Thương mại điện tử bùng nổ, doanh nghiệp tăng mạnh doanh thu từ kinh doanh online
Theo báo cáo kết quả kinh doanh tháng 8 năm 2022 của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), tổng doanh thu của công ty tăng 60% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, doanh thu online luỹ kế 8 tháng đầu năm của Thế Giới Di Động tăng trưởng 71% so với cùng kỳ, chiếm 14% tổng doanh thu của Thế Giới Di Động. Trong đó, tỷ trọng đóng góp doanh thu của kênh online đối với chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh là 17%, Bách Hoá Xanh là 3%.
Sự bùng nổ của hoạt động thương mại điện tử đã giúp các doanh nghiệp gia tăng đáng kể doanh thu từ mảng kinh doanh online.
Trao đổi với PV Infonet, đại diện một chuỗi cửa hàng kinh doanh điện thoại tại Hà Nội cho biết, doanh thu online mỗi tháng của chuỗi cửa hàng không dưới 5 tỷ đồng, cho dù cả người mua và người bán đều không biết rõ người giao hàng là ai.
Không chỉ đối với mặt hàng điện tử, ngay cả mặt hàng truyền thống như trang sức, đồng hồ cũng đã chú trọng hơn trong kênh giao dịch online.
Ông Nguyễn Trần Phi Long – Giám đốc Marketing bán lẻ, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho biết: “Dù là mặt hàng có giá trị lớn, có những đơn hàng lên đến hàng chục triệu đồng nhưng PNJ vẫn thực hiện giao dịch online một cách bình thường”.
Điều này chứng minh rằng khách hàng giờ đây đã tin tưởng vào thương mại điện tử. Đó là câu chuyện niềm tin của người tiêu dùng vào thương mại điện tử. Khi khách hàng có niềm tin thì họ sẵn sàng thanh toán trước cho đơn hàng.
Đại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, trong quý 3/2021, lượng khách hàng mua sắm trực tuyến ngày càng tăng, các đơn hàng trực tuyến thậm chí tăng cao hơn 3-5 lần so với trước đây.
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, Hapro và BRG Retail đã chủ động tăng khoảng 300% lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu giúp đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định cho người dân. Đồng thời hệ thống BRGMart và Haprofood/BRGMart cũng nhanh chóng triển khai phương thức bán hàng đa kênh như nhận đặt hàng qua app mua sắm trực tuyến BRG shopping, hotline, fanpage, dịch vụ giao hàng tại nhà… Thông qua đó doanh thu bán hàng trực tuyến cũng tăng theo.
Báo cáo thường niên SYNC Đông Nam Á của Meta và Bain & Company về kinh tế số và tương lai của thương mại điện tử tại khu vực vừa công bố cho thấy: Tại Việt Nam, gần 8/10 dân số hiện là người tiêu dùng kỹ thuật số. Đóng góp trung bình của thương mại điện tử vào tổng bán lẻ tăng 15% trong năm qua, với tỷ trọng trực tuyến trên tổng bán lẻ là 6%.
Tổng lượng hàng hóa của Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 10 tỷ đô la Mỹ năm 2021 lên 12 tỷ đô la Mỹ vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dự kiến tăng 28% từ năm 2022 đến năm 2027.
Ông Khôi Lê- Giám đốc quốc gia thị trường Việt Nam của Meta cho biết, "các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể vươn lên mạnh mẽ nếu tập trung đi đúng hướng, xây dựng chiến lược kênh tích hợp, linh hoạt chuỗi cung ứng và ứng dụng các công cụ và công nghệ mới để tương tác với người tiêu dùng kỹ thuật số”.
Sau đại dịch, nhiều danh mục mua sắm nhất định vẫn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn “chốt đơn" online, cho thấy mua sắm trực tuyến tiếp tục đóng vai trò là một kênh quan trọng đối với người mua sắm kỹ thuật số trong nước. Trong giai đoạn khám phá, 84% người mua sắm Việt Nam xem trực tuyến là kênh truy cập của họ để duyệt và tìm các mặt hàng.
Có thể thấy, đại dịch Covid-19 cùng những yêu cầu về giãn cách, phong tỏa, hạn chế tiếp xúc đã làm doanh nghiệp và người tiêu dùng quan tâm hơn đến mua sắm trực tuyến. Người dân đã thay đổi thói quen mua sắm là chuyển từ mua hàng truyền thống sang mua sắm trực tuyến.
Theo Sách trắng thương mại điện tử năm 2021, tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến đã tăng từ 77% trong năm 2019 lên 88% trong năm 2020. Đặc biệt các kênh mua sắm trực tuyến lớn của Việt Nam như Lazada, Shopee, Sendo.vn, winmart.vn, Tiki, FPT Shop, Nguyenkim.com, Chotot.com, Rongbay.com, Vatgia.com, Thegioididong.com… liên tục có sự tăng trưởng mạnh từ đầu năm đến nay.
Tuân Nguyễn