Người Hà Nội đi chợ từ tờ mờ sáng trước giờ giãn cách, thực phẩm ngồn ngộn
Ngay từ tờ mờ sáng 24/7, trước 06h khi quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 chính thức có hiệu lực, các khu chợ trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã tấp nập người mua, kẻ bán.
Hơn 2000 gian hàng chợ Đồng Xuân đóng cửa, TTTM phủ bạt dài ngày chống dịch
Hàng loạt quầy hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu ở các chợ lớn, trung tâm thương mại đã phủ bạt kín mít, tắt đèn, đóng cửa tạm ngừng kinh doanh kể từ khi TP Hà Nội thực hiện Công điện 15.
Ghi nhận tại các khu chợ ít giờ trước thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, người dân cũng như thương lái đã đến mua bán từ rất sớm.
Tại chợ Mỹ Đình, chợ tạm ở đường Phạm Hùng, chợ Tân Xuân (phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm), ngay từ sáng sớm đông đúc người mua kẻ bán.
Tại chợ Mỹ Đình ngay từ sáng sớm đã đông đúc người dân ra mua hàng.
Người dân mua rất nhiều đồ về.
Tại đây, luôn có người của ban quản lý chợ bảo vệ, kiểm soát lượng người và hàng hóa ra vào, đồng thời kiểm tra thân nhiệt cho mọi người ngay tại cổng chợ.
Chợ tạm ở đường Phạm Hùng trước 6h sáng cũng đông nghịt người mua hàng. |
Chợ Tân Xuân (phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm) cũng rất đông người đến mua, bán hàng hóa. |
Chủ yếu là thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả và thịt được rất nhiều người chọn mua.
Chị Liên (ở Xuân Đỉnh) cho biết: “Tôi thường đi chợ vào sáng thứ 7 nên thấy ngày hôm nay đông hơn bình thường, giá cả các mặt hàng thiết yếu như thịt, rau cũng đắt hơn bình thường 1 chút. Do phải hạn chế ra đường theo Chỉ thị 16 nên hôm nay tôi cũng mua đồ nhiều hơn ngày thường. Hy vọng dịch bệnh sẽ sớm hết để mọi hoạt động trở lại bình thường”.
Các doanh nghiệp cũng chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỉ đồng, bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.
Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hóa bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Để phục vụ phòng chống dịch Covid-19, TP đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện đã bố trí làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.
Sẵn sàng huy động hàng nghìn xe chở hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối và các quận huyện sẵn sàng đưa hàng kịp thời đến 7.500 điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn.
Sở Công thương TP Hà Nội khẳng định trong bất kỳ tình huống nào, hàng hóa cũng đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân, kể cả khi nhu cầu mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng, phân bổ lượng hàng hóa đầy đủ trong hệ thống.
Do đó, Sở Công thương TP Hà Nội khuyến cáo người dân yên tâm, không dự trữ hàng hóa, không tập trung đến các hệ thống phân phối, tránh lây nhiễm dịch bệnh.
Bảo Khánh
Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ nào được phép hoạt động trong thời gian Hà Nội giãn cách xã hội?
Theo Chỉ thị 16 thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội từ 06h ngày 24/7, những cơ sở kinh doanh, dịch vụ nào được phép hoạt động trong vòng 15 ngày?