Người nghệ sĩ lan tỏa giá trị văn hóa về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh qua những vai diễn
Cả đời gắn bó với vai Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tháng 2/2022, Nghệ sĩ Tiến Hợi – người dành hàng chục năm nghiên cứu hình dáng, giọng nói và cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh để hóa thân Người qua nhiều tác phẩm nghệ thuật - đột ngột qua đời, để lại sự tiếc nuối khôn nguôi trong lòng khán giả và những người làm nghệ thuật.
Theo lời kể của Nghệ sĩ Thu Hà - đóng vai ca sĩ trong Đêm trắng: “Khi đoàn Văn công Quân khu 2 thiếu người, đạo diễn Doãn Hoàng Giang phải chọn ra hai người, trong đó có Tiến Hợi, để hóa trang. Bởi qua ảnh chụp, mọi người đánh giá Tiến Hợi có ánh mắt, khuôn mặt, dáng dấp giống Hồ Chủ tịch.
Để hiểu rõ nhân vật mình đóng, Tiến Hợi nhiều lần đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh, trò chuyện với ông Vũ Kỳ - thư ký của Người. Để rồi từ ấy, nói đến những vai diễn về Bác là người ta nghĩ ngay tới Tiến Hợi. Và cũng chỉ Tiến Hợi, sau này có thêm đạo diễn Trần Lực – là 2 trong số rất ít người vào vai Bác thành công và có thần thái nhất”.
Nói thêm về cố nghệ sĩ Tiến Hợi, Nghệ sĩ Thu Hà chia sẻ: Khi mới vào vai Bác Hồ, Tiến Hợi là người xông xáo, nhiệt tình trong công việc và tỏ ra là người “hợp” vai. Dể rồi sau đó với các vai về Bác trong vở “Xin lĩnh án tử hình” (giúp Tiến Hợi đoạt huy chương vàng Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1992); phim điện ảnh “Hẹn gặp lại ở Sài Gòn”; phim “Hà Nội mùa đông năm 46”… hình tượng về Bác được Tiến Hợi thể hiện rất xuất sắc.
Ví dụ, với phim “Hà Nội mùa đông năm 46” sản xuất năm 1996, tái hiện giai đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh 56 tuổi, Tiến Hợi đã phải mất công tìm tòi những ảnh tư liệu về quá trình hoạt động cách mạng của cụ Hồ thời gian ở chiến khu Việt Bắc. Ông tự tay chuẩn bị đạo cụ, từ đôi dép cao su, quần áo, mũ cối đều được ông nâng niu để hóa thân vào Người sao cho thần thái, bước đi cho tới giọng nói phải toát lên được cốt cách và tầm tư tưởng của Bác.
Lan tỏa tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh
Có thể khẳng định, các hoạt động văn hóa - văn nghệ đã góp phần tuyên truyền sâu rộng truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc, những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Trong đó, những vai diễn về Bác Hồ của cố nghệ sĩ Tiến Hợi thực sự đã có sức lan tỏa to lớn về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh tới thế hệ thanh niên ngày nay.
Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (ngày 24/11/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội…”. Trong đó, các vở diễn về Bác Hồ thực sự luôn để lại trong lòng khan giả những ấn tượng khó phai và tầm tư tưởng ở mỗi tác phẩm đã vượt xa giá trị nghệ thuật.
Mới đây nhất những vở diễn như: “Người cầm lái” - vở nhạc kịch đầu tiên về Bác Hồ do Nhà hát Công an nhân dân dàn dựng ra mắt tại Nhà hát Lớn Hà Nội giữa tháng 5/2022 đã chinh phục khán giả khó tính nhất. Hoặc chùm 3 vở kịch ngắn của Nhà Kịch Việt Nam gồm: Đoàn Kết, Bác Hồ và mùa xuân năm ấy, Đôi mắt lại là những góc rất “đời thường” về Người.
Nếu vở Đoàn kết là sức mạnh kể câu chuyện thời kỳ chống Pháp. Vở kịch ngắn Bác Hồ và mùa xuân năm ấy lại cho thấy quan điểm gần dân, việc Bác quan tâm đến đời sống người nghèo.Vở Đôi mắt sáng lại kể câu chuyện hậu chiến, khi người chiến sĩ trở về mù lòa tự cô lập mình, từ chối tình yêu cuộc sống. Cảm hứng sống của người chiến sĩ đã trở lại sau lần gặp Bác Hồ.
Dễ thấy dù với cứ đề tài nào, các nghệ sĩ trong đó có Tiến Hợi khi hóa thân vào vai Người đều cố gắng khắc họa trọn vẹn nhất tầm tư tưởng và những giá trị nhân văn, cốt cách, thần thái Hồ Chí Minh – lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, sau sự ra đi của nghệ sĩ Tiến Hợi – người ta lại phải tìm kiếm thêm những gương mặt mới vào vai Người, một vai diễn khó mà không phải ai cũng dám đảm nhận nếu chưa thấm nhuần được tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.
Hải Việt