Nghị sĩ Mỹ: Muốn "nói chuyện" Biển Đông, phải tham gia UNCLOS
Buổi điều trần quốc hội Mỹ ngày 13/5 đã thể hiện rõ quan điểm của Bộ Ngoại giao Mỹ đối với các vấn đề nóng bỏng hiện nay trên hai khu vực biển có tranh chấp là Hoa Đông và Biển Đông. Đặc biệt, ông Russel đã dành hầu hết thời gian trình bày của mình để nói về Biển Đông.
Theo ông Russel, Mỹ hiện đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định hàng hải trên Biển Đông. Và để “danh ngôn chính thuận” thực hiện tốt vai trò đó của mình, Mỹ cần phải tham gia vào Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS).
Các công trình xây dựng trên Huy Gơ mà Trung Quốc đang cải tạo khá giống những gì đã có trên Gạc Ma. Ảnh: Nguyễn Cường. |
“Tôi đề nghị Quốc hội nên nắm bắt cơ hội tham gia UNCLOS. Việc gia nhập đã được cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ chấp thuận khi nó được đưa lên Quốc hội trong năm 1994. Nó sẽ hỗ trợ cho quân đội Mỹ, cho các ngành công nghiệp, môi trường và những lĩnh vực khác nữa [trong hoạt động ở Biển Đông]”, ông Russel đưa ra lời hối thúc.
Thêm vào đó, ông khẳng định lợi ích của Mỹ trong việc tham gia UNCLOS, “Tôi nói ra điều này vì lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ ở Biển Đông, đề nghị Quốc hội tiến hành tư vấn và đồng ý việc tham gia Công ước. Làm vậy sẽ giúp Mỹ bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia và tạo ra niềm tin chắc chắn cho những nỗ lực Mỹ trong việc đề nghị các quốc gia khác có trách nhiệm và nghĩa vụ thực thi hiệp ước cực kỳ quan trọng này”.
Đề nghị này xuất phát từ nhiều vấn đề nổi cộm hiện nay trên khu vực Biển Đông, trên hết là các động thái của Trung Quốc trong mọi lĩnh vực, từ đối ngoại đến các hoạt động dân, quân sự ở các đảo ở Biển Đông.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đã một lần nữa khẳng định những tuyên bố chủ quyền dựa trên bản đồ 9 đoạn (bản đồ đường lưỡi bò) của Trung Quốc là rất mơ hồ và không có bằng chứng pháp lý, lịch sử thuyết phục. Đáng quan ngại hơn, gần đây Trung Quốc còn hối hả cải tạo các đảo tranh chấp trên Biển Đông một cách bất thường và nhanh chóng. Ông Russel đã đặt ra câu hỏi: “Trung Quốc có ý định làm gì với những tiền đồn [được xây dựng trên đảo]?
Theo ông, từ trước đến nay, phía Bắc Kinh cung cấp khá nhiều lý do nhưng thường lại rất mâu thuẫn về mục đích của việc mở rộng các tiền đồn và xây dựng cơ sở trên các đảo tranh chấp. Cụ thể, Trung Quốc từng cho biết việc cải tạo nhằm mục đích hỗ trợ và cấp cứu trong thiên tai, bảo vệ môi trường, tìm kiếm cứu nạn, khí tượng học và các nghiên cứu khoa học khác. Trung Quốc cũng mời các quốc gia khác “dùng chung” những tiền đồn này với họ.
Tuy nhiên, quy mô cải tạo của Trung Quốc là quá rộng lớn so với những gì mà họ tuyên bố. Trong một năm qua, Trung Quốc đã nạo vét và mở rộng gấp 4 lần so với tổng diện tích các đảo tranh chấp. Việc khai hoang đã làm ảnh hưởng đến môi trường biển, làm hại hệ sinh thái.
Thậm chí, với sức mạnh quân sự của mình, Trung Quốc có khả năng tăng cường sức mạnh cho các tiền đồn lớn hơn nhiều mà các bên tranh chấp trong khu vực không thể làm được.
Quan trọng nhất, theo ông Russel, “các hoạt động này không phù hợp với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông mà Trung Quốc có ký kết với ASEAN trong năm 2002”. Ông khẳng định, việc đó đang “làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp” ở Biển Đông.
Gần đây, Bắc Kinh còn biểu hiện cho thấy, họ có thể sử dụng những đảo cải tạo này cho mục đích quân sự. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, các tiền đồn cho phép nước này “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, quyền và lợi ích hàng hải”, và “đáp ứng các yêu cầu về phòng thủ quân sự”.
Bức ảnh được quân đội Philippines công bố tố cáo Trung Quốc triển khai xây dựng trái phép tại một trong những hòn đảo đang xảy ra tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. |
Rõ ràng, những lời tuyên bố đó tạo ra cảm giác bất an cho các nước láng giềng, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng phô trương sức mạnh quân sự một cách mạnh mẽ. Điều này đã buộc các nhà lãnh đạo ASEAN, trong một Hội nghị thượng đỉnh cấp cao tổ chức ở Malaysia, đã phải lên án: “Việc cải tạo các tiền đồn ở Biển Đông đang làm xói mòn lòng tin trong khu vực, đe dọa phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”.
Ngoài việc cải tạo tiền đồ, sự mơ hồ và thiếu căn cứ của tuyên bố “Đường chín đoạn” của Trung Quốc cũng gây ra sự bất an ở khu vực Đông Nam Á. Ông Russel khẳng định, “Điều quan trọng là tất cả các bên cần làm rõ yêu sách trên biển của họ trên cơ sở luật pháp quốc tế, được phản ánh trong UNCLOS”.
Hôm 29/4, Đài Loan đã góp thêm tiếng nói của mình trong khu vực bằng cách kêu gọi “các nước trong khu vực tôn trọng các nguyên tắc và tinh thần của các luật pháp quốc tế liên quan, bao gồm điều lệ của Liên Hợp Quốc và UNCLOS”.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói: “Các quốc gia có yêu sách [trên Biển Đông] ở ASEAN đều chỉ ra rằng các tuyên bố của họ đều xuất phát từ đặc điểm địa lý. Tuy nhiên, Bắc Kinh thì chưa hề cung cấp cho cộng đồng quốc tế một cách rõ ràng về tuyên bố của mình tuân theo luật pháp quốc tế. Loại bỏ sự mơ hồ sẽ giúp tiến một bước đường rất dài trong việc giảm bớt căng thẳng và rủi ro [về an ninh trong khu vực].
Bằng việc chỉ ra các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông, ông Russel cho biết, các chính sách ngoại giao khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ sẽ hướng đến việc trực tiếp làm việc với lãnh đạo Trung Quốc, yêu cầu nước này quản lý và giải quyết sự khác biệt với các quốc gia láng giềng một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. “Hoa Kỳ sẽ không ngần ngại bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của mình, tôn trọng cam kết của chúng ta với các đồng minh và đối tác trong khu vực”, ông Russel khẳng định.
Ông cho biết, những vấn đề an ninh hàng hải cần được giải quyết bằng các nguyên tắc, không bạo lực. Và câu hỏi đặt ra hiện nay là các nước trong khu vực đang làm việc để duy trì các quy tắc, tiêu chuẩn pháp lý quốc tế hay là coi thường chúng? Các quốc gia liên quan sẽ phải làm việc với nhau để duy trì hòa bình, ổn định hay sẽ sử dụng các biện pháp cưỡng chế, đe dọa để bảo vệ lợi ích của riêng họ?
Với những câu hỏi như vậy, Mỹ nhìn nhận vai trò cực kỳ quan trọng của mình trong việc quản lý và giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.
Kết luận trong phần trình bày của mình, ông Russel khẳng định, Mỹ “tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và hàng không quốc tế, các quyền tự do, thương mại cần được hợp pháp và không bị cản trở và giải quyết hòa bình các tranh chấp”.