Ngư dân Việt Nam chưa một ngày nào để mất Hoàng Sa
Tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắn cháy cabin trên vùng biển Hoàng Sa (ảnh NLĐ) |
Đó là chia sẻ của ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam, khi nói về sự kiện 40 năm Hải chiến Hoàng Sa và hình ảnh ngư dân Việt Nam.
Thưa ông, ngày 19/1 năm nay là tròn 40 năm ngày Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa. Là Tổng thư ký Hội nghề Cá Việt Nam, ông có chia sẻ gì, mỗi khi đến dịp này?
Trước hết, sự kiện Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 (19.1) là một sự kiện đau thương của bất cứ con dân đất Việt nào. Tôi được biết, lúc đó lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh của đất nước Việt Nam, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa của chúng ta. Vậy là từ ngày 19/1/1974, Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp, đến nay đã được 40 năm. Trong vòng 40 năm ấy, nhắc lại sự kiện này, ai cũng thấy xót xa, không chỉ những nhà lãnh đạo mà tất cả người dân Việt. Đau xót lắm chứ, mảnh đất bao nhiêu đời ông cha ta để lại nay đang nằm trong tay nước ngoài. Họ đã chiếm nó bằng một trận Hải chiến đẫm máu.
Quan trọng nhất, thái độ, trách nhiệm, nghĩa vụ con cháu lớp sau này phải làm gì, làm như thế nào để dân tộc ta tự cường, đoàn kết, giàu mạnh. Tôi mong rằng, sau này trên cơ sở đất nước ta giàu mạnh, luật pháp quốc tế, công lý quốc tế được thực thi, chúng ta sẽ không phải nhớ đến sự kiện này bằng một sự đau xót nữa mà phải vui mừng khi Hoàng Sa trở về đất Việt. Đó là trách nhiệm của mọi người dân Việt.
Trên thực tế, trong vòng 40 năm, chúng ta không bao giờ từ bỏ chủ quyền đối với Hoàng Sa bằng rất nhiều hành động như ra tuyên bố, ghi nhận sự bảo vệ Hoàng Sa trong Luật Biển Việt Nam, thành lập UBND huyện Hoàng Sa... Chúng ta luôn khẳng định: “Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của nước CHXHCN Việt Nam”.
Mặt khác, không chỉ có Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền mà mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là ngư dân, vẫn đang ngày đêm bám trụ ngư trường Hoàng Sa.
Đó cũng là hành động khẳng định chủ quyền đầy dũng cảm. Tôi nhớ mãi hình ảnh “ngọn cờ cột mốc” nói về ngư dân bám trụ Hoàng Sa do truyền hình Việt Nam phát về ngư dân Lý Sơn, Quảng Ngãi và nhiều ngư dân khai thác ở Hoàng Sa. Tôi cũng nghĩ: Ngư dân dũng cảm như vậy, trách nhiệm thái độ của chúng ta như thế nào với họ để họ là chiến sĩ tiền tiêu để bảo vệ và giữ vững vùng biển đảo của Việt Nam.
Tuy nhiên, khi ngư dân của chúng ta khai thác ở vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng Trung Quốc đã dùng nhiều hành động như rượt đuổi, đốt phá, đánh đập, đâm va, cướp tài sản ngư dân... thậm chí bắn cả vào tàu của họ. Những điều đó chúng ta không thể chấp nhận được. Trong lần nhắc lại 40 năm, chúng ta cũng không thể quên những người ngư dân hiện tại đang bám trụ vùng biển như thế nào.
Tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc phun vòi rồng uy hiếp (ảnh video do TQ thực hiện) |
Có ý kiến cho rằng: “không nên nhắc lại sự kiện đau lòng này”. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Tôi nghĩ rằng, sự kiện đó là lịch sử, mà lịch sử đòi hỏi chúng ta phải trung thực. Dù có đau thương nhưng vẫn phải nhắc để luôn nhớ bài học lịch sử. Nếu được nhắc nhở giáo dục về sự kiện này sẽ tạo ra những suy ngẫm, thái độ, trách nhiệm của người Việt Nam cho đúng. Lâu nay, chúng ta đã công bố rất nhiều bằng chứng chứng mình chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Nhưng một thực tế, Trung Quốc lại đang chiếm đóng bất hợp pháp toàn bộ Hoàng Sa. Vậy tại sao chúng ta không công bố, nhắc lại sự kiện Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng như thế nào? Sự kiện gợi nhắc không rầm rộ nhưng phải có, dù chỉ một phút. Sự kiện này sẽ nhắc chúng ta rằng: Chúng ta đã mất đi một phần thiêng liêng của Tổ quốc.
Khi nghe tin Đà Nẵng tổ chức “40 năm hải chiến Hoàng Sa”, ông có cảm giác như thế nào?
Cảm giác thì thật bùi ngùi, chua xót nhưng tôi nghĩ không vì thế mà không nhắc lại. Tôi nghĩ người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế phải biết đến ngày này.
Vậy theo ông việc nhắc lại sự kiện này có ý nghĩa như thế nào, nhất là vấn đề tạo tinh thần cho ngư dân bám biển Hoàng Sa?
Nhắc lại sự kiện này đề nhắc cho cơ quan chức năng, học giả, nhà nghiên cứu, tầng lớp cháu con nhớ đến sự kiện để không ngừng nâng cao nhận thức, vững vàng đấu tranh pháp lý chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông nói chung, Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng.
Đặc biệt hơn, chỉ có khẳng định, tuyên bố công khai liên tục Hoàng Sa là quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam thì ngư dân mới yên lòng khi ra ngư trường Hoàng Sa khai thác.
Hơn nữa, việc khẳng định chủ quyền không chỉ có bằng hoạt động ngoại giao mà bằng nhiều hoạt động khác. Chúng ta phải nhắc lại, phải động viên ngư dân tiếp tục ra Hoàng Sa khai thác, đánh bắt cá. Bởi đó là khai thác tài nguyên trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tôi cho rằng, điều này hết sức có ý nghĩa với ngư dân Việt Nam. Sau những sự kiện như thế này, tôi nghĩ chúng ta nên có chính sách kịp thời với ngư dân bám trụ Hoàng Sa.
Qua theo dõi, ông thấy hoạt động của ngư dân Việt Nam bám trụ Hoàng Sa như thế nào?
Ngư dân Lý Sơn, ngư dân Bình Châu, ngư dân Quảng Ngãi... đấy là những anh hùng thực thụ khẳng định chủ quyền Việt Nam, bảo vệ chủ quyền Việt Nam. Những người ngư dân anh dũng đó rất đang trân trọng, tự hào. Ngư dân của chúng ta rất nhiều lần ra khai thác ở Hoàng Sa, rất nhiều lần bị Trung Quốc xua đuổi, đập phá, thậm chí là đốt phá tàu thuyền nhưng ngư dân vẫn ra khơi, vẫn tiếp tục khẳng định vị trí vai trò của mình. Đây là những cột cờ, cột mốc Tổ quốc, đây là chiến sĩ dũng cảm quyết tâm bảo vệ chủ quyền, chúng ta cần phải trân trọng và biết ơn họ.
Tàu cá Việt Nam kiên cường bám trụ vùng biển Hoàng Sa mặc kệ sự uy hiếp từ tàu Trung Quốc (ảnh do phía Trung Quốc phát) |
Vậy những năm gần đây, Hội Nghề cá Việt Nam đã tiến hành hoạt động như thế nào để bảo vệ ngư dân?
Năm, sáu năm vừa rồi, Hội Nghề cá phản ứng rất kịp thời những sự kiện diễn ra trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng tôi đã có nhiều văn bản, kiến nghị không chỉ đối với cơ quan Nhà nước của Việt Nam, kể cả đối với sứ quán của Trung Quốc. Sau đó, để thống nhất đầu mối, chúng ta chỉ phản ứng với cơ quan chức năng của Nhà nước Việt Nam để có cách đấu tranh, trách nhiệm để đảm bảo an toàn cho ngư dân Việt Nam trên Biển Đông nói chung và vùng biển Hoàng Sa nói riêng. Yêu cầu phía Trung Quốc phải chấm dứt những hành động thô bạo với ngư dân Việt Nam. Đảm bảo cho ngư dân Việt Nam được khai thác trên vùng biển chủ quyền của mình. Tôi nghĩ tại sao không có một đội bảo vệ, hậu cần nghề cá hộ tống tàu cá ngư dân Việt Nam khai thác trên vùng biển thuộc chủ quyền của chúng ta?
Thực tế, sau những lần đấu tranh bằng các biện pháp của chúng ta, tôi theo dõi và nhận thấy những hành động xâm phạm ngư dân Việt Nam từ phái Trung Quốc cũng có giảm về tần suất trong thời gian gần đây.
Để nói một cách ngắn gọn nhất về sự kiện 40 năm ngày mất Hoàng Sa và những ngư dân Việt Nam, ông sẽ nói gì?
Phải nói rằng nhớ đến ngày mất Hoàng Sa, đó là nhắc đến một nỗi buồn dân tộc. Nhưng chúng ta phải nói, phải nhắc nhở chúng ta, còn mảnh đất cha ông đang nằm trong sự chiếm đóng của nước ngoài.
Điều thứ 2, chúng ta phải tôn trọng ngư dân Việt Nam đã đang là những người chiến sĩ, những vị anh hùng khẳng định chủ quyền của dân tộc Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thiêng liêng. Bởi vì, ngư dân Việt Nam chưa một ngày nào để mất Hoàng Sa.