Nguyên nhân chủ quan khiến Trung Quốc không thể vượt Mỹ
Khi trao đổi với phóng viên trang Sohu, bà Margaret Bogenrief, chuyên gia của Công ty tư vấn quản lý rủi ro ACM partners cho rằng, Trung Quốc không thể vượt được Mỹ. Theo chuyên gia này, Trung Quốc đang gặp phải 5 vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của Trung Quốc.
Tham ô tham nhũng
Bà Bogenrief cho rằng, khi bàn đến sự nổi lên của Trung Quốc, đa số mọi người đều xem nhẹ hoặc bỏ qua vấn đề tham ô tham nhũng trong hệ thống kinh tế và chính trị Trung Quốc.
Cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai sắp bị đưa ra xét xử do có nhiều sai phạm nghiêm trọng |
Theo thống kế của Sohu, 5 năm trở lại đây (tính từ 11/2007 đến 6/2012), cơ quan kiểm tra kỉ luật các cấp tại Trung Quốc đã tiến hành điều tra hơn 640 nghìn vụ việc, xử lý kỷ luật hơn 660 nghìn quan chức, trong đó có 24.000 quan chức bị cơ quan tư pháp điều tra xử lý. Ngay sau đại hội toàn quốc Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, có 29 quan chức bị điều tra, trong đó 20 người bị cách chức gồm cả quan chức cấp tỉnh, cấp bộ.
Bà Bogenrief cho rằng, tham ô tham nhũng khiến giá thành các sản phẩm tại Trung Quốc ngày càng cao lên, kinh tế Trung Quốc sẽ ngày càng ảm đạm.
Tỉ trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng quá lớn
“Xây dựng cơ sở hạ tầng”, đó là từ duy nhất có thể mô tả sự tăng trưởng của Trung Quốc trong thế kỉ 21 này.
Tỉ trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc quá lớn |
Đầu tư vào tài sản cố định, một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá mức chi cho xây dựng cơ sở hạ tầng, tại Trung Quốc năm 2012 tăng 20,6% so với năm 2011, lên đến 36.500 tỉ Nhân dân tệ, riêng một dự án đường sắt đã có mức đầu tư lên đến cả nghìn tỉ Nhân dân tệ.
Hiện nay, tỉ trọng đầu tư xây dựng hạ tầng tại Trung Quốc chiếm trên 70% GPD, vượt xa mức đầu tư tại Nhật Bản và Mỹ.
Xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có nhiều biến động lớn, viễn cảnh không tăng trưởng chẳng còn quá xa.
Mạnh tay cho vay tín dụng
Bữa tiệc đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ khiến Trung Quốc trả giá đắt. Việc đầu tư hạ tầng tại Trung Quốc thường do chính quyền địa phương cho vay đầu tư với hình thức góp vốn. Qua một số nghiệp vụ kế toán, con số vay cụ thể bị che đậy, bưng bít. Trên thực tế, việc đầu tư xây dựng hạ tầng của Trung Quốc nhiều năm qua cho thấy, chính quyền địa phương đang ngồi trên miệng núi lửa của nợ tín dụng. Một khi núi lửa phun trào, khi tỉnh giấc mộng kê vàng, Trung Quốc phải mất hàng chục năm mới giải quyết hết hậu quả.
Chưa giàu đã già
Không lâu nữa Trung Quốc sẽ phải đối mặt với vấn đề dân số già, một nguyên nhân làm kinh tế Trung Quốc suy giảm.
Tốc độ để Trung Quốc giàu mạnh lên không bắt kịp tốc độ già đi của dân số |
Chính sách “sinh một con” của Trung Quốc khiến nước này tự vướng vào cảnh “tỉ lệ sinh thấp”. Dân số Trung Quốc dự tính đạt mức cao nhất vào năm 2026, sau đó sẽ giảm nhanh. Trong khi đó dân số Mỹ sẽ tăng 40% trong 40 năm tới.
Theo tính toán của các chuyên gia, đến năm 2050, độ tuổi trung bình của dân số Trung Quốc là 49, cao hơn của Mỹ là 10 tuổi. Điều đó cho thấy, tốc độ để Trung Quốc giàu mạnh lên không bắt kịp tốc độ già đi của dân số. Hậu quả là để lại gánh nặng cho hệ thống bảo trợ xã hội.
Ngoài ra, từ năm 2013 đến năm 2050, số người ở độ tuổi lao động Trung Quốc sẽ giảm 11%, từ 72% xuống còn 61%. Cho dù lực lượng lao động hiện nay của Trung Quốc có đông đảo đến đâu, nhưng số liệu trên cho thấy mức sụt giảm nghiêm trọng trong tương lai.
Trung Quốc không biết chấp nhận thất bại
Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nước Mỹ luôn ứng phó tốt trước các nguy cơ sụp đổ của các ngành nghề, trước những tổn thất, thiệt hại về kinh tế và tài chính do khủng hoảng này gây ra. Người Mỹ biết cách đúc kết kinh nghiệm để tiếp tục tiến lên.
Hay như lĩnh vực gang thép, từ năm 1940 đến 1970, ngành gang thép của Mỹ luôn phát triển mạnh mẽ, nhưng sau này thì sụt giảm thê thảm. Đến năm 2001, Mỹ chấp nhận rằng, số lao động làm việc tại ngành gang thép cũng như tỉ trọng đóng góp của ngành này trong nền kinh tế không đến nổi 0,1%.
Là một quốc gia có nền kinh tế chịu sự khống chế của nhà nước, do lo sợ xã hội xảy ra biến động lớn, Trung Quốc không đủ năng lực và ý chí như của Mỹ để một số ngành nghề có thể chấp nhận sự chuyển đổi đầy khó khăn như vậy. Chính vì lẽ đó, Trung Quốc có quá nhiều công ty được hưởng nguồn vốn và chính sách ưu đãi, nhưng không thể tạo ra lợi ích tương ứng, thậm chí không tạo ra lợi nhuận.