Người vợ bị chồng buộc xích vào cổ vén màn góc khuất xã hội Trung Quốc
Góc khuất xã hội Trung Quốc hé lộ sau sự việc người vợ tâm thần bị chồng bắt nhốt và buộc xích vào cổ trong túp lều tồi tàn bị phanh phui.
Hình ảnh người phụ nữ bị tâm thần mang họ Yang sinh sống ở ngôi làng của huyện Phong thuộc tỉnh Giang Tô bị chính người chồng “giam cầm” trong một căn lều với điều kiện sống tồi tàn chỉ được ăn ít thức ăn, quần áo mỏng dưới nền nhiệt 0 độ C và còn bị buộc xích sắt vào cổ khiến dư luận Trung Quốc bị sốc.
Đối với nhiều người dân Trung Quốc, hình ảnh người mẹ 8 con bị đối xử tồi tệ ngay trong gia đình mình đã gợi lại cho họ những ký ức đau buồn và là góc khuất trong xã hội về nạn buôn bán và bạo hành phụ nữ đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
Góc khuất xã hội Trung Quốc được vén màn sau vụ việc người vợ bị chồng bắt nhốt và buộc xích vào cổ bị phanh phui. (Ảnh: SCMP) |
Sau nhiều lần phủ nhận, hôm 10/2, chính quyền địa phương đã thừa nhận khả năng bà Yang là nạn nhân của tình trạng buôn người. Các nhà nhân khẩu học nhấn mạnh hoàn cảnh khốn cùng của bà Yang phản ánh sự phức tạp của hôn nhân ở nông thôn Trung Quốc, nơi những hủ tục đến nay vẫn được duy trì như mỗi gia đình phải sinh con trai để nối dõi, cùng tác động của chính sách một con được thi hành hàng thập niên dẫn tới hậu quả mất cân bằng giới nghiêm trọng.
“Tình trạng hàng chục triệu đàn ông ế vợ do hậu quả của chính sách một con cho tới này vẫn chưa thể giải quyết”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Yi Fuxian, nhà nhân khẩu học kiêm nhà khoa học cấp cao tại Đại học Wisconsin-Madison cho hay.
Chính sách một con được thi hành nghiêm ngặt ở Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 1979 – 2016 khiến hàng triệu gia đình phải bỏ thai nhi là con gái để sinh con trai.
Kể từ năm 1980, số lượng nam giới nhiều hơn nữ giới ở Trung Quốc đã đạt con số hơn 30 triệu người.
Số liệu thông kế 7 năm liên tiếp được Trung Quốc công bố hồi năm 2021 cũng cho thấy trong độ tuổi từ 20 – 40, số lượng nam giới ở nước này nhiều hơn nữ gới là 17,52 triệu người.
“Trong giai đoạn bình thường, mức chênh lệnh giới tính khi sinh ở Trung Quốc đã là 106 bé trai/ 100 bé gái”, ông Jiang Quanbao, Giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Xian Jiaotong cho rằng, 7 triệu trong tổng số 17,52 triệu nam giới nhiều hơn nữ giới là kết quả của tình trạng chọn lọc giới tính thai nhi.
Tư tưởng muốn sinh con trai đã ăn sâu vào suy nghĩ của người dân Trung Quốc khi họ cho rằng chỉ có con trai mới nối dõi gia tộc và đem lại giá trị kinh tế nhiều hơn so với con gái.
Phó Giáo sư Jin Yongai tại Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển thuộc Đại học Renmin cho hay, chính mong muốn sinh con trai đã dẫn tới ngày càng có nhiều “bé gái bị mất tích” ở Trung Quốc.
“Mức chênh lệch giới tính khi sinh ở Trung Quốc đã bắt đầu tăng nhanh kể từ cuối những năm 1980 và sau 20 năm, tình trạng này đã tác động rất lớn tới thị trường kết hôn”, ông Jin nói.
Kinh tế trưởng của Nomura tại Trung Quốc là ông Ting Lu nhận định tình trạng trên sẽ còn diễn biến xấu hơn trong thời gian tới.
“Theo những số liệu chính thức được công bố, tỷ lệ chênh lệch giữa nam và nữ trong độ tuổi từ 20 – 30 sẽ là 122:100 trong vòng 10 năm tới”, ông Lu nhấn mạnh.
Một vấn đề khác làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân bằng giới tính ở khu vực nông thôn chính là sự rời đi của phụ nữ. Cụ thể, kể từ khi chính phủ Trung Quốc cho xóa bỏ các quy định hạn chế về hoạt động di cư trong thập niên 80, số lượng lớn phụ nữ nông thôn đã quyết định di chuyển tới các thành phố hoặc khu vực giàu có để học tập, làm việc và kết hôn.
Theo truyền thống, phụ nữ Trung Quốc có xu hướng cưới nam giới có địa vị kinh tế và xã hội cao để tới các khu vực thành phố sinh sống, còn nam giới cưới bạn đời có địa vị thấp hơn. Kết quả là những người đàn ông ở tầng lớp thấp hơn trong xã hội nhất là ở các khu vực nghèo khó rơi vào cảnh không tìm được vợ.
Ngay cả những người phụ nữ ở Trung Quốc chưa kết hôn sau 27 tuổi và thường bị gọi là “shengnu” (tạm dịch: phụ nữ thừa thãi) cũng khẳng định bản thân không vì thế mà vội vàng tiến tới kết hôn. Đáng nói, gần một nửa “shengnu” là những phụ nữ trẻ mà đa số họ có học thức cao và sinh sống ở các thành phố của Trung Quốc.
Theo một cuôc khảo sát được tiến hành vào năm 2020 tại 5 ngôi làng ở tỉnh Sơn Đông, nhiều lý do đã được nam giới và nữ giới đưa ra để giải thích lý do họ vẫn độc thân thay vì kết hôn. Trong đó, phần lớn nam giới cho biết “sự mất cân bằng giới tính cực lớn và điều kiện kinh tế eo hẹp” là nguyên nhân khiến họ không thể tìm được bạn đời để kết hôn. Với phụ nữ, lý do chưa thể kết hôn là “kỳ vọng cao ở đối tác”.
Cũng theo cuộc điều tra, nam giới chịu ảnh hưởng cả về thể chất và tinh thần nhiều hơn so với nữ giới khi không thể kết hôn.
Chính quyền tỉnh Sơn Đông còn cảnh báo mất cân bằng giới tính có thể dẫn tới hậu quả là buôn bán phụ nữ.
Đàn ông Trung Quốc khó tìm được bạn gái để kết hôn do tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng. (Ảnh: BBC) |
Mức xử phạt quá nhẹ
Sau khi vấp phải sự chỉ trích lớn từ mạng xã hội, chính quyền huyện Phong và thành phố Từ Châu thuộc tỉnh Giang Tô đã đưa ra 4 băn bản. Trong số này, 3 văn bản phủ nhận chuyện bà Yang là nạn nhân của nạn buôn người, nhưng một văn bản cho rằng khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra.
Hôm 7/2, trong văn bản ban hành lần thứ 3, chính quyền thành phố Từ Châu cho hay bà Yang sinh sống ở tỉnh Vân Nam và tới Giang Tô cùng với một người phụ nữ sinh sống cùng làng mang họ Sang vào năm 1996. Tuy nhiên, hai người đã bị lạc mất nhau tại nhà ga khi vừa đặt chân tới Giang Tô.
Tới ngày 10/2, chính quyền địa phương thông báo bà Sang và chồng của bà Yang đã bị bắt giữ trước cáo buộc phạm tội buôn người. Trước đó, chồng của bà Yang bị bắt giam vì tội giam giữ người trái phép.
Trả tiền để mua vợ là chuyện từng phổ biến ở khu vực nông thôn Trung Quốc và ở tỉnh Giang Tô, nơi huyện Phong tọa lạc, do tình trạng mất cân bằng giới rất lớn xảy ra trong những năm 1980 – 1990.
“Vào năm 1988 những khu vực như huyện Phong, mỗi ngôi làng có ít nhất hàng chục cô vợ được mua từ những tỉnh phía nam”, ông Luo Zhenzhong, cựu công tố viên phụ trách các vụ án buôn người ở tỉnh Giang Tô vào thập niên 80 cho hay.
Ông Luo nói thêm, những người vợ cố bỏ trốn thường bị bắt lại và đánh đập thậm tệ.
“Họ bị đánh rất dã man, tôi không muốn nhắc lại và mô tả lại những ký ức đau buồn đó”, ông Luo, người đang làm việc trong ngành luật ở thành phố Thâm Quyến nói.
Hành vi mua vợ đã bị hình sự hóa ở Trung Quốc kể từ năm 1997 và đối tượng vi phạm có thể phải ngồi tù 3 năm.
Song nhiều chuyên gia luật đặt câu hỏi về tính nghiêm trị của luật pháp. Bởi theo Giáo sư Luo Xiang tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, hành vi buôn bán động vật hoang dã quý hiếm và được bảo tồn đã có thể phải ngồi tù 5 năm, nhưng tội mua vợ lại chỉ bị giam 3 năm.
Người mẹ 8 con nghi bị chồng bạo hành, buộc dây xích vào cổ trong căn lều tồi tàn
Người mẹ 8 con sống trong căn lều tồi tàn, mặc quần áo mỏng trong khi nhiệt độ xuống dưới 0 độ C và còn bị chồng buộc xích vào cổ.
Minh Thu (lược dịch)