Nghiên cứu sinh Trần Tịnh Vy: Thật tiếc khi học văn theo kiểu rèn luyện trí nhớ!
Hiện nay, việc học Văn tại nhà trường vẫn là vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội. Nhất là khi việc học Văn đang bị biến tướng thành những tiết đọc chép giống học sinh tiểu học.
Điều đó lý giải vì sao học sinh viết những câu văn lủng củng, những bài văn khiến dư luận “cười ra nước mắt”.
Liên quan đến vấn đề học Văn trong nhà trường, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng bạn Trần Tịnh Vy - Nghiên cứu sinh ngành Văn học, Đại học Hamburg (CHLB Đức).
Trần Tịnh Vy - Nghiên cứu sinh ngành Văn học, Đại học Hamburg (CHLB Đức) |
Việc học Văn hiện nay ở các trường từ tiểu học, THCS, THPT rất phổ biến tình trạng đọc chép. Học sinh chưa có tư duy văn học cũng như vốn từ còn rất hạn chế.
Được biết, hiện tại chị đang là nghiên cứu sinh ngành Văn học tại Đức, theo chị làm sao để giải quyết tình trạng trên để học sinh thực sự có niềm yêu thích với môn Văn thay vì học đối phó như hiện nay?
Thành thật mà nói, tôi hoàn toàn thông cảm với tình trạng đọc chép của học sinh, thậm chí là thấy tiếc cho các em hơn là trách cứ. Các em đã bỏ lỡ cơ hội được tiếp cận văn chương như một môn khoa học tư duy; thay vào đó lại xem việc học văn như một phương pháp rèn luyện trí nhớ!
Đọc chép chỉ là hậu quả của một trong vô số sai lầm của phương pháp giảng dạy, đánh giá, xếp loại người học văn và chương trình dạy văn trong nhà trường.
Với cương vị là giảng viên khoa Văn học Ngôn ngữ, điều duy nhất tôi có thể làm được vào lúc này là tôn trọng và đề cao mọi sự khác biệt từ phía người học trong việc tiếp nhận tác phẩm văn chương. Hi vọng điều này sẽ giúp cho các em cởi mở hơn với cảm xúc của mình.
Khi trò chuyện cùng học sinh, nhiều học sinh cho biết kiến thức của môn Văn quá nhiều và quá dài khiến các em học xong lại quên ngay. Là một nghiên cứu sinh ngành Văn học tại nước ngoài, mong chị có thể chia sẻ cách học Văn như thế nào cho hiệu quả?
Nếu xem việc học văn là quá trình học thuộc và đọc chép thuần túy, kiến thức của môn văn quả thật rất dài và khó thuộc. Học sinh không những phải nhớ tên tác giả, tác phẩm mà còn phải học thuộc cả tình tiết lẫn diễn biến câu chuyện. Hậu quả là đợt tuyển sinh năm nào, người chấm cũng được phen cười ra nước mắt trước tình trạng râu ông nọ cắm cằm bà kia.
Nhớ lại lần gặp gỡ ban đầu giữa tôi với văn chương, may mắn là tôi không rơi vào tình trạng ‘ép uổng’. Ban đầu, tôi đọc truyện văn học từ sách báo, dần dà mới chuyển sang truyện dài, tiểu thuyết.
Tôi không hình dung được tình huống của các em học sinh bây giờ trước khối lượng tác phẩm và yêu cầu khảo thí của môn Văn, để đến nỗi các em nghe môn văn là sợ, đọc truyện là thấy nản. Có ai cưỡng bức như thế mà yêu nhau được đâu?
Đương nhiên, tùy vào cá tính của mỗi người học, sẽ có những bạn yêu thích văn chương hơn những người còn lại. Với những đối tượng người học cảm nhận văn chương không phải ‘gu’ của mình, tôi cho rằng các em cần một chút kiên nhẫn.
Hãy bắt đầu từ việc đọc những tác phẩm mà mình yêu thích trước cái đã, rồi từ từ các em sẽ nhớ được ít nhiều. Cũng giống người mình thương, có ai ép buộc đâu mà mình vẫn nhớ hoài nhớ mãi!
Theo chị, học Văn giúp ích gì cho tư duy cũng như tâm hồn học trò?
Người ta thường hay nói văn chương dẫn dắt con người ta đến những chân trời mới. Có lẽ là như vậy, khi độc giả là những người yêu thích văn chương và họ đọc sách vì sở thích cá nhân.
Riêng tôi, quá trình đọc, học và phân tích văn chương giúp tôi có kĩ năng nhìn nhận và đánh giá vấn đề sâu sắc, đa diện và bớt dần định kiến. Nếu đâu đó trong xã hội này vẫn còn những người học coi trọng việc trau dồi trí tuệ cảm xúc và tinh thần thay vì những giá trị vật chất, thì các bạn hãy tin văn chương sẽ không bao giờ phụ lòng bạn.
Chị còn trăn trở điều gì về vấn đề học Văn tại các trường hiện nay?
Có lẽ tôi trăn trở với tất cả những gì mà bạn đã đặt ra trong các câu hỏi trên. Học sinh tiếp cận với văn chương bằng tâm thế đọc chép, học thuộc, giáo viên đánh giá việc cảm thụ văn chương dựa trên những barem vô nghĩa và phi lý.
Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy đại học, tôi còn có trăn trở trước cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên ngành văn - những người tôi tin rằng xứng đáng được tôn trọng và có quyền tự hào vì đã chọn văn chương làm lẽ sống.
Từ trường hợp của mình, tôi muốn nhắn nhủ cho sinh viên ngành văn rằng sẽ luôn có chỗ đứng cho những ai nghiêm túc với nghề.
Thành tích nổi bật của nghiên cứu sinh Trần Tịnh Vy:
Học sinh giỏi Văn cấp quốc gia (giải 3) 1995-1996.
Khóa luận tốt nghiệp ngành Văn học (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) xếp loại xuất sắc Luận văn thạc sĩ (Đại học Linkoping, Thụy Điển).
Giảng viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn HCM.
Là ứng viên nhận học bổng Đề án 911 (Chương trình đào tạo ứng viên trình độ tiến sĩ tại nước ngoài bằng ngân sách nhà nước), hiện là nghiên cứu sinh ngành Văn học tại Đại học Hamburg, CHLB Đức.
Đã có bài báo cáo trong các hội thảo quốc tế lớn tại Hoa Kỳ (Utica College), Vương quốc Anh (University of London), CHLB Đức (University of Hamburg), Thái Lan (Chulalongkorn University).