Nhà đất khó bán, có thể xuất hiện giá ‘cắt lỗ’ 15-20%
Theo chuyên gia, thị trường bất động sản đang giảm giá nhẹ nhưng vẫn rất bán giao dịch. Hiện chưa xuất hiện tình trạng ‘cắt lỗ’, bán tháo nhưng dự đoán thời gian tới sẽ có cắt lỗ cỡ 15-20%
Chia sẻ với PV Infonet, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho hay, thị trường bất động sản hiện nay đang trong tình trạng lượng giao dịch giảm mạnh, người bán khó bán và người mua cũng thận trọng 'xuống tiền".
Theo ông Quang, giá bất động sản đang ở mức cao, sau khi nhà nước siết tín dụng bất động sản, siết trái phiếu bất động sản thì thanh khoản trên thị trường giảm mạnh. Giao dịch chậm, giá thực sự hiện đang giảm 3-5%.
Theo chuyên gia, thị trường bất động sản chưa xuất hiện tình trạng bán lỗ, bán tháo mà đang trong tình trạng khó bán, giá giảm |
“Nếu tình hình siết tín dụng bất động sản, siết trái phiếu bất động sản vẫn kéo dài thì thị trường bất động sản sẽ còn gặp nhiều khó khăn, giá bất động sản có khả năng giảm 10-15%”, ông Quang nhận định.
Theo vị chuyên gia này, hầu hết đầu tư bất động sản đều cần số tiền lớn, lúc nào cũng dính tới huy động vốn, vay vốn ngây hàng; khi nguồn này bị ‘cắt’ hay lãi suất tăng cao… sẽ ảnh hưởng rất lớn tới thị trường.
“Thị trường bất động sản sẽ đối mặt với khó khăn đến hết năm 2022 và có thể kéo dài hết quý 1/2023. Mặc dù khó khăn nhưng thị trường hiện nay vẫn chưa có xáo trộn nghiêm trọng, nhà đầu tư cũng đang âm thầm chịu đựng trong mức độ của mình. Thị trường chưa xuất hiện tình trạng bán lỗ, bán tháo mà mới chỉ khó bán, khó giao dịch và giá giảm nhẹ. Khi nào thị trường xuất hiện hiện tượng ‘cắt lỗ’ 15-20% thì lúc đó thị trường mới bắt đầu sụt giảm”, ông Quang cho hay.
Với tình hình thị trường như hiện nay, các nhà đầu tư sẵn vốn, không cần dùng tới đòn bẩy tài chính từ ngân hàng có nên ‘xuống tiền' đầu tư thời điểm này không?
Trả lời câu hỏi này của PV Infonet, ông Quang cho rằng: Nếu nhà đầu tư có vốn nhưng không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp thì nên chờ đợi thêm vài tháng nữa. Chờ đợi đến tháng 10, 11 mới quyết định được.
“Còn với những nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp, không bị động về vốn, không sử dụng vốn vay thì thời điểm này là cơ hội tốt khi dễ dàng lựa chọn một sản phẩm bất động sản hợp lý và có thể trả giá, mua được với giá giảm đến 10-15% lúc này”, ông Quang nói.
Cũng theo ông Quang, hiện nay, thị trường bất động sản các nơi hầu hết đều giao dịch chậm, nếu tiềm năng thì nên nghiên cứu mua những khu vực lân cận xung quanh TP Hồ Chí Minh là hợp lý. Và đất nền vẫn là kênh tài sản để dành, kênh trú ẩn trong 'mùa' lạm phát.
Tổng hợp số liệu từ Sở Xây dựng các địa phương có báo cáo, Bộ Xây dựng cho biết lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ có 69.079 giao dịch thành công. Trong đó, tập trung chủ yếu tại Hải Phòng, Long An, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Tổng lượng giao dịch bằng khoảng 340% so với quý 1/2022 và bằng khoảng 230% so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, tại miền Bắc có 15.223 giao dịch; tại miền Trung có 19.565 giao dịch; tại miền Nam có 34.291 giao dịch. Riêng tại tại Hà Nội có 1.317 giao dịch thành công; tại TP. Hồ Chí Minh có 8.284 giao dịch thành công.
Với phân khúc đất nền, lượng giao dịch thành công là 213.018. Tổng lượng giao dịch bằng khoảng 138,7% so với quý 1/2022. Cụ thể, tại miền Bắc có 39.451 giao dịch; tại miền Trung có 69.088 giao dịch; tại miền Nam có 104.479 giao dịch.
Một trong những chỉ đạo đáng chú ý của Bộ Xây dựng tới các địa phương mới đây, đó là cần có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, phân lô, bán nền tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng. Chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.
Minh Thư
Bỏ khung giá đất, không lo giá nhà tăng
Có lo ngại khi bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường khiến chi phí đầu vào của dự án bất động sản tăng thì giá bán nhà sẽ tăng cao…