Người thanh niên "cùng ăn, cùng ngủ" với loài côn trùng này, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng
Gần 10 năm gắn bó với loài dế, có thể nói là "cùng ăn, cùng ngủ" với nó, cuối cùng người thanh niên tên Cao Văn Đoàn ở Bình Dương cũng thành công nhờ mô hình nuôi dế, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng.
Gần 10 năm gắn bó với nghề nuôi dế, anh Cao Văn Đoàn, ấp 9, xã An Linh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương đã gặt hái được nhiều thành quả. Không chỉ làm giàu cho gia đình từ trang trại dế, anh Đoàn còn tạo việc làm cho lao động tại địa phương.
Anh Cao Văn Đoàn, ấp 9, xã An Linh, huyện Phú Giáo, chia sẻ: “Một số bạn bè đầu tư nuôi bọ cạp thấy thú vị, dễ nuôi, thị trường đang có nhu cầu thu mua để làm thương phẩm, làm dược liệu, chế biến các món ăn độc đáo, tôi chạy vạy vay mượn anh em họ hàng, bà con lối xóm được chút ít tiền đầu tư nuôi bọ cạp”.
Cũng theo anh Cao Văn Đoàn, qua quá trình nuôi thử nghiệm, nhận thấy nếu mở rộng đầu tư nuôi bọ cạp thì đòi hỏi vốn lớn, hiệu quả kinh tế không cao do năng suất thấp. Ý tưởng khởi nghiệp bị thất bại, anh từ bỏ nghề nuôi bọ cạp và chuyển sang nghề nuôi dế.
Tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng với ý chí, bản lĩnh dám nghĩ dám làm, chàng thanh niên Cao Văn Đoàn vẫn không chịu từ bỏ ý tưởng khởi nghiệp, làm chủ kinh tế trang trại. Thêm một lần nữa, anh quyết tâm khôi phục lại sự nghiệp từ nghề nuôi dế.
Qua tìm tòi kỹ thuật nuôi dế trên các trang mạng internet, học hỏi kinh nghiệm từ những người bạn, anh vay thêm tiền ngân hàng, mở rộng trang trại nuôi dế trên diện tích 1ha, với khoảng 1.500 thùng nuôi dế thịt và dế đẻ trứng.
Quả thật, có gian nan thử thách mới có thành công, bước đầu thử nghiệm nuôi dế, anh đã có nguồn thu nhập ổn định, không chỉ bảo đảm trang trải cuộc sống gia đình mà còn có tiền để trả nợ ngân hàng, trả lương cho nhân công.
Anh Cao Văn Đoàn cười vui tâm sự: “Nuôi dế không khó, chỉ cần môi trường râm mát, sạch sẽ, dế sinh sôi và sinh trưởng rất nhanh. Hàng ngày chỉ cần dọn chuồng trại sạch sẽ, dế ít khi bị bệnh. Tuy nhiên, người nuôi dế phải hết sức cẩn thận khi cho dế ăn uống để phòng dế bị bệnh đường ruột. Nếu con dế nào bị mắc bệnh thì không có thuốc gì để chữa trị, bởi vậy phát hiện con dế nào bị bệnh thì phải loại bỏ, tránh nguồn bệnh lan rộng”.
Anh Cao Văn Đoàn cho biết thêm nguồn thức ăn của dế chủ yếu là bột cám cho gia súc gia cầm hoặc lá cây khoai mì tươi. Dế sinh sôi nảy nở rất nhanh vào mùa mưa và chậm vào mùa nắng nóng.
Do vậy, hàng ngày phải luôn kiểm tra và tách dế cái cho vào thùng riêng rồi cho bột xơ dừa đã ngâm ủ với nước, để dế đi vào đẻ trứng. Trong vòng 2 ngày, trứng dế đã nở thành con. Vì dế sinh nở và trưởng thành rất nhanh, nên ở trang trại này bình quân mỗi ngày xuất đi khoảng 50kg dế thịt cho các đầu mối.
Nhờ có thị trường đầu ra ổn định, nên mô hình trang trại nuôi dế của anh Đoàn được duy trì gần 10 năm nay. Trừ hết chi phí, bình quân mỗi tháng anh thu về được hơn 30 triệu đồng từ nghề nuôi dế. Với sự nỗ lực của mình, ý tưởng khởi nghiệp nuôi dế của anh Đoàn không chỉ làm giàu cho gia đình, mà còn tạo việc làm ổn định cho 8 lao động tại địa phương.
Anh Cao Văn Đoàn là một trong những đoàn viên xuất sắc trong phong trào thanh niên khởi nghiệp tại địa phương. Năm 2013, anh vinh dự được trao tặng bằng chứng nhận đạt giải thưởng Lương Định Của, đây là phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn dành cho “Nhà nông trẻ xuất sắc”. Mấy năm trở lại đây, anh đều được các cấp tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua, sản xuất kinh doanh giỏi.
Trồng giống dưa có tên "đài các", chàng trai xứ Thanh thu hàng trăm triệu mỗi năm
Sau 2 năm học trồng dưa công nghệ cao từ Israel, chàng trai Dương Văn Khoa ở Thanh Hóa đưa ý tưởng trồng giống dưa vàng có tên Kim hoàng hậu ở ngay quê hương mình, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Theo baobinhduong.vn