Ngày càng sa sút, Samsung tính chuyện rút khỏi Trung Quốc?
Lễ ra mắt Galaxy S10 tại Trung Quốc |
Theo trang Caixin, Samsung cắt giảm lao động tại nhà máy duy nhất ở Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Không rõ công ty Hàn Quốc dự định sa thải bao nhiêu nhân sự nhưng Caixin cho biết sẽ dựa trên tinh thần tự nguyện và nhân viên được bồi thường.
Nhà máy Huệ Châu mở cửa năm 1992, bắt đầu sản xuất điện thoại từ năm 2006. Có hơn 6.000 công nhân làm việc tại đây, đóng góp 17% tổng lượng sản xuất Samsung trên toàn cầu vào năm 2017.
Trong khi đó, một quan chức Samsung cho biết bộ phận di động tại Trung Quốc phải tái cơ cấu do doanh số ngày càng giảm theo năm tháng. Samsung từng có 2 nhà máy tại đây nhưng đã đóng cửa 1 tại Thiên Tân cuối năm 2018 do lợi nhuận đi xuống.
Việc sa thải công nhân tại Huệ Châu làm dấy lên suy đoán Samsung có thể đóng cửa nốt nhà máy còn lại và rút khỏi thị trường smartphone lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, quan chức Samsung nói chưa có điều gì được quyết định tiếp theo.
Dù Samsung đang là nhà sản xuất smartphone số 1 thị trường, thị phần của hãng tại Trung Quốc vô cùng yếu kém. Năm 2018, Samsung chỉ nắm 0,8% thị phần, bán được 3,4 triệu máy, không lọt vào top 10. Mặt khác, Huawei lại thống trị thị trường nội địa với 25,8%, tiếp đến là Oppo 20,3%, Vivo 19,5% và Xiaomi 12,1%. Apple xếp thứ 5 với 8,2%. Bất chấp thành công toàn cầu của dòng Galaxy S10, thị phần tại Trung Quốc của Samsung trong quý đầu năm nay chỉ là 1,1%.
Cùng lúc này, gã khổng lồ Hàn Quốc chuyển hướng sang Ấn Độ, thị trường lớn nhất sau Trung Quốc. Sau khi xây xong nhà máy sản xuất smartphone tại Noida tháng 8/2018, công ty cân nhắc đầu tư thêm vào màn hình, pin cho thiết bị. Nhà máy Noida có công suất 120 triệu máy/năm.
Chiến lược của Samsung tại Ấn Độ là tập trung vào thị trường địa phương đầu tiên rồi mới mở rộng sản xuất để xuất sang nước khác.
Nếu tính cả nhà máy tại Ấn Độ, Samsung đang có tổng cộng 6 nhà máy sản xuất smartphone trên toàn cầu. Nếu nhà máy Huệ Châu đóng cửa, có khả năng nhà máy Noida sẽ nhận phần việc của họ.