Ngành Thủy sản đạt nhiều kết quả ấn tượng
Nhiều kết quả khả quan song cũng không ít thách thức
Chiều 27/12, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, trong năm 2022, ngành Thủy sản tiếp tục đạt được những kết quả khả quan, được khẳng định là động lực phát triển của nền kinh tế, góp phần cho đà tăng trưởng của cả nước.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Thị Thu Nguyệt cung cấp những con số cụ thể: Ước tính năm 2022, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản tăng 3% so với năm 2021, tổng sản lượng đạt 9,06 triệu tấn, tăng 3,1% so với năm 2021, trong đó, sản lượng khai thác đạt 3,86 triệu tấn, nuôi trồng đạt 5,19 triệu tấn.
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt kỷ lục với khoảng 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 (8,89 tỷ USD), tăng 22,2% so với kế hoạch (9 tỷ USD). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ đạt 4,1- 4,2 tỷ USD (tăng khoảng 13% so với năm 2021), cá tra đạt 2,35 tỷ USD (tăng khoảng 70%).
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản đánh giá cao ngành Thủy sản trong năm 2022 đã xử lý tốt những vấn đề phát sinh, nhất là về thị trường. Khi tình hình dịch Covid-19 có dấu hiệu lắng xuống, ngành Thủy sản đã nhanh chóng tiếp cận thị trường ngoài nước, đồng thời, thúc đẩy thị trường trong nước.
“Những hoạt động của ngành Thủy sản được triển khai một cách trọng tâm, trọng điểm. Nhờ vậy, ngành Thủy sản đã đạt được những kết quả ấn tượng trong năm 2022”, ông Toản nói.
Cũng theo ông Toản, năm 2023, ngành Thủy sản sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Đáng chú ý là vấn đề tháo gỡ thẻ vàng IUU, không chỉ đơn thuần là triển khai các giải pháp để gỡ thẻ vàng mà còn là vấn đề nâng cao năng lực của cả ngành hàng thủy sản và thể hiện bản sắc của thủy sản Việt Nam.
Mặt khác, theo đánh giá gần nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng toàn cầu sẽ chững lại trong năm 2023, gây ảnh hưởng đến tất cả các thị trường nhập khẩu của Việt Nam. Đây cũng là một thách thức mà ngành Thủy sản cần phải vượt qua.
Thách thức khác nữa là việc chuẩn hóa quá trình sản xuất trong nước, nhất là về phần dữ liệu để phục vụ cho sản xuất của ngành hàng.
Những nội dung trọng tâm năm 2023
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2023, mục tiêu đặt ra là cơ bản giữ ổn định diện tích sản xuất ước thực hiện năm 2022 (tổng diện tích 1,3 triệu ha); tổng sản lượng thủy sản phấn đấu đạt khoảng 8,74 triệu tấn, trong đó, sản lượng khai thác khoảng 3,58 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng 5,16 triệu tấn. Về các sản phẩm quốc gia, sản lượng cá tra đạt khoảng 1,62 triệu tấn, tôm nước lợ 960 nghìn tấn. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 10 tỷ USD.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, toàn ngành Thủy sản sẽ triển khai nhiều nội dung trọng tâm.
Cụ thể, tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn; chỉ đạo các địa phương triển khai đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực, cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển.
Triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025, Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm Việt Nam đến năm 2030, Đề án cá tra 3 cấp, nuôi biển, tôm hùm, tôm càng xanh và các chương trình đề án, dự án khác.
Tiếp tục chỉ đạo phát triển nuôi hiệu quả các đối tượng chủ lực và các loài thủy sản có giá trị kinh tế.
Tận dụng tiềm năng mặt nước, phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa, các vùng xâm nhập mặn mới hình thành do biến đổi khí hậu không thể tiếp tục sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, hình thành các chuỗi liên kết, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.
Theo dõi và nắm chức tình hình, diễn biến thời tiết và thông tin về nguồn lợi thủy sản, chỉ đạo kịp thời, huy động tàu thuyền sản xuất các nghề phù hợp để khai thác có hiệu quả…
Lam Anh