Người Việt ở Trường Sa, Hoàng Sa từ thời Lý, Trần
Theo báo Thái Nguyên, trong Hội nghị thông báo “Những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 49” năm 2014 vừa qua, các nhà khoa học Việt Nam và thế giới đã công bố nhiều kết quả khảo cổ mới có tính thuyết phục. Theo đánh giá của các chuyên gia, khảo cổ học liên quan tới chủ quyền lãnh thổ năm qua thu được nhiều thành tựu, đó là những phát hiện về chủ quyền ở Trường Sa, Hoàng Sa và những phát hiện liên quan đến chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3 của nhà Trần.Những mảnh sứ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn
Tháng 6 vừa qua, đoàn công tác do Viện Khảo cổ chủ trì đã tiến hành thám sát, khai quật ở một số đảo trong quần đảo Trường Sa. Cuộc khai quật đã phát hiện nhiều hiện vật quan trọng khẳng định sự xuất hiện của người Việt trên quần đảo này từ rất sớm.
Đoàn công tác đã khảo sát trên các đảo: Trường Sa Lớn, Phan Vinh, Sơn Ca, Nam Yết (thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Đoàn khảo cổ đã thu được nhiều hiện vật quan trọng như: 1 mảnh bát thời Trần, 2 mảnh gốm men trắng vẽ lam thời Lê và nhiều mảnh sành thuộc thế kỷ 18 - 19, 4 mảnh gốm thô từ thời tiền sử, 1 men trắng vẽ lam thời Lê và một số mảnh sành thế kỷ 18...
Theo TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học “Những hiện vật thu được lần này khẳng định lại kết quả các đợt khảo sát khai quật năm 1993, 1994, 1995 và 1999. Cụ thể năm 1995, chúng tôi khai quật 70 m2 ở Trường Sa đã phát hiện dấu vết của những cư dân sơ sử ở Trường Sa cùng những mảnh sứ sành của người Việt thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Những dấu tích khảo cổ, kết hợp với tư liệu Hán Nôm, tư liệu lịch sử, đã khẳng định sự có mặt sớm và liên tục của người Việt ở Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền và việc thực thi chủ quyền liên tục của người Việt với hai quần đảo này và Biển Đông”.
“Chúng tôi đang chỉnh lý, hoàn thiện báo cáo để gửi các cấp có thẩm quyền. Sau đó, sẽ tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu khảo cổ học dưới nước ở Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời, quy hoạch khảo cổ học ở Trường Sa để bảo vệ những “bằng chứng thép” về chủ quyền biển đảo ngàn đời của dân tộc”, TS Bùi Văn Liêm cho biết thêm.
Điểm dừng chân quan trọng của hàng hải quốc tế
Bà Nishio Noriko, vợ của TS Nishimura (nhà khảo cổ học người Nhật Bản không may gặp tai nạn và qua đời tại Việt Nam tháng 6/2013) cho biết, bà cùng một nhóm các nhà khảo cổ học Nhật Bản đã tiếp tục nghiên cứu về con tàu đắm ở Bình Châu (Quảng Ngãi) - con tàu mà chồng bà đang nghiên cứu dang dở, với mong muốn tiếp tục con đường khoa học về văn hóa biển Việt Nam.
Theo bà Noriko, khi còn sống, TS Nishimura cho rằng di sản văn hóa tàu đắm ở Bình Châu là rất quan trọng, đặc biệt là hệ thống hiện vật. Từ năm 2011 cho đến khi gặp nạn và qua đời, TS Nishimura đã đến tỉnh Quảng Ngãi nhiều lần để nghiên cứu tài liệu, nghiên cứu về nguồn gốc con tàu, hải trình dự kiến của tàu, làm rõ nơi sản xuất của hiện vật… nhằm hình thành một hệ thống tài liệu về hàng hải qua biển Việt Nam, cũng như các thương cảng Việt Nam ở thế kỷ 9 (thời điểm ước đoán con tàu bị đắm).
TS Nguyễn Việt, người đã có nhiều năm nghiên cứu về tàu đắm ở vùng biển Bình Châu, đánh giá, việc nghiên cứu con tàu đắm của TS Nishimura rất quan trọng, góp phần vào nhìn nhận lịch sử tàu thuyền thế giới. “Theo tôi, qua cách đóng tàu này có thể dự đoán xuất xứ của nó từ vùng Arab, qua các chữ viết trên các bình gốm cho thấy nó xuất phát từ một cảng tương đối cụ thể ở Vịnh Ba Tư”, TS Nguyễn Việt cho biết.
Theo TS Nguyễn Việt, sự xuất hiện của con tàu đắm đến từ một nơi rất xa, cùng những hiện vật mà Nishimura và cộng sự sưu tập được, có thể chứng minh rõ ràng vùng cửa biển Sa Kỳ ở thế kỷ 9 - 10 rất tấp nập. Và Quảng Ngãi là một chặng dừng tốt để lấy nước ngọt cũng như buôn bán lâm thổ sản của các thuyền buôn quốc tế. Các phát hiện khảo cổ đã cho thấy,Việt Nam là điểm dừng quan trọng trên con đường hàng hải quốc tế với những thương cảng nức tiếng khác ở khu vực Vân Đồn, Sầm Sơn, cửa sông Lam, Óc eo, Phù Nam, Cù Lao Chàm…