Nhận biết các thể viêm họng
Viêm họng là từ cửa miệng của rất nhiều người dân, nhiều khi đến gặp bác sĩ, người bệnh đã tự nói tôi đến khám vì viêm họng. Thống kê cho thấy, tỷ lệ bệnh viêm họng rất cao, chiếm từ 40 - 65% dân số tùy theo từng vùng, miền, điều kiện sống và sinh hoạt. Đây là tình trạng niêm mạc họng bị viêm nhiễm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh đặc biệt hay gặp khi thời tiết chuyển mùa như hiện nay.
Viêm họng do nhiều nguyên nhân, vì vậy cần được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám để xác định đúng thể bệnh.
Vì sao lại hay bị viêm họng?
Họng là cửa ngõ của đường ăn và đường thở nên rất dễ nhiễm khuẩn. Họng có rất nhiều các tổ chức lympho. Tại một số vùng của họng, các tổ chức lympho tập trung lại thành từng đám gọi là các amiđan hay các hạnh nhân quây lại thành vòng bạch huyết Waldeyer bao gồm: amiđan vòm (V.A), amiđan vòi, amiđan khẩu cái (thường gọi tắt là amiđan), amiđan lưỡi và hạch Gillet.
Các amiđan này sản xuất ra các tế bào lympho T và B tham gia miễn dịch tế bào để bảo vệ cơ thể, trong đó quan trọng nhất là amiđan khẩu cái.
Tác nhân gây bệnh
Do virut (chiếm 60 - 80% các nguyên nhân gây bệnh); do vi khuẩn: thường gặp là phế cầu, Hemophilus Influenzae, tụ cầu và nguy hiểm nhất là liên cầu ß tan huyết nhóm A (khoảng 20%); do nấm: bình thường 70% nuôi cấy dịch họng có sự tồn tại của nấm, tuy nhiên trong những trường hợp cơ thể suy giảm sức đề kháng như dùng quá nhiều kháng sinh, dùng thuốc súc họng hoặc các thuốc xịt họng không đúng chỉ định, hội chứng suy giảm miễn dịch... khiến cho nấm trở thành tác nhân gây bệnh; do dị ứng: nguyên nhân do hội chứng trào ngược; tiếp xúc với các yếu tố vật lý, hóa học độc hại, làm việc trong môi trường bụi bẩn...
Nhận biết các thể viêm họng
Viêm họng cấp: đây là thể viêm họng điển hình, rất hay gặp trong mùa lạnh. Bệnh dễ lây khi tiếp xúc qua đường nước bọt hay dịch mũi, họng. Chẩn đoán viêm họng cấp dựa vào các triệu chứng toàn thân như cảm giác ớn lạnh, gai rét kèm theo đau mỏi người (khi viêm họng do virut); Hội chứng nhiễm khuẩn: sốt, môi khô, lưỡi bẩn (khi viêm họng do vi khuẩn). Các triệu chứng cơ năng: cảm giác khô họng, rát họng; đau họng, nuốt đau nhói lên tai; ho khan trong giai đoạn đầu sau đó ho có đờm; có thể kèm theo khàn tiếng (nếu quá trình viêm lan xuống họng thanh quản).
Khi thăm khám sẽ thấy niêm mạc họng đỏ, tăng xuất tiết. Nếu do vi khuẩn trên niêm mạc họng và amiđan sẽ có giả mạc màu trắng hoặc vàng xám bao phủ. Một số yếu tố nghĩ đến viêm họng do liên cầu ß tan huyết nhóm A: bệnh khởi phát đột ngột; sốt cao 30-40˚C; hạch dưới hàm cả hai bên; họng có mủ trắng bẩn ở khe, hốc amiđan hai bên; xét nghiệm máu thấy bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao; định lượng kháng thể kháng liên cầu trong máu bằng phản ứng ASLO tăng tỉ lệ chậm và không liên tục.
Viêm họng mạn tính: là tình trạng viêm họng kéo dài, thể hiện dưới 3 hình thức chính là xuất tiết, quá phát và teo. Thể điển hình là viêm họng mạn tính tỏa lan, viêm họng mạn tính khu trú gồm có viêm VA mạn tính và viêm amiđan mạn tính.
Nguyên nhân là do viêm mũi xoang mạn tính, đặc biệt là viêm xoang sau; yếu tố thuận lợi: tiếp xúc với khói bụi, các chất kích thích như: hơi hóa học, bụi vôi, bụi xi măng, thuốc lá, rượu...; do cơ địa: dị ứng, tạng khớp,... Chẩn đoán viêm họng mạn nếu dựa vào các triệu chứng toàn thân thường không có gì đặc biệt. Điển hình nhất là viêm họng mạn tính tỏa lan; cảm giác thường gặp nhất là khô họng, cay họng, ngứa và vướng họng.
Những cảm giác này rất rõ về buổi sáng lúc mới thức dậy. Bệnh nhân cố ho khạc, đằng hắng để làm long đờm; nuốt có cảm giác vướng và đau; ho húng hắng; giọng nói thay đổi: tiếng đục, đầy. Những bệnh nhân uống rượu, hút thuốc lá, hoặc nói nhiều thì các triệu chứng trên lại tăng thêm. Các thể viêm họng mạn tính:
Viêm họng sung huyết: bệnh nhân có cảm giác nóng cay trong họng kèm theo ngứa, ho cơn. Cơn ho thường xuất hiện lúc bắt đầu đi ngủ; Bệnh thường gặp ở những người suy gan, rối loạn dạ dày ruột, rối loạn nội tiết.
Viêm họng vận mạch: bệnh nhân thường có cảm giác họng bị sưng và khô, sau 5 - 10 phút cảm giác đó mất đi và thấy xuất tiết nhầy rất nhiều ở vùng vòm mũi họng. Bệnh nhân có cảm giác ù tai, chóng mặt, nhức đầu, đau sau gáy.
Viêm họng trong các bệnh khác: bệnh đái tháo đường: họng đỏ và khô; bệnh khớp: niêm mạc họng đỏ quá phát; trĩ mũi: niêm mạc họng teo, nhẵn khô và có vảy thối.
Về điều trị, nguyên tắc là cần tìm ra nguyên nhân gây bệnh; giải quyết các ổ viêm ở mũi xoang, amiđan; giải quyết sự lưu thông của mũi...
Lưu ý: viêm họng là bệnh thường gặp và như trên đã nói 60 - 80% là do virut, do vậy chỉ dùng kháng sinh nếu có bội nhiễm vi khuẩn theo chỉ định của bác sĩ.
TS. Phạm Thị Bích Đào/Nguồn SKĐS