Người mẩn ngứa, đỏ rực như tôm lột sau ăn bát rượu nếp
Sau khi ăn rượu nếp thấy xuất hiện mụn ngứa, người phụ nữ dùng thuốc dị ứng, tắm nước lá cây, nước muối nhưng toàn thân bà đỏ như tôm lột, nốt đỏ nhiều hơn kèm theo nhiều mụn mủ
Người mẩn ngứa như tôm lột sau ăn bát rượu nếp |
11h ngày 14/7, Phòng khám Da liễu, BV đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận bệnh nhân nữ (trú tại Trùng Khánh) đến khám trong tình trạng nổi mẩn toàn thân kèm theo ngứa và tổn thương da trên nhiều bộ phận cơ thể.
Bệnh nhân cho biết, bản thân đã có tiền sử dị ứng, viêm khớp, sau khi ăn rượu nếp xuất hiện mẩn ngứa nên tự dùng thuốc medrol (thuốc chống dị ứng) nhưng tình trạng không đỡ.
Người bệnh không đi khám ngay mà vẫn tiếp tục tắm nước lá cây, nước muối sau đó xuất hiện tổn thương da, nốt đỏ nhiều hơn, một số có mụn mủ kèm ngứa, đau nhức đã được người thân đưa đến viện khám.
Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết bệnh nhân được chẩn đoán: Dị ứng chưa rõ nguyên nhân, theo dõi dị ứng thuốc, chuyển vào điều trị nội trú tại Khoa Truyền nhiễm.
Các bác sĩ da liễu cho biết thêm, dị ứng không phải là căn bệnh đe dọa đến tính mạng con người nhưng sẽ gây ra sự khó chịu và để lại những vết sẹo mất thẩm mỹ nếu không được chữa trị dứt điểm.
Người có cơ địa dị ứng không nên tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng, cẩn trọng khi sử dụng các loại thuốc. Khi xuất hiện các dấu hiệu dị ứng nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán, có phương hướng điều trị kịp thời, hiệu quả, loại trừ nguyên nhân để tránh tái phát.
BS Lê Thị Minh Hương, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thêm, xấp xỉ 25% dân số trên thế giới bị một hoặc vài bệnh dị ứng, tỉ lệ này xu hướng ngày càng tăng.
Đáng lưu ý, nhiều người thường nghĩ về các bệnh dị ứng khi bị mề đay, ngứa, hắt hơi, xổ mũi, chảy nước mắt.
Tuy nhiên theo BS Hương những dấu hiệu trên chỉ là triệu chứng của một số bệnh dị ứng. Phản ứng dị ứng thực sự là hậu quả của các sự kiện xảy ra trong hệ miễn dịch của mỗi người.
Dị ứng thức ăn có thể xuất hiện phản ứng nặng, đe dọa đến tính mạng khi họ ăn phải loại thức ăn đó. Những thức ăn gây dị ứng phổ biến nhất là protein sữa bò, trứng, hạt lạc, lúa mì, đậu tương, cá, tôm cua. Dị ứng thức ăn xuất hiện ở trẻ nhỏ nhiều hơn người lớn. Tỷ lệ thức ăn sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên.
“Phản ứng dị ứng là một chuỗi các hiện tượng phức tạp liên quan đến nhiều thành phần tế bào, các chất hóa học và các mô toàn cơ thể. Trong khi chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn các bệnh dị ứng, chúng ta có rất nhiều biện pháp giúp giảm triệu chứng.
Theo đó, người dân nên giảm tối thiểu tiếp xúc với những dị nguyên gây dị ứng.
Nếu bạn bị dị ứng, hãy đến khám chuyên khoa miễn dịch – dị ứng để cùng với bác sỹ xác định nguyên nhân và lựa chọn hướng điều trị phù hợp và tốt nhất đối với bạn. Bác sĩ Miễn dịch – Dị ứng có thể cung cấp thêm cho bạn nhiều thông tin cập nhật về các phản ứng dị ứng”, BS Hương cho hay.
N. Huyền