chuẩn bị cho các bước tiếp theo.
Đoàn đại biểu ASEAN tham dự cuộc đàm phán về DOC và tương lai COC, song song với Hội nghị Quan chức Cấp cao giữa ASEAN và Trung Quốc, được tổ chức tại Tô Châu, Giang Tô, tháng 9/2013. |
Tuy vậy, sau khi Hội nghị kết thúc, báo chí Trung Quốc đã tỏ ra khá lạnh nhạt, đưa ra những đánh giá không khả quan về chương trình thảo luận. Thậm chí, tờ Nhân dân Nhật báo còn cho rằng ASEAN không nên đặt kỳ vọng vào cuộc họp.
Tờ báo này viết: “Nhưng một nước trong ASEAN đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào các cuộc đàm phán, cho rằng một bước đột phá tại cuộc họp sẽ vượt qua tất cả những trở ngại và giải quyết tất cả các vấn đề tồn tại trong giai đoạn thiết lập các hướng dẫn, thậm chí còn cho rằng Bộ quy tắc ứng xử sẽ có chữ ký trực tiếp của các bên”.
Thậm chí, tờ Nhân dân Nhật báo còn nhận định rằng “phía sau những kỳ vọng thiếu thực tế là một mục đích thầm kín”. Ám chỉ những động thái gần đây của Philippines – quốc gia thuộc ASEAN hiện có tranh chấp căng thẳng nhất với Trung Quốc trên Biển Đông.
Mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc gần đây ngày càng trở nên khó kiểm soát, khi mà cả hai bên đều tìm mọi cách để khẳng định chủ quyền của mình ở một bộ phận trên Biển Đông, đặc biệt là ở bãi cạn Scarborough.
Căng thẳng đã khiến Trung Quốc từ chối sự tham dự của Tổng thống Philippines Benigno Aquino ở Hội chợ Xuất khẩu Trung Quốc – Châu Á hồi đầu tháng Chín. Cũng trong một sự kiện song song diễn ra ngày 3/9, Philippines công bố hình ảnh được cho là chụp ở bãi cạn Scarborough chỉ ra các cột bê tông mà Manila đã đổ tội rằng Bắc Kinh lên kế hoạch xây dựng các công trình trong tương lai ở đây. Sau đó, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã lên tiếng phủ nhận việc này, đồng thời gọi Philippines là “kẻ dối trá”.
Bãi cạn Scarborough, tâm điểm tranh chấp trên Biển Đông hiện nay, thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines nhưng hiện bị Trung Quốc chiếm đóng. |
Chính vì thế, trên bài báo của tờ Nhân dân Nhật báo, Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đưa ra những lời lẽ chỉ trích Philippines đang cố gắng làm ảnh hưởng đến “lợi ích hợp pháp” của nước này. Đồng thời, tờ báo đưa ra luận điểm cho rằng: “Theo tuyên bố (DOC) này, chúng ta cần phải nỗ lực để ký kết quy tắc ứng xử ‘trên cơ sở đồng thuận của các bên liên quan’. Philippines, bất chấp yêu cầu đồng thuận, đã quyết tâm áp đặt các điều kiện lên các nước ASEAN khác cũng như Trung Quốc nhằm phục vụ mục đích riêng và vị trí riêng của họ”.
Không chỉ dừng lại ở việc chỉ trích Philippines, Nhân dân Nhật báo thậm chí còn đưa ra “lời nhắc nhở” tới các quốc gia khác, cho rằng Trung Quốc đang bị mang tiếng oan, bị đổ lỗi đã gây ra tình trạng căng thẳng hiện nay trong khu vực, đồng thời có những luận điệu xem thường sự cố gắng của ASEAN nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các vấn đề Biển Đông.
“Mong đợi tiến tới mục đích nhất định bằng một tốc độ không đổi là không thực tế. Trước cuộc họp, các sự kiện đã được bóp méo để tạo ra quan điểm rằng Trung Quốc đang cố tình khiến cho các cuộc tham vấn bị thất bại, và Trung Quốc phải có trách nhiệm đối với bất kỳ sự thiếu tiến bộ nào trong các cuộc họp chung giữa các bên”, tờ báo viết.
“Hiện nay, vấn đề chính mà Trung Quốc phải đối mặt ở Biển Đông là một hành vi có thực trong thực tế. Một số quốc gia đang phá hủy mọi bầu không khí tích cực và can thiệp sâu vào quá trình tham vấn. Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy quá trình đàm phán, và sẽ tiếp tục trong tương lai để duy trì một cách tiếp cận tích cực đối với quy tắc ứng xử trong một tinh thần thiện chí”, tờ báo đưa ra lời kết luận.
Trên thực tế, Hội nghị thường niên Trung Quốc –ASEAN lần thứ 6 đã kết thúc với sự nhất trí của các bên về việc dần dần mở rộng sự đồng thuận, thu hẹp các bất đồng và tiếp tục thúc đẩy các chương trình nghị sự về COC. Trong khi các quốc gia Đông Nam Á đang cố gắng nỗ lực thông qua đối thoại và ngoại giao để giải quyết các vấn đề vướng mắc trong mối quan hệ với Trung Quốc ở Biển Đông thì báo chí trong nước Trung Quốc đã không hoàn toàn nhìn nhận câu chuyện dưới góc độ cởi mở cũng như thiếu tính khách quan.
Dù vậy, câu chuyện ASEAN, Trung Quốc và Biển Đông sẽ vẫn tiếp tục được đưa ra bàn thảo tại các hội nghị sắp tới và vẫn sẽ được thúc đẩy theo chiều hướng tiến bộ như các bên đã thỏa thuận.