Nhà báo người Rumani lên tiếng về tình hình Biển Đông
Nhà báo Cristian Toma thăm bảo tàng về Hải đội Hoàng Sa. |
Lần đầu tiên đến thăm Việt Nam, đặc biệt vào dịp Việt Nam đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2916), được tiếp xúc với bạn bè trong giới báo chí tại VTV4 và VTC10, nhà báo người Rumani Cristian Toma bày tỏ, mặc dù đã có thời gian nghiên cứu và viết về Việt Nam, nhưng khi tận mắt chứng kiến, ông không khỏi ngạc nhiên về vẻ đẹp của đất nước, con người nơi đây, đặc biệt là những thành tựu về kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam.
Ông Cristian Toma nhận định, sự kiện 30/4/1975 đánh dấu một bước ngoặt lịch sử không chỉ của Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, mở ra một kỷ nguyên hòa bình, thống nhất cho các quốc gia bị xâm lược, đang khao khát độc lập, chủ quyền. Việt Nam hôm nay, sau 41 năm hoàn toàn độc lập đã vươn lên trở thành một quốc gia có vị thế quan trọng trên thế giới, một đất nước đang phấn đấu để phát triển, hội nhập.
Di sản, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp thu, áp dụng linh hoạt trong quá trình phát triển này. Trong bài “Việt Nam - sau 41 năm độc lập”, được viết và đăng ngay trong thời gian thăm Việt Nam, nhà báo người Rumani đã viết, “Là một quốc gia yêu hòa bình, Việt Nam đã bỏ lại phía sau chiến tranh và tất cả những đau thương, mất mát, giờ đây họ đang đặt niềm tin vào tương lai và tôn vinh biểu tượng của dân tộc: Hồ Chí Minh!”
Nhà báo làm việc với VTV4 |
Nhà báo Cristian Toma cũng cho biết, trong thời gian ở Việt Nam, ông đã có cơ hội thăm nhiều danh thắng, địa điểm du lịch tại Việt Nam, song ông đặc biệt ấn tượng khi thăm đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi, Bảo tàng hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa trên đảo Lý Sơn, bày tỏ sự khâm phục đối với Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giữ nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Hiện nay, khu vực Biển Đông là điểm nóng, thu hút sự quan tâm lớn của quốc tế. Các nước lớn đang gia tăng các hoạt động quân sự, gây sức ép lên các nước có chủ quyền, đe dọa tới hòa bình và ổn định trong khu vực.
Ông cho rằng vấn đề Biển Đông cần được giải quyết thông qua đối thoại, trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và tôn trọng chứng cớ lịch sử. Đồng thời, cộng đồng quốc tế cần có tiếng nói, hành động cụ thể hơn nữa trong vấn đề Biển Đông để bảo vệ an ninh hàng hải cũng như sự phát triển bền vững trong khu vực.