Ngư dân Bình Thuận quyết tâm bám giữ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa
Có lợi thế bờ biển dài 192km cộng với ngư trường rộng 52.000km2, tỉnh Bình Thuận được đánh giá là địa phương có tiềm năng rất lớn để phát triển hoạt động khai thác trên biển, nhất là khai thác xa bờ. Các tàu cá công suất lớn tập trung nhiều tại các địa phương như thành phố Phan Thiết, huyện Tuy Phong, Thị xã La Gi và huyện đảo Phú Quý.
Bên cạnh mục đích bảo vệ ngư trường, an ninh trên biển, sự hình thành các tổ đoàn kết và nghiệp đoàn nghề cá trên biển của tỉnh Bình Thuận còn góp phần mang lại hiệu quả sản xuất, hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố trên biển. Hiện nay, toàn tỉnh Bình Thuận duy trì 241 tổ đoàn kết đánh bắt trên biển và tỉnh này đã thành lập 5 nghiệp đoàn nghề cá tại 4 huyện, thị.
Hằng năm, Bình Thuận là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, các cơn bão trên biển Đông, tuy nhiên đây cũng là địa phương có hoạt động khai thác thuỷ hải sản ổn định và dần đi vào chiều sâu. Sản lượng khai thác hải sản của ngư dân tỉnh Bình Thuận chiếm tỷ lệ lớn và có năng suất ổn định. Trong đó, các nhóm ngành nghề như câu khơi, vây rút chì, nghề mành hay lưới kéo cho thu nhập chủ yếu.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, thống kê cho thấy sản lượng khai thác hải sản trong 10 tháng đầu năm 2017 của tỉnh đạt gần 184.000 tấn, tăng 4,4% so cùng kỳ năm 2016. Nổi bật, sản lượng khai thác trong vụ cá Nam đạt 122.000 tấn, trong đó 96 nghìn tấn cá các loại, mực 12.000 tấn, tôm 2.000 tấn… Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 11.000 tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, sản xuất tôm giống đạt 20 tỷ con, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2016.
Ngư dân Bình Thuận quyết tâm bám biển, giữ vững ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Bình Thuận) |
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận, trong thời gian tới cơ quan này sẽ phối hợp với các địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện quyết định số 375/QĐ- TTg về tổ chức lại sản xuất, tập trung phát triển nghề lợi thế, nghề truyền thống như mành chà, câu rê, hạn chế các nghề khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi, đặc biệt là nghề lưới kéo.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận còn có kế hoạch tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, quản lý tàu cá và an toàn cho người và tàu trên biển.
Đóng vai trò lớn trong việc nâng cao năng lực đánh bắt, thúc đẩy sản lượng khai thác thuỷ hải sản, ngoài nỗ lực bám biển của ngư dân còn phải kể đến Nghị định 67/2014NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thuỷ sản mà trong đó việc hỗ trợ đóng tàu cho ngư dân.
Từ khi Nghị định 67/2014 NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, theo Chi cục Thủy sản Bình Thuận, Ủy ban nhân dân tỉnh này đã phê duyệt 184 trường hợp đóng mới, nâng cấp tàu cá xa bờ. Đến nay, 89 chiếc tàu cá công suất lớn được hỗ trợ đóng theo Nghị định 67 đã được hạ thủy, nâng số lượng đội tàu đánh xa bờ, công suất trên 400CV trở lên là 667 chiếc.
Một vấn đề khiến các ngư dân tỉnh Bình Thuận lo ngại là hiện nay số lượng tàu cá trong tỉnh lớn và một số tàu thuyền ngoài tỉnh di chuyển đến ngư trường Bình Thuận nhiều, tăng cường lực khai thác đã ảnh hưởng đến nguồn lợi hải sản mà biểu hiện là suy giảm kích thước khai thác trung bình của sản phẩm, giảm năng suất khai thác…
Về lâu dài, hoạt động khai thác hải sản được dự báo là sẽ có nhiều khó khăn hơn nên bà con ngư dân vẫn còn nhiều trăn trở. Theo nhiều ngư dân, hiện nay giá nhiên liệu vẫn duy trì ở mức cao khiến chi phí chuyến biển tăng cao, trong khi đó, lực lượng lao động nghề biển lại đang thiếu và biến động thường xuyên. Vì vậy, ngư dân trong tỉnh mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân; tăng cường công tác đăng ký, đăng kiểm bảo đảm an toàn cho người và tàu cá trên biển; tăng cường công tác dự báo ngư trường khai thác, giúp ngư dân tổ chức khai thác hải sản hợp lý.