Ngư dân miền Trung dài cổ chờ... Nghị định 67
Cơ sở đóng tàu chờ ngư dân
Cuối tháng 12, thời điểm ngư dân trong tỉnh nâng cấp, đóng mới tàu thuyền để bước vào mùa biển mới. Nhưng những con tàu “thuộc diện” đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 vẫn chưa được triển khai. Tại cơ sở đóng tàu Tân An, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi)- một trong 6 cơ sở được tỉnh duyệt cho phép đóng mới tàu theo Nghị định 67, chủ cơ sở Lê Văn Phượng khẳng định: “Các phương tiện đóng tàu mới được đầu tư nâng cấp, cánh thợ cũng đã sẵn sàng, nhưng chẳng có hợp đồng nào nên đành phải chờ thôi”.
Ngư dân mong sớm hoàn thiện các thủ tục để đóng mới các con tàu công suất lớn như thế này để vươn khơi xa. |
Tại Hợp tác xã tàu thuyền Viễn Đông Sa Huỳnh (Đức Phổ), nhiều tàu công suất lớn cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng chẳng có chiếc tàu nào đóng theo diện được hỗ trợ của Nghị định 67. Ông Lê Trung Thành – Giám đốc Hợp tác xã cho hay, trong số ngư dân được xét duyệt đóng tàu mới theo Nghị định 67 chỉ có ngư dân Nguyễn Sáu, ở thôn Thạch Bi 1, xã Phổ Thạnh. Thế nhưng, mấy tháng nay, do hồ sơ thiết kế tàu của ông Sáu chưa được phê duyệt nên cả hai bên đều đành phải đợi.
Trong khi các cơ sở đóng tàu chuẩn bị đầy đủ máy móc, nhân lực để đóng tàu mới theo quy định, thì nhiều ngư dân vẫn chưa thể hoàn thành đủ thủ tục hồ sơ để vay vốn. Trong số 40 ngư dân được tỉnh xét duyệt đủ tiêu chuẩn vay vốn theo Nghị định 67 ở đợt 1, trong đó ngư dân có nguyện vọng đóng 15 tàu vỏ thép, 2 tàu composite và 23 tàu vỏ gỗ. Đối với tàu vỏ gỗ thì tỉnh đã duyệt 6 cơ sở đủ tiêu chuẩn đóng mới nâng cấp tàu theo Nghị định 67, nhưng hiện chưa có ngư dân nào hoàn thiện hồ sơ đóng tàu gỗ, do chưa có thiết kế mẫu tàu, bởi trên địa bàn tỉnh không có đơn vị nào thiết kế. Trong khi với đóng tàu vỏ thép thì ở Quảng Ngãi cũng không có cơ sở nào, nên việc đóng tàu theo Nghị định 67 hiện vẫn “dậm chân tại chỗ” và chẳng biết đến bao giờ ngư dân mới vay được vốn, đóng được tàu?
Đến thời điểm này chỉ có 1 tàu vỏ thép của Công ty CP Thủy sản Lý Sơn vay được hơn 20 tỷ đồng. Thực chất đây là tàu đã thực hiện từ Nghị định 1787 (nay đã hết hiệu lực) chuyển qua theo Nghị định 67 nên hoàn thiện thủ tục hồ sơ nhanh chóng. Còn lại 39 trường hợp còn lại (đã được xét duyệt đợt 1) vẫn phải chờ hoàn thành các thủ tục. |
Ngư dân chờ vốn
Được biết, sau khi Nghị định 67 có hiệu lực, các ngân hàng thương mại đã đưa ra các gói sản phẩm cho ngư dân vay. BIDV đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn 15.000 tỷ đồng để triển khai các chương trình tín dụng tổng thể giai đoạn 2014 - 2017 hỗ trợ phát triển thủy sản. Vietinbank cũng trưng ra gói 3.000 tỷ đồng, còn Vietcombank Quảng Ngãi thì khẳng định nguồn vốn dồi dào đủ đáp ứng cho ngư dân vay. Nằm trong những ngân hàng thu xếp vốn cho ngư dân vay theo Nghị định 67, Agribank cũng đã dành nguồn vốn 5.000 tỷ đồng để cho vay.
Đến nay, các ngân hàng đã liên hệ với 40 ngư dân được UBND tỉnh xét duyệt trong đợt 1 vừa qua để hoàn thiện quy trình, hướng dẫn thủ tục cho vay đối với khách hàng. Thế nhưng, đến thời điểm này mới chỉ có 1 trường hợp được ký kết hợp đồng tín dụng vay hơn 20 tỷ đồng từ Agribank Quảng Ngãi. Ông Lê Hồng – Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi cho hay: “Đa số các ngư dân được duyệt đăng ký, nâng cấp đóng mới tàu, ngân hàng đã hướng dẫn hồ sơ thủ tục theo quy định, nhưng nhiều trường hợp cả ngân hàng và ngư dân... đều chờ thiết kế mẫu tàu. Hiện tại một số mẫu mã thiết kế phát sinh (ngoài 21 mẫu tàu đã duyệt) mới trình lên Tổng cục Khai thác nguồn lợi thủy sản. Phải đợi họ duyệt, rồi gửi lại về xem xét, thuê đơn vị tư vấn, lập dự toán, thẩm định, rồi mới đến ngân hàng để giải ngân. Theo đúng quy định thì đành phải chờ thôi”.
Ngành chức năng chờ hoàn thiện thủ tục
Trong khi ngư dân vẫn còn lúng túng và Nghị định 67 có hiệu lực đã gần 4 tháng nhưng đến ngày 2.12 vừa qua, ngành nông nghiệp mới tổ chức cuộc họp giữa tổ chuyên viên giúp việc với Công ty tư vấn thiết kế tàu cá để giới thiệu cho ngư dân biết các đơn vị tư vấn và các đơn vị chuẩn bị các phương án thiết kế, thẩm tra dự toán đóng tàu vỏ gỗ. Tiếp đến ngày 9.12, Sở NN&PTNT mới giới thiệu với ngư dân đóng tàu vỏ thép các đơn vị tư vấn thiết kế.
Lý giải vấn đề này, Sở NN&PTNT cho rằng: Nghị định 67 là chủ trương lớn nhằm hỗ trợ ngư dân hiện đại hóa đội tàu đánh bắt có hiệu quả ở khơi xa, phát triển kinh tế biển, góp phần bảo vệ chủ quyền. Vì vậy, nguồn vốn tín dụng khá lớn, buộc phải có những quy định ràng buộc chặt chẽ. Trong khi đó, đối tượng thực hiện là ngư dân, lâu nay họ có kinh nghiệm, năng lực, thông thạo ngư trường đánh bắt, nhưng về thủ tục hồ sơ thì chưa hiểu biết nhiều. Đóng một con tàu lên đến vài tỷ đồng, như xây dựng một ngôi nhà, buộc họ phải tính toán, đắn đo. Sở đang thực hiện những phần việc quan trọng đề ra những giải pháp để giúp dân, nên cần phải có thời gian chứ không phải thực hiện chậm trễ!
Được biết, giai đoạn 2014 - 2016, tỉnh đã có lộ trình thực hiện chính sách tín dụng, chính sách bảo hiểm và một số chính sách khác để hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng tàu đánh bắt và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm từng bước hiện đại hóa đội tàu khai thác hải sản xa bờ. Cùng với đó là thực hiện các khâu vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Do vậy, để Nghị định 67 thật sự trở thành “cú huých” cho ngành thuỷ sản, các cơ quan chức năng cần tập trung phối hợp giải quyết những vướng mắc để ngư dân nhanh chóng đóng tàu mới vươn khơi đánh bắt hải sản.
*Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ: Tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các ngân hàng phải tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp ngư dân vay vốn. Hồ sơ vay vốn đóng mới nâng cấp tàu, ngư dân gặp phải vướng mắc thuộc ngành, đơn vị nào thì phải tập trung giúp bà con nhanh chóng giải quyết phần việc đó. Đối với tàu vỏ gỗ thì tỉnh đã xét duyệt 6 cơ sở đủ tiêu chuẩn đóng mới, đồng thời giới thiệu các đơn vị tư vấn, thiết kế, ngư dân có thể liên hệ để thực hiện. Riêng 15 tàu vỏ thép, 2 tàu composite, tỉnh đã họp và yêu cầu các nhà máy đóng tàu, đơn vị tư vấn thiết kế tiếp cận các ngư dân để thỏa thuận mẫu tàu, sớm hoàn thiện thiết kế, dự toán. Tỉnh cũng yêu cầu, các ngành chức năng, đơn vị liên quan, phối hợp chặt chẽ hoàn thành đóng tàu vào cuối quý I/2015, tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi đánh bắt trong mùa biển mới. *Ông Phan Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Sở đã nhận nhiều thông tin phản hồi từ ngư dân, các ngành liên quan. Với các ý kiến về thiết kế mẫu tàu, lập dự toán đến đóng tàu thì Sở đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho bà con ngư dân. Riêng ý kiến về đóng mới, nâng cấp tàu nhưng lắp máy cũ thì không đúng với tinh thần Nghị định 67. Do vậy, bà con ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phải lắp máy mới. Có như vậy, tàu mới đảm bảo đánh bắt khơi xa, mới hiệu quả về lâu dài. Hiện Sở tiến hành làm các bước, giúp ngư dân hoàn thiện hồ sơ một cách nhanh nhất để tạo tiền đề cho đợt hai triển khai nhanh hơn. *Bà Phạm Thị Thúy Kiều - Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Chi nhánh Quảng Ngãi: Trước khi thực hiện cho vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, Ngân hàng đã tiến hành cho ngư dân vay vốn được vài năm nay với số dư cũng đáng kể. Cán bộ, nhân viên của ngân hàng cũng đã hiểu về năng lực đánh bắt, nguồn tài chính đối ứng của từng ngư dân đăng ký vay vốn tại ngân hàng. Vì vậy, các ngư dân qua hướng dẫn cũng đã thông suốt về thủ tục hồ sơ vay vốn theo yêu cầu của ngân hàng. Nguồn vốn của ngân hàng dành cho vay để đóng tàu hiện đã chuẩn bị sẵn sàng nên ngành chức năng trong tỉnh cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc để ngư dân hoàn thiện hồ sơ thủ tục kịp thời để ngân hàng giải ngân nguồn vốn này. *Ngư dân Võ Văn Hân, xã Bình Châu (Bình Sơn): Xem qua 21 mẫu tàu quy định thì các mẫu tàu này chỉ hợp với khu vực biển miền Nam và miền Bắc, không phù hợp miền Trung. Bởi biển miền Trung đầy sóng gió, buộc tàu phải rộng, sâu. Bên cạnh đó, các đơn vị thiết kế cũng chưa lập dự toán thống nhất giá tiền, giá thành về nguyên vật liệu đóng tàu vỏ thép các nhà máy cũng chưa trưng ra, ngư dân chưa biết so sánh giá cả ở đâu để mạnh dạn chọn lựa đầu tư. Mong các ngành chức năng, đơn vị tư vấn thiết kế sớm đưa ra mẫu tàu phù hợp để ngư dân sớm đóng tàu vươn khơi trong mùa biển mới. |
Theo Mai Hạ/http://baoquangngai.vn