Nguy cơ đột quỵ tăng khi trời lạnh
Ông Nguyễn Văn Thông, 82 tuổi ở Nguyễn Khắc Cần (Hà Nội) sáng nào cũng có thói quen dậy sớm tập thể dục, tưới cây và quét nhà cửa trước khi vào ăn sáng. Mấy hôm trời rét đậm, dù không ra ngoài nhưng ông Thông vẫn để hé cửa và tập thể dục trong nhà. Vừa kết thúc bài thể dục, đang định vào đánh răng thì ông Thông thấy người nôn nao, khó chịu, chân tay bủn rủn. Ông được các con dìu vào giường nằm và sau đó đưa vào Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân đội 108 do có các biểu hiện huyết áp tăng cao, hơi méo mồm và liệt nửa người bên trái.
Tại đây, ông được các bác sĩ chẩn đoán bị đột quỵ qua giờ vàng thứ 6 do huyết áp cao trong thời tiết lạnh. Ông được điều trị tích cực trong 7 ngày và đã hồi phục một phần, ý thức tỉnh táo, cử động được nhưng tay trái yếu rất khó cử động.
Thời gian qua, thời tiết miền Bắc rét đậm rét hại là một nguyên nhân góp phần khiến tỷ lệ chảy máu não tăng lên. Lý do bởi trời lạnh làm thay đổi nhiệt độ đột ngột, các mạch máu ngoại vi co lại, dồn máu vào các tạng và trên não, gọi là hiện tượng trung tâm hóa tuần hoàn, dẫn tới tình trạng huyết áp tăng vọt, đặc biệt là áp lực tại mạch máu não tăng cao đột ngột gây ra xuất huyết não.
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam ghi nhận thêm khoảng 200.000 ca đột quỵ mới, 80% trong đó là người bị tăng huyết áp. Có gần 40% không biết bệnh, 69% không được kiểm soát. Cơ chế gây bệnh là khi huyết áp tăng, nhất là khi trời lạnh, lực tác động của máu lên thành động mạch cao hơn mức cần thiết. Lâu ngày, mạch máu bị tổn thương, không đàn hồi tốt nữa. Mạch có thể bị vỡ khi cục máu đông dồn ép, gây xuất huyết. Đặc biệt, khi nhiệt độ giảm cũng khiến máu dễ đông lại, dính hơn làm tăng khả năng hình thành cục máu đông gây cản trở lưu thông máu lên não, dẫn đến nguy cơ đột quỵ.
Theo Hội phòng chống tai biến mạch máu não, tại Việt Nam, đột quỵ đứng thứ ba về nguyên nhân gây tử vong sau bệnh lý tim mạch, ung thư và dẫn đầu trong các nguyên nhân gây nên tàn tật. Việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời, bảo vệ sức khỏe trong những ngày thời tiết lạnh là chìa khóa vàng để phòng tránh đột quỵ.
Bác sĩ Ngô Thanh Hải, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội cho biết, đột quỵ có thể phòng ngừa được nếu vận động cơ thể và tập thể dục thường xuyên; giữ chế độ ăn uống đúng mức để tránh béo phì; hạn chế rượu, bia; tránh hút thuốc lá. Trong mùa đông, để phòng tránh đột quỵ, không nên ra lạnh đột ngột. Buổi sáng, khi tỉnh giấc, không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng từ 3 -5 phút để cơ thể dần thích nghi. Cần điều trị tốt bệnh tăng huyết áp, phòng và điều trị tiểu đường, khắc phục tình trạng tăng cholesterol.
Thời gian từ khi xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ đến khi bắt đầu điều trị là cực kỳ quan trọng. Đây được gọi là “thời gian vàng” quyết định sự sống của người bệnh cũng như hạn chế tối đa tổn thương não. Thời gian vàng trong đột quỵ não là 3 đến 4,5 giờ kể từ khi khởi phát dấu hiệu đột quỵ, người bệnh được đưa đến cơ sở y tế càng sớm thì tỉ lệ tử vong và di chứng nặng sẽ càng giảm.
Để phòng tránh đột quỵ trong mùa lạnh, các bác sĩ khuyến cáo cần kiểm soát các bệnh lý nền, kiểm soát tốt huyết áp, theo dõi các chỉ số huyết áp thường xuyên, uống thuốc huyết áp theo chỉ định, kiểm soát mỡ máu. Đồng thời người dân cần giữ ấm cơ thể khi ra ngoài trời lạnh, không nên dậy tập thể dục quá sớm; không dùng các chất kích thích như thuốc lá rượu bia; ăn uống với chế độ dinh dưỡng hợp lý. Những người trung niên, cao tuổi nên khám sức khỏe định kỳ để được tư vấn dự phòng đột quỵ. Khi thấy người thân có một trong các triệu chứng đột quỵ, người nhà cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất có đủ phương tiện, kỹ thuật, chuyên môn để cấp cứu, điều trị kịp thời.
Ngọc Yến